Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống: Nguồn tài nguyên tinh thần vô giá

02/02/2023 08:28

Theo dõi trên

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh, lễ hội truyền thống là một di sản văn hóa, một dạng tài nguyên tinh thần vô giá cần bảo tồn, phát huy và phát triển.

img-bgt-2021-nguyen-hung-vi-1637379200-width700height466-1675233-1675301235.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, nguyên giảng viên trường Đại học KHXH&NV. Ảnh: VNU

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng,... So với các quốc gia khác trong khu vực, có thể coi Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Sau hai mùa lễ hội không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay các hoạt động lễ hội được dự báo sẽ trở lại và diễn ra nhộn nhịp hơn trước đây rất nhiều.

Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ (nguyên giảng viên khoa văn học Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) về những ý nghĩa, giá trị của lễ hội và việc bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống của dân tộc.

- Lễ hội truyền thống có giá trị như thế nào trong đời sống của người Việt, thưa ông?

Lễ hội nhìn theo thời gian có thể phân loại thành lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại. Tất cả các lễ hội được diễn ra từ trước năm 1945 được gọi là lễ hội truyền thống (hay lễ hội cổ truyền), còn những lễ hội xuất hiện sau năm 1945 đến nay theo các chủ đề hoặc các tiếp biến văn hóa khác nhau thì được xếp vào lễ hội hiện đại.

Về lễ hội cổ truyền, mỗi lễ hội có một giá trị, một nội dung chủ đạo của riêng nó. Chẳng hạn bản thân các lễ hội về lịch sử văn hoá, về các danh nhân, lễ hội tôn giáo hay các lễ hội về nông nghiệp, ngư nghiệp… đều có ý nghĩa cơ bản ở chính lễ hội đó.

Tuy vậy, nhìn chung về mặt tổng thể, có thể tập hợp thành một hệ giá trị của lễ hội với những yếu tố sau:

Thứ nhất, tất cả các lễ hội cổ truyền đều có cảm hứng chủ đạo là cảm hứng hướng nguồn (hướng về cội nguồn), đó là tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây… hướng về cội nguồn về quê hương, dân tộc, giá trị này chính là sự bổ sung cho lòng yêu nước.

Thứ hai, ở các lễ hội có sự bùng nổ các trình diễn tổng hợp. Khi con người ta sử dụng rất nhiều các hình thức biểu diễn như tế lễ, diễn trò, trình diễn nghệ thuật, trang trí, thể thao, ẩm thực… Tất cả những kiểu trình diễn thực cảnh của nhân dân chủ thể chính là sự bừng nở các giá trị văn hoá, giúp gìn giữ các bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thứ ba, lễ hội tạo nên cấu kết trong cộng đồng. Tức là từ tổ chức chính quyền cho đến từng người dân… đều trở thành chủ thể và họ hòa đồng trong một cộng đồng với một tinh thần, cảm xúc chung, đó chính là giá trị cấu kết cộng đồng,

Thứ tư, lễ hội giúp khẳng định con người. Ở lễ hội, con người tôn trọng lẫn nhau và được tự thể hiện. Có những người cả đời không được hát hò, tế lễ, được nhập vai nhưng khi vào hội, họ được hóa thân vào những nhân vật khác nhau và họ tự hào về điều đó. Lễ hội tạo cho họ đời sống tinh thần chứ không chỉ lầm lũi làm ăn cả năm, cả đời không được ai nhắc đến, đó chính là sự khẳng định con người.

Thứ năm, lễ hội tạo ra giá trị giao tiếp, mở rộng quan hệ xã hội. Có thể thấy rõ ở các làng Bắc Bộ, thường ngày lễ tết họ dành cho gia tộc còn ngày hội sẽ dành để mời khách như một cái tết thứ hai. Nhà nào càng mời được khách ở nơi khác đến hội làng của mình thì càng tự hào. Như vậy, lễ hội góp phần giúp họ vượt khỏi lũy tre làng để tạo quan hệ xã hội rộng lớn.

Thứ sáu, trong lễ hội lưu tồn rất nhiều bản sắc của văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc mà đã là văn hóa thì yêu cầu bản sắc là yêu cầu tiên quyết. Chúng ta không cần thế giới đơn điệu về văn hoá, mỗi làng, mỗi xã với lễ hội của mình góp phần thêm vào bẳn sắc của văn hóa dân tộc và chúng ta có thể "chưng diện" với thế giới như là của một cộng đồng độc lập có đóng góp trong tổng thế văn hóa thế giới.

Đó là những giá trị cơ bản nằm trong hệ giá trị của lễ hội.

trai-ha-noi-thoa-phan-to-son-mua-dieu-con-di-danh-bong-trong-le-hoi-lang-trieu-khuc-20-1-1675301281.jpg
Người dân làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng vào tháng Giêng hàng năm với điệu múa "Con đĩ đánh bồng" độc đáo. Ảnh: Nam Nguyễn

- Có một đặc điểm chung của hầu hết các lễ hội đó là đều được tổ chức vào mùa xuân, dịp đầu năm mới, điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Lễ hội được tổ chức vào đầu năm mới xuất phát từ khi chúng ta tiếp biến và sử dụng âm lịch. Tháng Giêng là tháng đầu tiên mở ra một năm thì người ta thường muốn tổ chức điều gì đó vừa linh thiêng về phần lễ vừa vui vẻ về phần hội, để mở ra một năm mới, mở đầu một chu kỳ sống, chu kỳ lao động mới.

