Kể về tinh hoa rối cạn của phường rối Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa), ông Ma Văn Cười, Trưởng phường rối cho biết, loại hình nghệ thuật múa rối của phường rối thôn Ru Nghệ có từ xa xưa. Ngày bé, ông thường theo bố đi xem múa rối, rồi tình yêu với những con rối ngấm vào máu lúc nào không hay. Rối cạn Ru Nghệ là màn trình diễn các tích trò mô phỏng hoạt động lao động của người nông dân và các hiện tượng tự nhiên như cày, bừa, câu cá, tắc kè leo cây… Tích trò kể câu chuyện con tắc kè, đại diện cho loài vật vì cậy có khả năng dự báo thời tiết tốt nên tranh công với pú cấy (con người) cách làm ra các loại lương thực. Các tích trò do các kép diễn điều khiển con rối bằng tay mô phỏng những động tác mạnh giữa con người và tắc kè như leo lên, tụt xuống chạy, nhảy, cào, cấu, giằng xé rất sinh động, mang đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái.
Trong rối Tày Ru Nghệ, các con rối được điều khiển bằng tay, cùng với đó là lời giáo và tiếng trống rộn rã trong đoạn mô phỏng cảnh cày, bừa của nông dân, gây ấn tượng trên sân khấu. Xưa kia, phường rối Ru Nghệ thường biểu diễn trong các lễ tịch điền của hội làng, trong Lễ hội Lồng tồng đầu xuân, thu hút hàng ngàn người dân trong vùng đến xem, cổ vũ. Bà Hà Thị Đình, nghệ nhân phường rối hồi tưởng: “Mỗi đêm làng có diễn rối thì lũ trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi lắm. Thường thì một chương trình biểu diễn rối Tày Ru Nghệ kéo dài một tiếng đồng hồ, có 14 người làm kép thì mới diễn đầy đủ được các tích trò. Ví dụ màn đi câu cá sẽ có 7 người trẻ đi câu, 7 người già đi sau múa. Múa rối cạn Ru Nghệ là một hoạt động nghệ thuật quần chúng mang tính tổng hợp (văn, thơ, nhạc, họa, kịch), được chắt lọc cô đọng, tinh túy”.
Các nghệ nhân phường rối Ru Nghệ điều khiển trò diễn tắc kè leo cây
Màn biểu diễn hoạt cảnh lao động sản xuất của phường rối Tày Ru Nghệ
Bảo tồn nghề rối
Sau những năm tháng thăng trầm theo những biến cố của thời gian, nghệ thuật múa rối cạn của người Tày Ru Nghệ gần như đã bị mai một, thất truyền. Mãi đến năm 2011, khi triển khai Đề án “Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa” giai đoạn 2011-2015, Phòng Văn hóa huyện Định Hóa phối hợp với các nghệ nhân phường rối bắt tay vào nghiên cứu, phục hồi lại nghệ thuật đặc sắc này.
Tháng 7.2012, Phòng Văn hóa huyện kết hợp với người dân thôn Ru Nghệ thành lập Tổ khôi phục phường rối cạn. Tổ khôi phục đến từng nhà gặp lại các cụ cao niên từng tham gia vào phường rối năm xưa để tiến hành ghi chép lời kể và các ý kiến, kiến nghị của nhân chứng. Từ cơ sở đó, Tổ khôi phục giao cho ông Ma Văn Cười và một số nghệ nhân múa rối tiến hành đục đẽo, tái tạo lại các con rối, dụng cụ và lên kế hoạch mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn.
Sau một thời gian nghiên cứu, phục hồi những con rối, Trưởng phường rối Ma Văn Cười và các nghệ nhân phường rối xưa đã truyền dạy, hướng dẫn cho một số người trung tuổi và lớp trẻ cách biểu diễn rối cạn. Sau những buổi luyện tập đó, phường rối cạn đã thường xuyên biểu diễn và được quần chúng nhân dân phấn khởi đón nhận. Nói về việc bảo tồn, truyền dạy nghề múa rối, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Văn hóa huyện Định Hóa cho biết: “Từ năm 2003 đến nay, phường rối Tày của huyện chúng tôi được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài huyện như tại các Lễ hội Lồng tồng đầu năm, tại Festival Trà Thái Nguyên, tham gia các hội diễn múa rối không chuyên toàn quốc…”.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương đưa di sản văn hóa truyền thống vào trường học của Bộ GD&ĐT, phường rối Ru Nghệ đã tổ chức biểu diễn nhiều đợt tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Định Hóa. Phòng Văn hóa huyện còn phối hợp với phường rối tổ chức mở hai lớp truyền dạy nghề biểu diễn múa rối, thu hút 30 em học sinh tham gia. Lớp học được tổ chức mỗi tuần hai buổi (thứ Bảy, Chủ nhật), do các nghệ nhân phường rối làm “giảng viên”. Năm 2015, phường rối Ru Nghệ đã được Phòng Văn hóa huyện hỗ trợ 32 triệu đồng để phường rối bảo tồn, phục hồi nghề rối truyền thống.
Với những cố gắng trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, chính quyền cùng nhân dân Ru Nghệ đã, đang và sẽ hồi sinh nghệ thuật múa rối cạn Ru Nghệ.
(Theo Báo Văn Hóa)