Bảo Lâm ngày mới
Là huyện miền núi non trẻ phía nam tỉnh Lâm Đồng, Bảo Lâm được thành lập ngày 11 / 7 / 1994, theo Quyết định số 65 của Chính phủ. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Bảo Lâm đã có bước trưởng thành vượt bậc. 20 năm qua, Bảo Lâm đạt nhiều thành tựu về KT-XH, nhưng ấn tượng nhất là đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp.
Ngày đầu thành lập huyện, tỷ trọng nông-lâm-thủy sản chiếm 88,2% (đến nay giảm còn 42,3%), công nghiệp-xây dựng chiếm 4,5% (nay tăng lên 39,6%), dịch vụ 7,3% (nay tăng lên 18,1%). Tỷ trọng công nghiệp tăng cao là do phát triển mạnh thủy điện, chế biến bauxit và chè.
Vũ điệu cồng chiêng Bảo Lâm
Một thế mạnh khác của Bảo Lâm là “thủ phủ chè” của Tây Nguyên. Diện tích chè toàn huyện hơn 13.530 ha, sản lượng búp tươi đạt 162.360 tấn/năm (cao nhất Tây Nguyên). Những năm qua, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng 23 Nhà máy Chè trên địa bàn huyện, chế biến 23.324 tấn chè khô, doanh thu hàng năm đạt 516 tỷ đồng. Ngoài ra, Bảo Lâm còn có 27.423 ha cà phê, sản lượng 82.300 tấn/năm (đứng thứ 2 toàn tỉnh). 5 năm gần đây, tốc độ tăng GDP của Bảo Lâm hằng năm đạt 16,4%, bình quân đầu người đạt 49,4 triệu đồng/năm. Huyện Bảo Lâm có diện tích 146.344 ha, dân số 116.122 người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27%). Các thế hệ cư dân Bảo Lâm có truyền thống yêu nước, cần cù lao động, hiền hòa và mến khách. Bảo Lâm là 1 trong 4 huyện, thành kinh tế - xã hội phát triển mạnh nhất tỉnh. Bảo Lâm vừa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Có được những thành tựu trên, là nhờ sự đoàn kết, phấn đấu không ngừng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bảo Lâm suốt 20 năm qua.
Hồ thủy điện ở Đồng Nai
Để xây dựng Bảo Lâm ngày càng giàu đẹp, mục tiêu cơ bản đến năm 2020, là: Tốc độ tăng GDP hằng năm đạt 11%; tổng đầu tư toàn xã hội 6.000 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng/năm. Với 6 Chương trình trọng tâm: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao; phát triển du lịch dịch vụ; phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng nông thôn mới gắn với tiểu thủ công nghiệp; quản lý bảo vệ rừng gắn với đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và nguồn nhân lực. 5 Công trình trọng điểm gồm: Quảng trường-Nhà văn hóa-Trung tâm thể thao Bảo Lâm; Điểm công nghiệp Lộc Thắng; Vòng xoay ngã 5 Lộc Thắng; Nâng cấp hồ Lộc Thắng; Đường Lộc Thành-Tân Lạc-Lộc An. Những ngày này, toàn huyện đang tích cực hoàn thành kế hoạch 2014 và náo nức chuẩn bị Lễ kỷ niệm Bảo Lâm tròn 20 tuổi.
Theo Báo Du Lịch