Bài 1: Nghị lực phi thường của thầy giáo “tật nguyền”

12/12/2014 16:25

Theo dõi trên

3 tuổi người vẫn mền như sơi bún, 4 tuổi mới biết ngồi, 6 tuổi chập chững biết đi đã đòi mẹ đi học dù mang trong mình một khối u lớn trước ngực.

Sở hữu thân hình dị dạng “tí hon”, với chiều cao 0,9m, vỏn vẹn 19 kg, tuổi thơ của Phương trải qua như một cơn ác mộng. Ấy vậy mà đến nay Phương đã là một thầy giáo dạy chữ, dạy nghề cho hàng chục em có hoàn cảnh giống mình ở trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh ở TP Đà Nẵng.



Thấy Nguyễn Ngọc Phương đang sửa chữa motơ điện cho máy may ở trung tâm

Bài 1: Tuổi thơ dữ dội

Sinh năm 1983, Nguyễn Ngọc Phương không có “tuổi thơ” hay tuổi thơ không êm ả như bao đứa trẻ khác. Lọt lòng mẹ như một cục thịt đỏ hon khi nằm trong bụng mẹ chưa đầy 7 tháng với 0,8 kg, dài chưa được 20cm. Phải hơn 1 tháng nằm trong lồng kính ở bệnh viện em được đón về trong niềm vui lần nỗi buồn của gia đình. 

“Cháu sinh ra thiếu tháng nên cả mẹ và con đều rất yếu. Thương con tôi chỉ biết ôm con khóc, chứ đâu biết cháu bị nhiễm chất độc da cam, nhưng vẫn còn may giữ được cháu”, chị Nguyễn Thị Diệu mẹ Phương nghẹn ngào nhớ lại.

Phương là đứa con đầu lòng của mối tình giữa cựu binh Nguyễn Tấn Ngọc và chị Nguyễn Thị Diệu (Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam), người đã cùng anh vào sinh ra tử ở chiến trường khu 5 ác liệt. Không hay tin vào sự thật khi mình bị nhiễm chất độc, lần lượt những đứa con của anh Ngọc ra đời. Rồi khi sinh ra, đứa nào cũng có hình hài dị dạng khi đó vợ chồng anh mới tin “sự thật mình bị nhiễm hoa chất độc da cam/ dioxin”. 

Nhớ lại tuổi thơ của Phương, chị Diệu cho biết: "Lúc nhỏ mới sinh ra Phương đã có những biểu hiện khác thường so với những đứa trẻ khác, cháu ăn mãi mà không phát triển được tứ chi, tưởng cháu bị bệnh còi xương nên vợ chồng dốc hết tài sản, đưa Phương đi chữa trị khắp nơi nhưng đi đến đâu “, bác sĩ bảo cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên không thể chữa trị được”. Tuyệt vọng, vợ chồng tôi đưa cháu về nhà, cố gắng dấu nước mắt vào lòng”.

Dù phải kìm nén nước mắt nỗi buồn vào trong lòng, nhưng bù lại Phương lại rất thông minh và ham học. Anh nhớ lại: “Khi đến tuổi đi học mà Phương vẫn còn nhỏ xíu, cũng như bao đứa trẻ khác cháu theo các bạn bước chân vào lớp 1. Học được vài ngày, cô giáo nói cháu không có danh sách nên bị đuổi ra khỏi lớp, không được học lớp này cháu lại sang lớp khác nhưng cũng chỉ vài ngày cháu cũng bị đuổi ra khỏi lớp vì cũng không có tên trong danh sách”. 

Mới có 6 tuổi, em không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Phương nhớ lại, quảng đường từ nhà đến trường khoảng trên 5km, có tới 3km là đường rừng, phải qua một con suối mới đến đường phẳng. Đến trường, nhưng cô giáo không cho vào lớp học, sợ cha mẹ buồn nên không dám nói, cứ sáng mình cắp sách, chiều lại về như bao bạn khác. 

Không như các bạn khác được vào lớp học, mỗi lần cắp sách đến trường Phương chỉ biết đứng ngoài hành lang nghe lõm những lời phát âm, đánh vần các con chữ trong lớp học vọng ra. Chỉ thời gian ngắn Phương đã thuộc cả 24 chữ cái chỉ có điều Phương không biết mặt mũi con chữ nó như thế nào. Do mãi lo kiếm tiền nuôi cho sáu anh em, cha mẹ không hay biết con được vào lớp học. Thế rồi, hình ảnh cậu bé “tí hon” ham học đến tai cô Hiền, một giáo viên trong làng. Cô nhận Phương vào lớp, mới chỉ học được có nửa kỳ được cô hiền chuyển thẳng em lên lớp hai vì em học quá nhanh.  

Đang học dở lớp 2, căn bệnh quái ác mang tên dionxin trong con người Phương lại tái phát. Vừa đi học về, chưa kịp cho buổi ăn tối, chân tay của Phương tự nhiên như co rúm lại, cứ mỗi canh đồng hồ cơ thể lại co giật từng cơn. Nhìn đứa con vật vờ, đau đớn trong người, một lần nữa, gia đình chạy vạy khắp nơi đưa Phương đi chữa trị. Hết bệnh viện này rồi bệnh viện kia. Cứ nghe tin ở đâu chữa được gia đình lại đưa em đến. Có lúc lên tận bệnh viện y học cổ truyền Lâm Đồng, hay vào bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng bệnh của em không hề thuyên giảm. Gia đình đưa em về trong nỗi tuyệt vọng. Cũng từ đó giấc mơ đi học bị tắt vụt, sự sống của em đang phải đếm từng ngày trong nỗi buồn của gia đình, người thân. 

Còn tiếp...

 
Hữu Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Bài 1: Nghị lực phi thường của thầy giáo “tật nguyền”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.