
Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa là hoạt động khoa học có tính đặc thù chuyên ngành
Về bản chất, công tác tu bổ di tích là một quá trình sản xuất, mang tinh sáng tạo, tuy không phải là một bộ môn khoa học độc lập, nhưng quá trình hoạt động tu bổ di tích vẫn cần có những tiền đề khoa học, ngược lại, những thành tựu, tư liệu mới phát hiện trong quá trình hạ giả, gia cố, phục hồi di tích cũng có ảnh hưởng tới quá trình phát triển khoa học, đặc biệt là nghiên cứu về di sản văn hóa.
Tính nguyên gốc liên quan tới tính liên tục trong lịch sử hình thành và phát triển của di tích. Tính liên tục được hiêu là trong di tích có đan xen các yếu tố nguyên gốc thuộc các giai đoạn phát triển khác nhau | nối tiếp nhau và tạo cho di tích sự hoàn chỉnh mang tính tổng thể.
Tính nguyên gốc gắn với giai đoạn | thời điểm di tích đạt tới đỉnh cao các mặt giá trị mà ta gọi là niên đại tối ưu.
Như vậy, trong hoạt động tu bổ di tích, tính nguyên gốc phải được vận dụng một cách linh hoạt mà không cứng nhắc, tùy thuộc vào: Các nguyên tắc khoa học, mục tiêu tu bổ, khôi phục hay cải tạo thích nghi, bổ xung công năng mới theo nhu cầu xã hội, đặc biệt là tình cảm và nhu cầu của công chúng.
Phục hồi, phỏng dựng, cải tạo thích nghi để tạo lập sự hoàn chỉnh mang tính tổng hợp, kết nối các bộ phận cấu thành di tích.
Phục hồi hoặc tạo lập không gian cảnh quan sinh thái (môi trường thiên nhiên, cây xanh, mặt nước, vườn cảnh, tiểu cảnh…) tạo nên vẻ đẹp cuốn hút của cảnh quan thiên nhiên – Bộ phận quan trọng cấu thành di tích.
Các công trình phụ trợ, các loại hình dịch vụ phù hợp với công năng di tích, thỏa mãn nhu cầu của công chúng để họ lưu lại ở di tích lâu hơn và có thể tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch.
Chúng tôi đưa ra một số thuật ngữ và khái niệm khoa học làm cơ sở phân tích những trường hợp cụ thể tại Bắc Ninh.
Bắc Ninh là một trong các tỉnh thành phố đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa nói riêng.
Đền Lý Bác Đế (đền Đô – Cổ Pháp điện)
Đây là khu di tích lưu niệm (thờ) tám vị vua thời Lý – Triều đại có công mở nền độc lập cho Đại Việt. Di tích đã được xây dựng lại hay phỏng dựng với một số phức hợp hạng mục kiến trúc trên khu đất của đền thờ cũ, căn bản đang tồn tại dưới dạng địa điểm | địa danh lịch sử. Đền Lý Bát Đế được xây dựng lại cũng là tiếp nối đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam mà trước hết là từ tấm lòng ngưỡng vọng của cộng đồng cư dân Đình Bảng với liệt tổ, liệt tông quê hương Cổ pháp xưa. Ở đây có hai vấn đề đặt ra:
Do vận dụng chủ trương xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực xã hội cho việc xây dựng lại các hạng mục di tích mà thiếu bản quy hoạch tổng thể làm cơ sở pháp lý và khoa học cho các hoạt động tiếp theo. Đo là lý do dẫn tới tình trạng tự phát và chắp vá không đồng bộ trong tổng thể của di tích. Đặc biệt khu lăng mộ vốn được nổi danh với khu rừng Báng xưa thì nay đã bị thu hẹp và biến đổi căn bản về cảnh quan sinh thái.
