Bài 2: Cuộc sống cơ cực của em bé trong bức ảnh nổi tiếng

17/04/2015 15:35

Theo dõi trên

Ba tuổi mà người vẫn mền như sợi bún, 4 tuổi mới biết ngồi, 5 tuổi mới biết ú ớ gọi mẹ. Sở hữu một khuôn mặt “khác người” với giọng nói chậm chạp cùng đôi chân khập khiễng, ấy vậy mà tất cả mọi công việc trong gia đình em đều phải lo tươm tất…



Bé Ly cùng người cha trong ngôi nhà tình thương

 

Em Nguyễn Thị Ly (SN 2001), phường Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng không có tuổi thơ, hay tuổi thơ không được êm ả như những bạn cùng lứa tuổi. Cất tiếng khóc chào đời khi chưa đầy 6 tháng trong bụng mẹ, nặng 1,7kg, em đỏ hon như một cục thịt.

“Cháu sinh ra thiếu tháng nên cả mẹ và con đều rất yếu, nhìn đứa con vừa mới sinh ra tôi chỉ biết nuốt nước mặt vào lòng. Nhìn khuôn mặt con méo mó mà ai ngờ được cháu bị nhiễm chất độc da cam truyền lại từ ông ngoại của cháu chứ, nhưng may còn phúc nhà mà còn giữ lại được cháu”, chị Nguyễn Thị Thu mẹ bé Ly nhớ lại.

Chị Thu cho biết thêm, trước khi sinh bé Ly chị đã từng một lần sẩy thai, không giữ được đứa con đầu lòng của mối tình đẹp giữa chị và anh Nguyễn Quang Dương. “Khi sinh cháu Ly gia đình nội ngoại ai ai cũng mừng ra mặt, nhưng tiếc nỗi cháu sinh ra yếu ớt. Vừa sinh ra cháu lại phải sống trong lồng kính hơn hai tháng ở bệnh viện Đà Nẵng.  Cũng là chừng ấy thời gian gia đình phải dồn hết tiền bạc, vay mượn khắp nơi để cứu sống cháu được ngày nào hay ngày đó”, chị Thu nghẹn ngào.

Nằm hơn hai tháng trong lồng kính, trở về với cuộc sống. Niềm vui chưa được bao lâu thì càng ngày Ly càng có những biểu hiện khác thường hơn, khuôn mặt của em thì bị biến dạng theo thời gian, những tiếng thở dài, khò khè như muốn dập tắt hy vọng sống của em. Gia đình lại một lần nữa phải đưa cháu đi chữa bệnh. Tại bệnh viện bác sĩ bảo cháu bị tim bẩm sinh, do cổ họng với hình lòng chảo nên mỗi khi thở là xương ép vào tim nên tiếng thở của cảm thấy khó khăn. Đưa cháu về trong niềm vô vọng, không biết khi nào cháu sẽ đi nên từ đó gia đình thống nhất đặt tên cháu là Ly đó. Anh Dương nhớ lại. 

Thương đứa con vừa mới sinh ra không có tội tình gì mà sớm phải chịu những cơn đau đớn đến quặn lòng, gia đình phải dồn tất cả những tài sản đang có đưa cháu đi chữa trị khắp nơi để mong kéo dài được sự sống cho em. Cứ nghe ở đâu có thầy giỏi là gia đình lại lui tới, thậm chí vào tận mãi trong Sài Gòn. Nhưng đi đến đâu cũng nhận được sự lắc đầu từ bác sĩ. “Cháu bị nhiễm chất độc dioxin nên phải sống với bệnh thôi!”. Gia đình lại đưa cháu về mà cố kìm nén đau thương trong tuyệt vọng. 

Hằng ngày nhìn đứa con với khuôn mặt “khác người” chỉ biết nằm một chỗ, quang quẩn trong góc nhà. 3 tuổi mà người vẫn mềm như sợi bún, 4 tuổi mới biết ngồi, lên 5 tuổi mới biết ú ớ gọi mẹ mà tấm lòng của người cha như muốn đứt lìa ra từng khúc.

“Hồi đó, mình đâu có dám đi làm xa, nhìn đứa con như thế mình như mất hẳn niềm tin trong cuộc sống, kinh tế gia đình càng trở nên cơ cực hơn lúc nào hết. Nhưng có lẽ nó (bé Ly - PV) biết thương ba mẹ nó mà cũng chơi ngoan, không gào thét như hồi mới lên hai”, anh Dương cố nín ánh mắt đỏ hoe mà nghẹn lòng.


Đến bây giờ Ly đã gần 14 tuổi, đến thăm gia đình có em bé trong bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc bình chọn năm 2010. Chúng tôi không khỏi xót xa cuộc sống cơ cực của bé Ly nhân vật chính trong bức ảnh đã làm lay động những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng không có gì đáng giá ngoài bức ảnh “em bé da cam” được gia đình trân trọng như một “bảo vật”. 
 