Bên cạnh đó, đầu tháng Giêng cũng là tháng nông nhàn. Trước đây người ta thường cấy lúa vào trước Tết (vụ chiêm), để khi Tết có thể cấy xong và có một khoảng nông nhàn nên trong nông lịch có câu "tháng Giêng là tháng ăn chơi", đó là câu đầu thể hiện tính chất của nghề nông chứ không phải để xui nhau ăn chơi.

Như vậy, đầu mùa xuân vừa mở đầu chu kỳ một năm, vừa là tháng nông nhàn và thêm vào đó đây là thời kỳ mà thời tiết ôn hoà, không quá nóng, không quá lạnh, ít có thiên tai bão lụt nên xu hướng lễ hội sẽ được tổ chức vào thời gian này.

- Lễ hội là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tuy nhiên thời gian qua không ít các lễ hội đã bị biến tướng, trở nên thương mại hóa hoặc mang màu sắc mê tín dị đoan, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Lễ hội là một hình thức tích tụ và là phương thức phản ánh xã hội, trong xã hội có cái gì thì lễ hội sẽ được tích tụ cái đó. Ở một xã hội phát triển thương mại hoá, phát triển kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân… thì những điều đó cũng sẽ được tích tụ vào lễ hội và lễ hội càng ngày càng dễ bị nhuốm màu sắc thương mại, tiêu cực.

Hiện nay không ít lễ hội quá nghiêng về mặt kinh doanh, về tính thương mại, chưa kể có những nhóm lợi ích trong đó đã tạo ra nhiều tiêu cực trong lễ hội. Điều này tạo ra sự phản cảm, khiến cho tinh thần, tính chất của lễ hội bị mất đi một cách đáng tiếc.

Vấn đề này đã được chúng ta nhận ra và đang điều chỉnh dần dần, tuy nhiên do số lượng lễ hội, số lượng người tham gia lớn và phức tạp nên việc điều chỉnh là không hề đơn giản.

- Còn về vấn đề mê tín dị đoan, thưa ông? Không chỉ bản thân một số lễ hội mà ở chính những người đi lễ, đi xem hội, không ít người không còn coi lễ hội là dịp vui chơi, cầu bình an mà xem lễ hội như dịp mua bán, mặc cả, khoán ước với thần thánh chỉ để cầu lợi cho bản thân mình.

Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng nhưng chúng ta bài trừ mê tín dị đoan bởi mê tín không làm cho xã hội phát triển theo hướng văn minh được. Tuy nhiên, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là rất mong manh. Chính vì vậy, người ta thường dễ dàng lợi dụng mê tín với nhiều mục đích khác nhau.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, do sự du nhập không có chọn lọc nên hiện tượng mê tín dị đoan đang gia tăng và đã tích lũy vào lễ hội. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh hiện tượng này không phải diễn ra ở toàn bộ lễ hội mà chỉ diễn ra ở một số.

Luật pháp của chúng ta đã quy định rất rõ về bài trừ mê tín dị đoan, chính vì vậy, ở mỗi lễ hội, chúng ta phải gia tăng yếu tố nghệ thuật, yếu tố văn minh, lễ nghĩa, truyền thống văn hóa vào lễ hội để tích cực bài trừ mê tín.

- Làm thế nào để hạn chế những mặt tồn tại để lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thưa ông?

Chúng ta coi lễ hội là di sản văn hóa truyền thống với cả một hệ giá trị xuyên suốt lịch sử rất tốt đẹp của dân tộc. Đã coi lễ hội là di sản văn hóa truyền thống thì có nghĩa đó là một dạng tài nguyên tinh thần vô giá. Từ tài nguyên tinh thần đó chúng ta phát huy và phát triển nó.

UNESCO đưa ra 4 nhiệm vụ của di sản là: "thấu hiểu, bảo tồn, phát huy phát triển và quảng bá". 4 nhiệm vụ này quan hệ biện chứng với nhau nhưng sự thấu hiểu phải đi trước một bước. Chúng ta thấu hiểu hệ giá trị, cốt lõi, cách thức tổ chức thì chúng ta mới bảo tồn được.

Lễ hội là quá trình vận động bất tận trong lịch sử, không có nguyên bản, không có nguyên gốc, đó là hệ phát triển. Vì vậy, việc bảo tồn chính là bảo tồn cốt lõi, ý nghĩa, giá trị và lựa chọn những hành động phù hợp để bảo tồn.

Từ năm 1945 đến nay, Việt Nam là một dân tộc phát triển vốn di sản rất tốt so với các cộng đồng khác. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy điều đó và phát triển bằng rất nhiều con đường.

Nhu cầu của nhân dân về lễ hội và di sản là rất lớn, năng lực của việc nghiên cứu, việc thực hành của chúng ta là rất nhiều, nhưng vấn đề còn lại là một định hướng đúng đắn để chúng ta phát triển, đồng thời phải có những kế hoạch cụ thể và đặc biệt là những con người thực thi.

- Xin cảm ơn ông!

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống: Nguồn tài nguyên tinh thần vô giá" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.