Bài 2: Nghị lực phi thường của thầy giáo “tật nguyền”

15/12/2014 11:32

Theo dõi trên

3 tuổi người vẫn mền như sơi bún, 4 tuổi mới biết ngồi, 6 tuổi chập chững biết đi đã đòi mẹ đi học dù mang trong mình một khối u lớn trước ngực.

Sở hữu một thân hình dị dạng “tí hon”, với chiều cao 0,9m, vỏn vẹn 19 kg, tuổi thơ của Phương trải qua như một cơn ác mộng. Ấy vậy mà đến nay Phương đã là một thầy giáo dạy chữ, dạy nghề cho hàng chục em có hoàn cảnh giống mình ở trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh ở TP Đà Nẵng.



Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thăm thầy Phương da cam

Bài 2: Vượt qua “bóng đêm”

Tưởng chừng, sự sống của em sẽ tắt vụt. Nhưng số phận đã định để cho em được sống, sức khỏe của Phương dần dần ổn định, em đã có thể tự học đi trong căn nhà nhỏ bé... Đến năm 16 tuổi, sau những ngày tháng ngày ngồi không, buồn bã và uể oải. Khi thấy sức khỏe đã bình phục, Phương xin cha mẹ, quyết định xuống thị trấn Đông Phú bắt đầu học cái nghề. May mắn đến với anh, đã có những ân nhân nhìn thấy hoàn cảnh đã giúp đỡ em  học sữa chữa đồng hồ, kính mắt, vi tính. 

Khi đã có nghề trong tay, không dừng lại ở đó. Năm 1998, chưa tròn 20 tuổi, một mình Phương khăn gói bắt xe vào Sài Gòn với quyết tâm phải tìm được việc, có tiền giúp đỡ gia đình, các em ăn học ở nhà. Với một mảnh đất bon chen như Sài Gòn, không dễ gì ai nhận Phương, một cậu bé “tí hon”  tật nguyền vào làm. May mắn, khi chuẩn bị khăn gói về quê, biết được hoàn cảnh, nghị lực của Phương, thầy Hoàn một chủ tiệm sữa chữa Bobine xe máy trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình nhận anh vào nuôi và dạy nghề. Cũng như những người khác, khi nhận anh vào thầy Hoàn cho Phương thử việc một tháng, nếu không làm được sẽ cho tiền mua vé xe về quê. “Nhìn thấy hoàn cảnh của Phương, tôi cũng rất cảm động. Bước đầu, tôi thử trí nhớ, năng lực của em. Các con ốc, con vít đủ các kích cỡ tôi đổ vào một đống rồi bảo em phân loại ra từng loại một. Thật không ngờ chỉ trong vòng một ngày mà em đã phân loại đâu ra đấy. Phương còn rất cẩn thận, dán băng dính gắn tên cho từng loại ốc.”, thầy Mai Thành Hoàn nhớ lại.

Phương kể: “Hồi ở nhà, mình chỉ biết ngồi một chỗ, mỏi chân tay lại đi nằm. Khi bắt tay vào việc ở đây mình không nhấc nỗi chiếc búa 2kg, nhờ sự động viên của thầy, nhìn thấy anh em trong tiệm làm việc say mê nên suốt ngày mình cũng “quần” với chiếc búa nên chân tay cũng cơ bắp lên”.

Công việc sửa chữa bobine, quấn môtơ điện đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và cẩn thận. Sau 2,3 tháng rồi đến tận năm thứ 8 Phương vẫn còn làm việc tại đây, lúc này em đã trở thành vị trí người “thầy” hướng dẫn cho nhiều em học nghề khác ở tiệm. Có thu nhập, hàng tháng với khoản tiết kiệm 1 triệu em lại gửi về nhà giúp đỡ bố mẹ nuôi mấy em ăn học. Trong 8 năm xa nhà, nỗi nhớ mẹ, nhớ quê không lúc nào nguôi trong con người Phương. Mỗi khi nhắc đến cha mẹ Phương lại trào nước mắt. 