Cuộc sống thường ngày của em mỗi buổi sáng sớm

Sau khi sinh được bé Ly được 2 năm thì chị sinh thêm được một người con nữa. Khác với người chị, cháu sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, bụ bẫm. “Vui quá nên gia đình vội đặt tên cháu là Mừng, nghĩa là mừng vui ý. Cũng từ ngày đó, ảnh Dương cũng lâm bệnh, căn bệnh viêm phế quản của anh lại tái phát liên miên, tưởng chừng bệnh dạ dày của anh đã cướp anh đi hồi tháng 10 năm ngoái. Cũng may còn phúc nhà mà để cho anh qua được cơn hoạn nạn mà làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ con tôi. Còn cái Ly cứ mỗi khi trái gió trở trời căn bệnh tim của em lại tái diễn. Mỗi lần như thế, nhìn đứa con đau quằn quại mà tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà cố kìm nén nước mắt”, chị Thu nghẹn ngào cho biết.

Đã hơn mười năm trôi qua, tất cả mọi chi phí cuộc sống cho cả gia đình đều dựa vào đồng lương ít ỏi của chị Thu. Thương cho hoàn cảnh của chị, mà một nhà hàng ở tận đường ven biển đã nhận chị làm phụ bếp. Hàng ngày, chị phải dậy từ sáng sớm, chạy hơn chục cây số để làm công việc của mình. Còn những ngày nghỉ chị lại tranh thủ ra sông Mâng Quang ở gần nhà mà mò cua, nhặt hến rồi lại rong ruổi khắp ngõ phố rao bán để kiếm thêm thu nhập đỡ tiền thuốc thang cho anh Dương và bé Ly. Vì vậy mọi sinh hoạt của gia đình đều do Ly gánh vác, từ việc nấu ăn, đến công việc giặt giũ quần áo cho đều được thực hiện bởi bàn tay yếu ớt của em.

“Thương mẹ vất vả em chỉ biết giúp mẹ những công việc nhỏ nhặt thôi. Từ ngày phát bệnh lại đến giờ thì ba em đi lại khó khăn, chỉ biết nằm một chỗ. Thương ba, thương mẹ mà em chẳng biết làm gì nữa. Mỗi lần tan lớp là em chạy một mạch về nhà mong gặp ba sớm…”.

Cầm tay người cha mà nước mắt em lại trào ra, nói đến đây mà lòng em như nghẹn lại, rồi em lại òa khóc.


Cũng từ ngày anh Dương phát bệnh lại, cuộc sống của gia đình chị càng trở nên nghèo túng hơn. Sáng sớm, em lại phải dậy từ sáng sớm phụ bếp cùng mẹ nấu cơm cho cả gia đình, có những hôm mẹ Thu đi làm sớm em lại phải một mình mò mẫm dậy nấu bữa ăn sáng cho người ba bị bệnh và đứa em trai đang còn ham chơi. Trưa về em lại tranh thủ giặt giũ quần áo. Có những hôm đến lớp chưa kịp ôn bài, không thuộc bài cũ mà em đành phải “cáo ốm” ở nhà bầu bạn với người cha cho vui nhà vui cửa. Có những lần thương ba em định bỏ học để phụ giúp mẹ lo cho người cha, nhưng được sự động viên của người mẹ, tâm sự của người cha mà em “đành lòng” đến trường. 

Nhìn đứa con ngây ngô, với tâm hồn trong sáng, luôn biết yêu thương gia đình mà anh Dương không cầm nổi nước mắt. “Bệnh tật của mình ngày càng nặng thêm... rồi đi ngày nào cũng không hay, nhưng cháu nó còn nhỏ và dại rồi không biết dựa dẫm vào ai…”.

Tuy cuộc sống gia đình vất vả là thế, em luôn phải chịu cảnh thiệt thòi với những bạn cùng trang lứa nhưng chưa bao giờ Ly cảm thấy chạnh lòng với đám bạn. Vì Ly nghĩ, em còn may mắn hơn với nhiều người khi đang được cắp sách tới trường. Và qua những gì được học ở trường lớp dù biết trên mình đang mang căn bệnh tim bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng em luôn có niềm tin mãnh liệt trong cuộc sống.

Nói về những dự định tương lai sắp tới em “bật mí” cho biết: Em sẽ cố gắng học thật giỏi, nghe lời ba mẹ cho ngoan để sau này trở thành một cô giáo dạy chữ cho những bạn có cùng hoàn cảnh với em mà chưa được tới trường lớp và kiếm nhiều tiền để chữa bệnh cho ba. 


Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của bé Ly, chị Nguyễn Thị Vân Thư, cán bộ phụ trách mảng gia đình trẻ em phường Hòa Quý cho biết: Trong các trường hợp khó khăn của địa phương, gia đình bé Ly là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, em là cô bé đầy nghị lực, dù mang trên mình căn bệnh quái ác nhưng em luôn tự tin trong cuộc sống.
 
Ngọc Diệp

Bạn đang đọc bài viết "Bài 2: Cuộc sống cơ cực của em bé trong bức ảnh nổi tiếng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.