Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn

02/03/2017 08:59

Theo dõi trên

Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) - danh thắng nổi tiếng với núi non hùng vĩ, nhiều hang động, ngôi chùa đẹp, nếu được khai thác đầy đủ giá trị văn hóa - lịch sử, đặc biệt là giá trị văn hóa Phật giáo sẽ trở thành vùng đất đặc biệt thu hút du khách.



Sử sách ghi, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến viếng cảnh nhiều nhất, vào các năm Minh Mạng thứ 6 (1825), 7 (1827), và 18(1837). Ngay lần đến vãn cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng. News.zing.vn

Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn

Ngũ Hành Sơn là một không gian văn hóa đặc trưng của vùng văn hóa xứ Quảng. Ở đây có những ngọn núi đá vôi là danh thắng nổi tiếng của cả nước. Núi Ngũ Hành gốm có năm ngọn, đặt tên dựa trên sự tương ứng về phương vị theo thuyết Ngũ Hành: Thủy, Mộc, Thổ, Kim, Hỏa. Đây còn là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa, có hai di tích khảo cổ học Vườn đinh Khuê Bắc Và Nam Thổ Sơn lần đầu tiên xác nhận ở Đà Nẵng có dấu tích con người sinh sống vào thời tiền sử và phát triển liên tục từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Champa.

Sau khi thuộc về Đại Việt, Ngũ Hành Sơn trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Trên mảnh đất này, Phật giáo nhanh chóng cắm rễ sâu và lan rộng trong xã hội, nhận được sự tín mộ của không chỉ đông đảo người Việt, mà còn cả người Nhật, người Hoa. Trong lịch sử Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn ngay từ đầu giữ vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo trên vùng đất phía nam đèo Hải Vân này.
 



Ngọn cao nhất 106 m ở phía tây bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai, ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai, ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thai. Ảnh: News.zing.vn

Theo Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế, gần đây, trong đợt sưu khảo dấu tích và tài liệu cổ của Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn, Trung tâm đã phát hiện tập tư liệu chữ Hán vô cùng giá trị về Phật giáo Ngũ Hành Sơn có tên Ngũ Hành Sơn lục, do tú tài Hồ Thăng Doanh biên soạn dưới sự chứng nghĩa của Hòa thượng Tăng cang Thích Từ Trí vào năm Bính Thìn 1916. Đây là một bản tư liệu chép bằng bút lông, với cả 3 kiểu chữ: chân - lệ - thảo và chưa hề được khắc in. Tất cả gồm 49 tờ (96 trang).

Nội dung của Ngũ Hành Sơn lục tập trung ghi chép về Ngũ Hành Sơn, trong đó giới thiệu và mô tả khá chi tiết các ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Kế đến là các sao lục thơ văn, bi ký của quan lại, trí thức trong những lần vãn cảnh Ngũ Hành Sơn; ghi chép về các đời hòa thượng trụ trì các chùa Ngũ Hành Sơn đã có công xây dựng, chỉnh trang chùa chiền, hang động.

Ngoài ra, Ngũ Hành Sơn lục cũng đề cập đến thể thức thờ Phật như: lễ rằm, mồng 1 hằng tháng, lễ Thù ân, lễ đắc giới hòa thượng... Nhà nghiên cứu Phan Đăng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế cho rằng, đây là tư liệu quý, cần được tổ chức dịch, chú giải và giới thiệu đầy đủ, chính xác nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu Ngũ Hành Sơn.


Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn

Buổi tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn" vừa mới được tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học chuyên môn về văn hóa, sử học, kiến trúc văn học, tôn giáo, dân tộc học… làm rõ vị trí của trung tâm Phật giáo Ngũ Hành Sơn trong tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam, đánh giá đúng mức hệ thống các di sản Phật giáo hiện còn và cần có những giải pháp hữu hiệu đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của trung tâm Phật giáo Ngũ Hành Sơn - mảnh đất mà các vương triều nhà Nguyễn quan tâm kiến tạo ngày một quang rạng, xứng danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”. Đồng thời, các đã có nhiều nội dung trao đổi của các nhà nghiên cứu với mong muốn xác định giá trị các bảo vật hiện còn, cần có sự quan tâm hơn nữa nhằm thẩm định, lập hồ sơ để có hướng bảo vệ, trùng tu.

Trong đó, buổi tọa đàm đã đề cập giá trị văn hóa Phật giáo của vùng đất Ngũ Hành Sơn qua các nghiên cứu được đầu tư công phu, chuyên sâu như về 2 tấm bia thời chúa Nguyễn tại ngọn Thủy Sơn (nghiên cứu của Đại đức Thích Đồng Dưỡng); vai trò của Quảng Nam xứ và Ngũ Hành Sơn dưới thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (Trần Đình Sơn, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam); Ngũ Hành Sơn qua nghiên cứu của các học giả nước ngoài (TS.Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng); hệ thống hoành phi, liễn đối tại các chùa trên ngọn Thủy Sơn (Đinh Thị Toan, Hội Sử học thành phố Đà Nẵng)...
 



Đỉnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: dulichdanang365.com

Có thể nói, các nhà nghiên cứu đã dựa trên tài liệu, tư liệu cổ, nghiên cứu của những người đi trước và khảo sát thực tế phát tượng, pháp khí, hoành phi, liễn đối tại các ngôi chùa trên ngọn Thủy Sơn... để đưa ra luận cứ khoa học xác định Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn được định hình và phát triển khá sớm tại vùng đất Thuận Quảng trên đường Nam tiến của dân tộc. Đây cũng là vùng đất có vai trò quan trọng đối với vương triều Nguyễn; đặc biệt vào thế kỷ 17, hoạt động Phật giáo tại đây khá sôi động, có sự tham gia của thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc...

Đáng chú ý, nhóm tác giả Đại đức Thích Không Nhiên, Đại đức Thích Pháp Hạnh và Lê Thọ Quốc đã dựa vào các tư liệu cổ, bi ký, đặc biệt là các bia ma nhai còn lưu lại trên vách đá động Hoa Nghiêm, động Vân Thông, tài liệu Ngũ Hành Sơn của bác sĩ Albert Sallet, Hải ngoại kỷ sự của Thạch Liêm Đại Sán... xác định khoảng từ nửa cuối thế kỷ XV đến nửa cuối thế kỷ XVII, trên ngọn Thủy Sơn và tại những gò cát dưới chân núi này từng hiện diện 4 ngôi cổ tự nổi tiếng là Thái Bình, Vân Long, Phổ Đà, Bình An.

Những nghiên cứu được nêu tại tọa đàm tạo nên một bức tranh tổng thể về Ngũ Hành Sơn - một trong những trung tâm Phật giáo lớn của vùng Thuận Quảng từ những ngôi cổ tự danh tiếng một thời còn lưu lại trên dĩa sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, đến những ngôi chùa từng quy tụ những bậc danh tăng khắp mọi miền đất nước cũng như hải ngoại về đây tu tập, hóa đạo, là điểm hành hương thu hút không chỉ tín đồ bản xứ mà kể cả thương nhân nước ngoài, nơi lưu giữ nhiều phát tượng, pháp khí, hoành phi, liễn đối...

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chỉ là bước đầu tiếp cận, nghiên cứu các di chỉ, di vật cùng những giá trị văn hóa - lịch sử hết sức phong phú về Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Các nhà nghiên cứu cũng như ngành chức năng cần tổ chức nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để khai thác giá trị văn hóa, lịch sử, cũng như có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.


Lan Anh

Nguồn: cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.