Đầu năm 2008, để gần cha mẹ hơn, Phương xin thầy Hoàn về quê miền Trung để lập nghiệp. Với 20 triệu lận lưng trong tay, anh chọn Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu. Đà Nẵng) làm nơi mở tiệm lập nghiệp. Bước đầu mở tiệm không có khách, nhưng với tay nghề giỏi, anh đã thuyết phục được nhiều khách hàng đến sửa chữa ở tiệm. Cuối năm 2008, cơ duyên đã đưa Phương đến với Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. Lần đầu, nhìn thấy các em nhỏ, mỗi người mỗi hoàn cảnh giống mình nên Phương như gặp lại được tuổi ấu thơ của mình.

Phương tâm sự: “Lúc đầu nghe các bác ở trung tâm đề nghị mình về đây dạy, thoạt tiên vừa mừng vừa lo, không biết mình có làm nổi không. Nhưng thấy các em đều có hoàn cảnh giống mình, có những em bệnh nặng, nói không nên lời mình rất cảm thông. Vậy là mình quyết định tình nguyện đứng lớp”.

Từ ngày, có thầy giáo Phương về, không khí học tập, sinh hoạt ở Trung tâm bỗng dưng rôm rả hẳn. Thầy thì bé tẹo tẹo, trò thì to lớn gấp mấy lần nhưng lớp học như một ngôi nhà nhỏ bé, ấm áp tình thương cho mỗi số phận. Thầy thì liên tục tháo ráp từng thiết bị, nói từng chữ cho các em, có những từ thầy phải nói đi nói lại chục lần các em mới hiểu. Có những em chưa biết, không hiểu lại “nằng nặc” một, hai thầy Phương dạy lại. Nhìn các em chạm vào đồ vật như chạm vào đồ “chơi” thầy cũng cảm động rơi nước mắt. Thầy Phương cho biết: Trong số em ở đây, có những em đầu óc không bình thường nhưng lại rất nhớ thao tác mình làm, có em không biết nói nhưng lại rất nhanh nhẹn, thầy vừa bảo tháo quạt là xung phong làm đầu tiên…Ngoài việc dạy chữ, dạy nghề cho các em, thầy Phương còn đảm nhiệm các phong trào hoạt động ở Trung tâm, những tiết dạy hát, dạy múa ở lớp học của thầy luôn sôi động.

Học trò của Phương đa phần là các em dị tật bẩm sinh do di chứng chất độc màu da cam. Hầu hết các em nói không ra lời hoặc nói rất chậm, nên việc dạy cho các em rất khó khăn. “Các em học cái cốt là để luyện giọng, tập đọc và hơn thế nữa là cảm nhận được những niềm vui khi bản thân được đến lớp, có bạn có thầy vơi đi mặc cảm trong cuộc sống. Nếu không cùng cảnh ngộ, chắc mình cũng không đủ kiên nhẫn để dạy cho các em ở đây. Mình chỉ mong hằng ngày được lên lớp nhìn các em vui cười, nô đùa. Truyền tải những gì mình có thể để các em vững tin trong cuộc sống này”, thầy Phương tâm sự.

Vượt trên số phận, cuối năm 2008, người thầy giáo “tí hon” Nguyễn Ngọc Phương được vinh dự được được nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng và Nhà Nước. Và là 1 trong 3 nạn nhân da cam việt Nam tham dự Chương trình tàu Hòa Bình, Nhật Bản tham gia giao lưu trên 100 công dân còn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử 68 năm về trước ở Nhật Bản.

Chị Võ Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng cho biết: Tuy là người khuyết tật, không được học hành tử tế, nhưng bản thân thầy Phương đã tự biết vươn lên chính mình trong cuộc sống. Luôn năng nổ, nhiệt huyết những công việc được giao. Là một người thầy chịu khó, đồng cảm với số phận nên được các em ở đây rất quý mến. Thầy chính là tấm gương tiêu biểu biết vượt khó để mỗi con người chúng ta học tập”.
 
Hữu Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Bài 2: Nghị lực phi thường của thầy giáo “tật nguyền”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.