Bảo tồn nghệ thuật bài chòi

15/10/2016 14:27

Theo dõi trên

Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện chương trình “Sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi dân gian”. Chương trình giới thiệu với giáo viên, học sinh (HS) các trường THCS về lịch sử hình thành và phát triển của bài chòi, cách chơi bài chòi dân gian… nhằm nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo này.

Đầu tháng 10, TTVH tỉnh bắt đầu thực hiện chương trình “Sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi dân gian”. Theo kế hoạch, chương trình được tổ chức tại 8 trường THCS trên địa bàn: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm. Mỗi chương trình có thời lượng khoảng 60 phút, với 3 phần: giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển bài chòi; trích đoạn bài chòi nổi tiếng; hướng dẫn HS cách chơi bài chòi.


 
Các diễn viên Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống Trung tâm Văn hóa tỉnh hướng dẫn học sinh Trường THCS Trần Nhân Tông, huyện Diên Khánh chơi bài chòi
 
Ông Nguyễn Phương Đông - Giám đốc TTVH tỉnh cho biết: “Bài chòi đang được làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong chiến lược bảo tồn di sản văn hóa bài chòi giai đoạn 2016 - 2020, ngành Văn hóa đã đề xuất phương án đưa bài chòi thành phần thi bắt buộc trong hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, về lâu dài có thể tổ chức liên hoan bài chòi. Đồng thời, ngành Văn hóa phối hợp với ngành Giáo dục đưa bài chòi vào trường học để giúp HS hiểu biết và có ý thức bảo tồn loại hình di sản văn hóa này. Chương trình “Sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi dân gian” chính là sự cụ thể hóa của chủ trương này”.

Vừa qua, chương trình “Sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi dân gian” đã được tổ chức tại Trường THCS Trần Nhân Tông (huyện Diên Khánh) với sự tham gia của gần 450 HS thuộc khối lớp 8, lớp 9. Với thời lượng 60 phút, nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh giới thiệu về nguồn gốc bài chòi, sự phát triển thành bài chòi đất, bài chòi chiếu, bài chòi ghế đến ca kịch bài chòi. Tiếp đó, các nghệ sĩ của Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống của TTVH tỉnh giới thiệu trích đoạn ca kịch bài chòi Lưu Bình - Dương Lễ. Những lời hô dí dỏm của anh hiệu (người dẫn dắt chơi bài chòi) đã làm các em rất thích thú. Nhất là những câu mang tính giáo dục, gần gũi với HS như: “Cửa chùa cửa phật tu hành/Tu nhà cha mẹ sẵn dành cho con (cửa chùa); Năm sáu năm đèn sách”. Gây được nhiều hứng thú nhất chính là phần hướng dẫn các HS chơi bài chòi dân gian. “Từ trước tới giờ em chỉ xem các hoạt động cải lương, hát bội chứ chưa biết bài chòi. Hôm nay, được xem bài chòi em rất thích… Với những môn nghệ thuật khác em chỉ được làm khán giả, hôm nay với bài chòi em được làm người chơi nên rất hứng thú”, em Lê Minh Quân - HS lớp 9, Trường THCS Trần Nhân Tông bày tỏ. “Mục đích của đề án là giúp cho các em HS hiểu biết về bài chòi dân gian, cũng như có thể chơi được bài chòi chứ không phải hướng dẫn các em HS biểu diễn ca kịch bài chòi như chương trình “Sân khấu học đường” từng được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tổ chức đó”, bà Nguyễn Tường Vy - Phó Giám đốc TTVH tỉnh nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải chia sẻ: “Đưa bài chòi dân gian vào học đường có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc tổ chức các giờ sinh hoạt ngoại khóa về bài chòi theo phương châm học vui - vui học sẽ giúp các em biết về loại hình này, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian trong thế hệ trẻ. Với việc tập cho HS chơi bài chòi, chúng ta sẽ lưu giữ được cái gốc của bài chòi”.

Theo ông Hải, về lâu dài các trường có thể thành lập câu lạc bộ bài chòi để tạo sinh hoạt ngoại khóa. Cùng với việc gây dựng lại bài chòi trong các sinh hoạt văn hóa ở địa phương, việc cho HS tiếp cận với bài chòi sẽ tạo nên lớp khán giả lâu bền cho sân khấu bài chòi.

(Theo Báo Khánh Hòa)

Xuân Thành
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn nghệ thuật bài chòi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.