Tương truyền, vào thời nhà Mạc (thế kỷ 16) lên thay nhà Lê, hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật người xã Ba Đông, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc), trấn Hải Dương lánh nhà Mạc lên vùng Bảo Yên xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc bảo vệ biên cương và chống lại quân nhà Mạc. Vũ Văn Mật đã cùng các con cháu tích cực xây luỹ, đắp thành, chiêu mộ quân sĩ chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương và xây dựng Bảo Yên ngày nay thành một vùng trù phú.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, ngôi đền bị tàn phá, đến cuối thế kỷ XIX, đền Nghĩa Đô được xây dựng lại với kiến trúc 3 gian, 2 chái. Hiện nay, ngôi đền không còn nguyên vẹn những kiến trúc và hệ thống tượng thờ. Trải qua nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, tôn tạo, phục dựng của các cấp đền Nghĩa Đô chính thức được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2016. Sau khi được xếp hạng di tích cấp tỉnh, chính quyền huyện Bảo Yên, xã Nghĩa Đô đã lập bản đồ quy hoạch, kêu gọi ủng hộ từ xã hội hóa để sớm hoàn thành xây dựng Khu di tích đền Nghĩa Đô. Lễ hội chính của đền Nghĩa Đô theo văn hóa cổ truyền từ xa xưa, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng và tế của đền Trung Đô (Bắc Hà) nên đền Nghĩa Đô lấy ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày tế đền.
Vùng đất Nghĩa Ðô còn khá nguyên vẹn về giá trị văn hóa, có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, còn bao nhiêu trầm tích văn hóa, nét đẹp cộng đồng, các lễ hội, thực hành tín ngưỡng… cần được khôi phục, phát huy để trở thành điểm du lịch, hấp dẫn du khách gần xa. Đặc biệt, những danh thắng, di tích lịch sử Thành cổ Nghị Lang, phế tích Ðồn Nghĩa Ðô, di tích Ðền Nghĩa Ðô… đang có phần lặng lẽ sau thời vàng son gắn với công cuộc giữ đất giữ nước, chiến thắng lẫy lừng cần sự quan tâm hơn nữa từ cộng đồng và chính quyền địa phương để giá trị ký ức, lịch sử còn mãi với thời gian. Nơi đây ẩn chứa dấu ấn lịch sử, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là vùng đất có nền văn hoá phong phú, trong đó, dân tộc Tày có lịch sử cư trú lâu đời, tạo nên những nét văn hoá, phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc và được lưu giữ cho đến ngày nay.