Chùa Dạm – ngôi Quốc tự nổi tiếp trong cả nước được coi là Đại danh lam. Dự án tu bổ, tôn tạo ngôi chùa này căn bản đã được triển khai trên cơ sở xây dựng một dự án tổng hợp mang tính khoa học liên ngành với một số bài học kinh nghiệm đáng ghi nhận như sau:
Ngôi chùa hiện đang tồn tại dưới dạng phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học, vì thế dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ học một cách tổng thể cho ta cơ sở khoa học thuyết phục để nhận diện sâu sắc hơn giá trị của di tích ở các mặt: Lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ…Mặt khác mặt bằng di tích được phát lộ cùng các bộ sưu tập hiện vật kèm theo cho phép các nhà khoa học và quản lý trao đỏi ngay tại thực địa cũng như trong các cuộc hội thảo khoa học để đi đến sự đồng thuận tương đối về các nguyên tắc khoa học và giải pháp bảo tồn phù hợp với hiện trạng di tích.
Quyết định bảo tồn nguyên trạng các dấu tích kiến trúc được phát lộ qua khai quật khảo cổ cho phép người xem hiểu rõ quy mô, chức năng, giá trị của các hạng mục di tích là phù hợp với xu hướng bảo tồn hiện đại. Ngược lại nếu phục dựng các hạng mục kiến trúc dựa trên hệ thống cấu trúc, chân tảng mới được phát lộ thì phần nguyên gốc của di tích sẽ mãi bị khuất lấp trong lòng đất. Và do đó sự hấp dẫn của di tích cũng sẽ bị suy giảm.
Việc phỏng dựng lại các hạng mục công trình bao quanh di tích gốc là cần thiết để tạo ra các công năng mới phù hợp với tính chất của di tích. Tuy nhiên, do các công trình phỏng dựng có quy mô quá lớn dẫn tới yêu cầu phải san gạt quá nhiều làm biến đổi cảnh quan chung. Cách xử lý như thế là đi ngược lại với bài học thích ứng với môi trường tự nhiên mà các thế hệ trước đã áp dụng khi xây dựng Chùa Dạm là san gạt tạo các mặt bằng giật cấp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên. Nhược điểm này rất khó khắc phục trong tương lai gần. Vì thế nên chú trọng việc trồng cây gây rừng, tái tạo cảnh quan sinh thái để phần nào khắc phục sai sót đã gây ra.
Chùa Phật Tích cũng là một di tích tồn tại dưới dạng phế tích nhưng được xử lý theo hướng ngược lại với trường hợp chùa Dạm vừa nêu ở trên.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một di tích kiến trúc Phật giáo được chọn là điểm thực nghiệm trong đề tài khoa học của Bộ VHTT&DL “Xây dựng tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích quốc gia Việt Nam” do Viện nghên cứu bảo tồn di tích thực hiện. Đề tài này xuất phát từ quan điểm hiện đại của UNESCO về vấn đề bảo vệ cảnh quan môi trường (yếu tố tác động tới môi trường của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới) như là một bộ phận cấu thành của di sản, ngược lại di sản văn hóa thiên nhiên lai được thừa nhận như một bộ phận cấu thành môi trường sống của nhân loại.
Ở Việt Nam, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là hệ thống các ngôi chùa thờ Phật (Đại danh lam) luôn là sự kết tinh của mối quan hệ tổng hòa giữa thiên nhiên - con người – văn hóa – kinh tế - hội họa và điêu khắc. Vì thế dự án thí điểm tại chùa Phật Tích theo hướng nêu trên là sự thay đổi mang tính đột phá trong tư duy về bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích.
Chùa Phật Tích được phục dựng căn bản dựa vào bản vẽ kiến trúc của Louis Bezacier – Kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp và kết quả khai quật phát lộ nền móng của các hạng mục kiến trúc thời Lê Trung Hưng. Điều đặc biệt, khi nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện nền móng tháp cổ và chúng ta đã mạnh dạn điều chỉnh dự án để bảo vệ dấu tích kiến trúc đó như một yếu tố gốc của di tích ngay tại chỗ phát lộ. Hiện tại, khu khách đến tham quan và lễ chùa vẫn có điều kiện quan sát di vật có giá trị tâm tinh này.
