Thế hệ trẻ ít "mặn mà" với trang phục truyền thống của dân tộc
Hầu hết các dân tộc Việt Nam đều có trang phục riêng của mình, mỗi bộ trang phục mang nét riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người. Trang phục truyền thống của các dân tộc đã góp phần làm phong phú cho nền văn hóa Việt Nam. Nó biểu hiện nếp sống tộc người thể hiện trình độ thủ công truyền thống và quan điểm thẩm mĩ, ngoài ra nó còn là cơ sở nhận biết và giúp ta có thể phân biệt được sự khác biệt giữa tộc người này với tộc người khác.
Tuy nhiên, hiện nay do quá trình hội nhập, toàn cầu hóa nhanh chóng, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ cùng với sự tác động của kinh tế thị trường, cuộc sống hiện đại nhường chỗ cho những bộ trang phục phương Tây tiện dụng, nhiều bạn gái trẻ không còn quan tâm tới thêu thùa váy áo truyền thống. Các bộ trang phục gốc còn lại hầu hết là do các thế hệ đi trước để lại.
Bạn Hoàng Nguyễn Huyên, dân tộc Tày, sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số (Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: "Nếu như trước đây, những bộ trang phục truyền thống bao đời vẫn là vật gắn liền với đồng bào dân tộc thiểu số trong những dịp lễ, tết, hội hè, cưới hỏi và các chương trình văn hóa - văn nghệ... Thì hiện nay do xã hội ngày càng phát triển, sự giao thoa văn hóa đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của bà con, đặc biệt là giới trẻ. Giới trẻ hiện nay không mấy mặn mà với việc mặc đồ truyền thống của dân tộc mình, hầu hết muốn lựa chọn những bộ đồ phổ thông mà các bạn trẻ người Kinh hay mặc. Nhiều người trẻ đã không còn dùng trang phục dân tộc trong sinh hoạt ngày thường, kể cả trong ngày lễ, tết; hội hè... Thay vào đó là trang phục ảnh hưởng của phương Tây, những bộ quần áo có phong cách táo bạo, ngoại lai...".
Ngoài ra, ở một số trường học đã tạo nhiều môi trường cho học sinh có cơ hội để mặc trang phục dân tộc truyền thống của học sinh, nhưng nhiều bạn chưa ý thức được vai trò của bản thân trong việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc nên có thái độ không hợp tác, hoặc mang tâm thế bị bắt ép nên mới mặc, tỏ thái độ không mấy vui vẻ, ngại ngùng sợ các bạn cười chê khi mặc trang phục của mình.
"Đặc biệt, đến các vùng đồng bào dân tộc Tày sinh sống, có những người trẻ trong độ tuổi dưới 25 tuổi chưa một lần được khoác trên mình bộ trang phục truyền thống, họ cũng không biết cách tạo ra một bộ trang phục truyền thống như thế nào. Nhiều bạn không am hiểu về bộ trang phục, cách trồng bông, nuôi tằm, dệt vải do ở địa phương không còn tồn tại những hình thức canh tác, sản xuất như vậy nữa. Đây là một điều đáng báo động khi đứng trước nguy cơ mai một của trang phục truyền thống" – Hoàng Nguyễn Huyên cho biết thêm.
Cần phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong giữ gìn trang phục truyền thống
Giới trẻ xa rời trang phục truyền thống của dân tộc, thế hệ nghệ nhân đang ngày một già đi, lớp người kế cận dường như không còn. Đây là một vấn đề đáng báo động nếu tình trạng này kéo dài sẽ thì những trang phục dân tộc truyền thống dân tộc thiểu số sẽ ngày càng bị mai một và mất đi. Vì vậy, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ để bảo tồn và giữ gìn nét đẹp trang phục dân tộc.
Để giáo dục thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Cần quy định học sinh trường dân tộc nội trú trong toàn tỉnh mặc đồng phục là trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 và thứ 4 hằng tuần. Và khuyến khích tạo cho các em học niềm đam mê tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đưa trang phục truyền thống vào chương trình học giáo dục lịch sử địa phương, các buổi ngoại khóa, học vẽ... Ngoài ra, cần tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống về dệt thổ cẩm, may, thêu váy áo… cho đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích lớp trẻ thường xuyên mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ,tết, cưới, hỏi…".
Theo Phó Vụ trưởng, Vụ Tuyên truyền UBDT - ông Đinh Xuân Thắng, muốn phát huy vai hiệu quả vai trò của giới trẻ trong bảo tồn trang phục truyền thống thì cần tổ chức triển khai phong trào "Tuổi trẻ chung tay bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số"; Tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy việc phát triển, chế biến nguồn nguyên liệu để sản xuất trang phục truyền thống….
Trước thời đại 4.0 để giúp giới trẻ trở nên yêu thích với trang phục truyền thống của dân tộc mình, TS. Chữ Thị Hà- khoa Văn hóa DTTS - Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, các địa phương cần tuyên truyền cho đồng bào, đặc biệt là lớp trẻ người DTTS thấy được lợi ích, cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại, đặc biệt trong công tác quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, để từ đó đồng bào sẽ quan tâm đầu tư hơn đến một kênh truyền thông bán hàng hiệu quả này.
Với mong muốn từng bước bảo tồn, phát huy tốt giá trị của trang phục truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: "Cần tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy nghề cắt, may trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao thông qua các hội thi, hội diễn, lễ hội… đây là cơ hội để các dân tộc được chưng diện và khoe với mọi người về trang phục của dân tộc mình, qua đó quảng bá thu hút khách du lịch đến tham quan, giao lưu văn hóa truyền thống tại các địa phương".
Bên cạnh đó, với xu thế hiện nay, mạng xã hội là một hình thức truyền thông có tác động mạnh mẽ đến giới trẻ. Đa phần các bạn trẻ đều sử dụng thiết bị điện tử hiện đại, dành khá nhiều thời gian cho các kênh như youtube, facebook, intagram, tiktok...và tốc độ lan truyền thông tin trên các trang mạng xã hội cũng rất nhanh. Việc quảng bá, đưa thông tin đến cho giới trẻ bằng các phương tiện truyền thông hiện đại kể trên là một giải pháp phù hợp nhất. Thông tin được đưa đến các bạn trẻ rất nhanh chóng và dễ dàng hơn vào đời sống, nhận thức của các bạn. Đồng thời, qua đây các bạn trẻ cũng chính là người tuyên truyền, chia sẻ những thông tin bổ ích về giá trị của trang phục truyền thống đến đông đảo bạn bè của mình, thậm chí là bạn bè trên toàn thế giới./.