Lễ hội rước kiệu tướng quân Nguyễn Tĩnh ở nghè Cả, phường Đông Hương.
Bên cạnh đó nhiều loại hình văn hóa phi vật thể là nguồn tài nguyên vô cùng thuận lợi để thành phố khai thác phục vụ cho mục đích phát triển du lịch.
Thực tế những năm qua việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của TP Thanh Hóa để phục vụ cho phát triển du lịch đã có bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều di sản văn hóa đã phát huy giá trị, được đông đảo du khách biết đến, như: Cầu Hàm Rồng, động Long Quang, đồi C4, đồi Quyết Thắng, di chỉ khảo cổ văn hóa Đông Sơn, làng cổ Đông Sơn, động Tiên Sơn, Thái miếu nhà Hậu Lê, núi Vọng Phu... đã thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan, tìm hiểu. Vì vậy, nhiều di sản văn hóa vật thể được đầu tư tôn tạo và các di sản văn hóa phi vật thể qua đó cũng được khôi phục lại.
Để có được những thành quả đó, những năm qua, UBND thành phố đã chỉ đạo ban quản lý di tích các phường, xã thường xuyên trùng tu, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng; đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Hệ thống hóa các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, các di tích chưa được xếp hạng để lập quy hoạch, dự án và thiết kế... nhằm tạo một chỉnh thể thống nhất để phát triển giao lưu văn hóa, du lịch tâm linh trên địa bàn. Bên cạnh đó, đến tháng 11-2016, UBND thành phố đã quyết định thành lập ban quản lý di tích và danh thắng cho 20/30 phường, xã có di tích trên địa bàn quản lý. Qua đó, những di tích được quản lý, bảo vệ, xếp hạng và đầu tư bảo quản, tu bổ đều tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành; phục hồi được diện mạo xưa, trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh giúp thế hệ trẻ có một cách nhìn toàn diện hơn về lịch sử - văn hóa, cũng như kiến trúc, mỹ thuật đặc sắc, tiêu biểu của các thời kỳ; góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ tốt cho đời sống văn hóa tâm linh. Một số di tích sau khi được tu bổ đã trở thành địa điểm tâm linh văn hóa thu hút ngày càng đông khách tham quan, mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương, như: Cụm di tích phường Hàm Rồng, di tích Thái miếu nhà Hậu Lê, chùa Đại Bi, đền Tống Duy Tân, đền Thiên Tiên Linh Từ, chùa Tăng Phúc, chùa Long Nhương, chùa Chanh, phủ Bà, chùa Thanh Hà, chùa Mật Đa...
Đi đôi với bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Qua thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn thành phố có 36 loại hình văn hóa phi vật thể, trong đó có 9 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 15 lễ hội truyền thống, 12 nghề thủ công. Hàng năm, các xã, phường đã trích một phần ngân sách, cùng với nguồn tiến cúng của nhân dân tổ chức các lễ hội. Điển hình như: Lễ hội rước kiệu tướng quân Nguyễn Tĩnh ở nghè Cả, phường Đông Hương; lễ hội rước kiệu Thánh Mẫu, ở nghè Cốc Hạ, phường Đông Hương; tế cung đình, xã Thiệu Dương; lễ hội tại Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ; lễ hội đền thờ Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng... Cùng với đó là các trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục và phát huy, như: Tổ tôm điếm, cờ người tại Thái miếu nhà Hậu Lê; thi cờ người, kéo co, cắm hoa, cờ tướng, văn nghệ tại đình làng phường Đông Cương; trò chơi bịt mắt tung cù, chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”, tại làng Vệ Yên, phường Quảng Thắng; trò diễn Tú Huần ở xã Hoằng Quang; hò sông Mã, thi chọi gà ở phường Nam Ngạn; đua thuyền chải ở xã Thiệu Khánh...
Bên cạnh việc bảo tồn và phục dựng các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian, thành phố còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của nhân dân cùng với các cấp chính quyền trong tổ chức lễ hội, bảo vệ nơi thờ tự, cảnh quan môi trường. Nhiều xã, phường lồng ghép việc tổ chức lễ hội vào các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào hương ước, quy ước thôn, phố, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Nhờ đó, các nghi lễ trong lễ hội trên địa bàn đều được tổ chức trang trọng, tiết kiệm trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội với nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương.
Có thể nói, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời các di sản văn hóa cũng đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch vô giá mà trong những năm qua thành phố đã khai thác có hiệu quả.