Bên cạnh đó dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Phật Tích cũng còn một số điều cần được suy nghĩ thấu đáo: Thứ nhất, vì không có quy hoạch tổng thể ngay từ đầu nên các hạng mục kiến trúc trong di tích chưa tạo được một hợp thể kiến trúc đồng bộ và hoàn chỉnh. Thứ hai, chưa nhận thức vai trò của hệ thống tháp của các vị sư trụ trì ngôi chùa hàng ngàn năm qua. Các ngôi tháp đều có ý nghĩa ở nhiều mặt: Lịch sử, nghệ thuật và tính chất lưu niệm như một hợp phần của di tích. Vì thế người ta chỉ tập trung cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các hạng mục kiến trúc chính của ngôi Chùa mà lãng quên hệ thống tháp sư tổ (thậm chí có nơi còn lưu giữ hàng mấy chục ngôi tháp như “rừng tháp ở chùa Bồ Đề Bắc Giang). Đấy là sự khiếm khuyết cần được khắc phục kịp thời.
Đình làng Đình Bảng một hình mẫu tiêu biểu về xây dựng dự án, thiết kế tu bổ tôn tạo và quản lý một di tích kiến trúc nổi tiếng.
Đình làng là di sản kiến trúc được hình thành từ lâu đời trên nền tảng văn hóa bản địa. Đó là không gian kiến trúc đa năng nhất với tu cách là một trung tâm hành chính – tín ngưỡng – sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Đây cũng là không gian văn hóa công cộng đáng nghiên cứu và kế thừa cho việc tạo lập các không gian văn hóa công cộng hiện đại ở các khu cư dân cũng như đô thị đang hình thành và phát triển.
Dự án tu bổ, tôn tạo đình làng Đình Bảng được thiết kế và thi công bởi một đơn vị chuyên ngành của Bộ VHTT &DL. Sau khi tu bổ đình vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc cổ kính với các mảng chạm khắc rất phong phú thể hiện nhiều chủ đề khác nhau. Đặc biệt là hệ thống sàn gỗ của ngôi đình vẫn được bảo quản trong tình trạng kỹ thuật rất chắc chắn. Có thể nói, hầu như tất cả các yếu tố gốc cấu thành di tích đều được trân trọng bảo quản tu bổ mà di tích vẫn đáp ứng tốt các nhu cầu do xã hội hiện đại đặt ra. Tôi thật sự ấn tượng về khả năng giữ gìn một môi trường sạch sẽ, vệ sinh, trật tự (dù không gian của đình còn quá chật hẹp do được xây dựng ở vùng quê đang trong quá trình đô thị hóa với nhịp chóng mặt như Đình Bảng). Nhưng dù sao tôi vẫn nhìn nhận việc tu bổ tôn tạo và gắn liền với vấn đề vệ sinh môi trường của Đình Đình Bảng là một tấm gương đáng học tập.
Tóm lại, trong khuôn khổ một bài viết khó có thể trao đổi cặn kẽ tất cả các vấn đề chuyên môn có liên quan tới hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở tỉnh Bắc Ninh. Xin gợi mở một số suy nghĩ bước đầu là:
Như phần 1 đã nói rõ, tu bổ di tích là một hoạt động khoa học mang tính đặc thù chuyên sâu, vì thế mà người ta cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, nguyên tắc khoa học cũng như một quy trình công nghệ được tuân thủ.
Tuy nhiên cũng cần nhắc lại là, không bao giờ có một nguyên tắc cứng nhắc mang tính vạn năng có thể áp dụng cho tất cả các dự án tu bổ di tích trong cả nước. Vấn đề là, các kiến trúc sư chủ trì dự án có đủ sự đam mê và tính sáng tạo để đưa ra các giải pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng di tích hay không?
Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam