“Bản lề” thể chế, chính sách cho ngành Văn hóa mở “cánh cửa” thời cơ, vận hội mới

26/01/2023 09:45

Theo dõi trên

Năm 2022 có thể được đánh giá là một năm có nhiều dấu ấn đối với ngành Văn hóa trên tất cả các phương diện, trong đó công tác hoàn thiện thể chế chính sách là một trong những “điểm sáng” của toàn ngành, tạo tiền đề vững chắc cho lộ trình phát triển Văn hóa đã được Đảng, Nhà nước đề ra.

avatar1674434866180-16744348664401121148205-1674701027.png

Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã một lần nữa khẳng định vai trò, sứ mệnh của ngành Văn hóa, một sức mạnh nội sinh để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đầu tư cho văn hóa thời gian qua vẫn chưa thực sự được quan tâm bằng các cơ chế, chính sách phù hợp.

Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, để văn hóa thực sự được phát triển ngang tầm với kinh tế, chính trị cần phải có những tư duy mang tính đột phá, có cơ chế chính sách "đặc biệt" để khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho lĩnh vực này.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì được xác định như một Hội nghị "Diên Hồng" nhằm cụ thể hóa những quan điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra cho toàn ngành Văn hóa. Sự kiện chính trị quan trọng này được xem bước ngoặt, mở ra cánh cửa thời cơ mới mới cho toàn ngành Văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Ý thức được sự tin tưởng, kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước đã dành cho lĩnh vực Văn hóa, xác định đây chính là thời cơ hiếm có của ngành Văn hóa, ngay từ những ngày đầu của năm 2022, năm đầu tiên cả nước thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, bằng sự trách nhiệm, nhiệt huyết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã khơi dậy cho toàn ngành một tinh thần, khí thế hoàn toàn mới, "thổi" vào đó một "ngọn lửa" hành động, một khát khao cống hiến.

"Văn hóa chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các chiến lược, chương trình và lộ trình phù hợp. Nhận thức này cũng chính là nền tảng cho các nỗ lực của Bộ VHTTDL trong việc xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch và chương trình cũng như hoàn thiện khung khổ chính sách văn hóa nhằm tạo môi trường vận hành tốt nhất cho văn hóa" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhiều lần khẳng định.

Từ nhận thức đó, bằng một tư duy chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật, năm 2022, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách của ngành Văn hóa được quan tâm, thực hiện một cách đồng bộ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Đây cũng chính là tiền đề cho ngành Văn hóa thực hiện thành công các chiến lược, mục tiêu trong những giai đoạn tiếp theo.

Trong năm qua, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo môi trường vận hành hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về Văn hóa, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.

Với sự tham mưu tích cực của Bộ VHTTDL, tháng 12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng Đề nghị xây dựng Luật di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa; Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh phân công, phân cấp và xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển, giữa các vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền con người vì mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ VHTTDL cũng đã tổng kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (ban hành vào năm 2016), tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành vào năm 2021) và gần đây là xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023 - 2025) (được phê duyệt vào tháng 11 năm 2022).

a-253464748900-1674701129.jpg

Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng phối hợp tổ chức thành công 2 Hội thảo quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng đó là: "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" và Hội thảo Văn hoá năm 2022 "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá".

Không chỉ ở Trung ương, lĩnh vực Văn hóa trong năm qua cũng được tất cả các địa phương dành sự quan tâm, đầu tư nhất định bằng những hành động cụ thể thông qua các chủ trương, chính sách của Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND các cấp nhằm khơi dậy mọi nguồn lực để Văn hóa phát triển ngang hàng, đồng bộ với các lĩnh vực khác.

Bước vào năm 2023, trong bối cảnh cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam của Đảng, với niềm tin vững vàng từ những thành quả đã đạt được, với niềm hi vọng mới, Bộ VHTTDL vẫn tiếp tục kiên định trên con đường tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn đối với sự phát triển Ngành, tận dụng cơ hội, tìm kiếm giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư chuyên sâu và có trọng điểm cho văn hóa.

Trong một bài viết vào dịp đầu năm mới 2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chỉ rõ những mục tiêu về thể chế, chính sách mà ngành Văn hóa cần phải tiếp tục theo đuổi, quyết liệt thực hiện. Đó là: Trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá đến năm 2030; tham mưu sửa đổi Luật Đầu tư, Luật PPP theo hướng bổ sung lĩnh vực văn hoá vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP; tham mưu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa…

Phải khẳng định, thực tiễn của quá trình phát triển đã chứng minh, chỉ có nắm lấy và sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước bằng pháp luật thì ngành Văn hóa mới có được sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, khẳng định được vai trò, vị thế của văn hóa đối với kinh tế, chính trị và xã hội trong tổng thể phát triển toàn diện, rộng lớn của Đất nước.

Chính vì vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng, với một phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", bằng việc xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần triển khai thực hiện, với một tâm thế, tư duy, hành động mới, ngành Văn hóa sẽ tự tin nắm lấy thời cơ, vận hội để từng bước thực hiện thành công sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "“Bản lề” thể chế, chính sách cho ngành Văn hóa mở “cánh cửa” thời cơ, vận hội mới" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.