Báo động tình trạng xuống cấp của nhiều di tích lịch sử, văn hóa

11/10/2016 10:47

Theo dõi trên

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có hàng trăm di tích xuống cấp, trong đó nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ.


 
Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền - Bia ký Trịnh Khả tại làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) xuống cấp nghiêm trọng.
 
Nhiều di tích “kêu cứu”

Sau hơn 20 năm được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, Di tích lịch sử Đền – Bia ký Trịnh Khả tại làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại khu vực Nghinh Môn, nhiều cánh cửa bị mối mọt bật bản lề dựng chỏng chơ. Hệ thống tường xây dọc 2 bên đường dẫn lên đền đổ vỡ, các bậc lên xuống được lát bằng gạch, xi măng, nay đã bị bong tróc, cỏ mọc um tùm. Đền chính, tiền đường có 3 gian, phần tường xây của tiền đường đã bị nứt, có chỗ mọc rêu, nhiều phần mái ngói đã bị sụp đổ. Nguy cơ Đền - Bia ký Trịnh Khả trở thành phế tích là rất cao.

Hà Trung là huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó phải kể đến hệ thống đình làng có lịch sử lâu đời, là nơi gắn bó sinh hoạt cộng đồng, là không gian văn hóa truyền thống rất đặc trưng của địa phương. Đình Động Bồng, xã Hà Tiến nổi tiếng là ngôi đình to bậc nhất xứ Thanh. Đây là một trong ba ngôi đình của huyện Hà Trung được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Theo ghi chép để lại, đình Động Bồng có từ thời Nguyễn, đã được nâng cấp, trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu gần nhất là năm 2008. Tuy nhiên, đình đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài hậu cung bị dột mái thì gian ngoài đình cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Bên cạnh đó, những cột gỗ, vì kèo... cũng đã và đang bị mối xông gây mục. Đình Thượng Phú (Kim Sơn), xã Hà Đông cũng trong tình trạng tương tự. Đình có lối kiến trúc Chăm độc đáo. Song, nay nền đình sụt lún, cột bị mối ăn rỗng, mái đình bị nghiêng về phía trước, đáng lo ngại nhất là hệ thống cột gỗ... Đây là hai trong số gần 30 đình làng - di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng của huyện Hà Trung bị xuống cấp nghiêm trọng. Và cũng là thực trạng chung của các di tích lịch sử, văn hóa đang bị xuống cấp trên địa bàn tỉnh.

Tình trạng xuống cấp của di tích bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm yếu tố tự nhiên, yếu tố xã hội và bản thân tuổi thọ của di tích; công tác quản lý, bảo tồn, duy tu, tôn tạo còn nhiều bất cập, vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về kinh phí... Ở một khía cạnh khác, sự yếu kém, những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, sự thiếu quan tâm của các địa phương cũng là nguyên nhân khiến nhiều di tích lịch sử, cách mạng bị “bỏ quên”. Hang Treo (Thạch Thành), di tích Ba Đình (Nga Sơn) được xem là những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, song hiện nay những bất cập từ công tác quản lý đất đai, công tác quy hoạch và có cả những dấu hiệu xâm hại đã dẫn đến việc các di tích nói trên đang “kêu cứu”. Một thực tế đáng lo ngại nữa đó là nhiều địa phương tập trung đầu tư vào các di tích tâm linh, nơi hút khách du lịch, đem lại nhiều nguồn thu từ dịch vụ mà lãng quên những di tích lịch sử, văn hóa quan trọng khác...

Chật vật bài toán kinh phí bảo tồn, tôn tạo

Có 3 nguồn tài chính cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được Luật Di sản văn hóa xác định là ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích, nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, do số lượng di tích xuống cấp ngày càng nhiều, các địa phương không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực đầu tư tu bổ. Vì vậy, những năm gần đây, các địa phương từ cấp xã, huyện đều có nhiều văn bản đề nghị tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích do cấp mình quản lý. Theo quy định, mức hỗ trợ của Nhà nước chỉ ở mức tối đa là 60%, còn lại các địa phương tự đối ứng từ các nguồn khác. Thế nhưng, nhiều địa phương gặp khó khăn về nguồn lực đối ứng, không xã hội hóa được phần kinh phí còn lại khi tu bổ di tích. Ngay cả nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ địa phương cho việc tu bổ, tôn tạo di tích những năm qua còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích mới chỉ ở mức hơn 50 tỷ đồng, một con số quá khiêm tốn so với tình hình thực tế hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết: “Hiện nay, mỗi đình làng bị xuống cấp trên địa bàn huyện cần mức kinh phí trùng tu, tôn tạo ước tính từ 100 đến 200 triệu đồng. Đây thực sự là mức kinh phí rất khó khăn đối với cấp xã, đơn vị được phân cấp quản lý các di tích”. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Trần Thế Lưu thì chia sẻ: “Đối với các di tích lịch sử cấp quốc gia, việc trùng tu, tôn tạo còn phức tạp hơn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn hơn, trong khi khả năng của huyện, xã rất hạn chế. Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn các di tích càng hiếm hơn, nhất là ở cấp xã”.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của nhiều di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay, sở cùng với các địa phương đang tăng cường rà soát toàn bộ các di tích, trong đó ưu tiên hàng đầu là các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa cấp quốc gia. Sau khi có báo cáo thực tế, các huyện, thị xã, thành phố kiến nghị, đề xuất để trình tỉnh, trung ương phê duyệt kinh phí, cũng như có các phương án trùng tu, tôn tạo. Tháng 4-2016, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1352 về việc phê duyệt 48 di tích được hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2016, trong đó có 15 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, 4 di tích cách mạng. Gần đây nhất là ngày 4-10, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã thảo luận, quyết định phương án trùng tu, tôn tạo cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (Đông Sơn); nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa); nhà ông Lê Văn Thìn, làng Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân) và một số công trình khác. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn tỉnh, để mỗi di tích là niềm tự hào của người dân xứ Thanh.

(Theo Báo Thanh Hóa)

Mạnh Cường
Bạn đang đọc bài viết "Báo động tình trạng xuống cấp của nhiều di tích lịch sử, văn hóa " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.