Bác về thăm làng Vĩnh

10/09/2016 16:10

Theo dõi trên

Tôi có chút may mắn là được đi nhiều, ra Bắc, vào Nam, miền quê, thành phố, có nơi chỉ thoáng qua. Không ít chỗ dừng chân dài dài. Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, thứ bị thời gian khuất lấp, cái được thời gian ấp ủ, nâng niu trở thành máu thịt. Vĩnh Thành - Rú Tháp (xã Vĩnh Thành - Yên Thành) đã từ lâu là miền quê yêu mến của tôi.



Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành năm 1961 - Ảnh: TL

Ngày ấy, dưới chân Rú Tháp có ngôi nhà tranh nho nhỏ, nơi luyện tập thường xuyên của đội văn nghệ xã. Chủ nhân ngôi nhà là đôi vợ chồng còn rất trẻ. Chồng tên Hướng hiền lành ít nói, thổi sáo khá hay. Vợ tên Hà xinh, tươi cười, hay chuyện là diễn viên hát, nói đều giỏi. Mỗi chiều sau luyện tập chúng tôi thường kéo nhau lên Rú Tháp hái hoa, ngắm cảnh.

Mù khơi phía Đông là biển, gió biển tràn lên vấp vào Lèn Hai Vai, tung ngược rồi tấp vào Rú Tháp. Hoa dành dành, hoa sim, hoa cỏ may và ngàn ngàn hoa cỏ dại đủ màu hồn nhiên bừng nở. Mặt trời chạm núi, ba bề giăng thành. Núi Cao Sơn, Cao Các chạm trời. Dãy Mồng Gà chất ngất. Dãy Yên Ngựa tung bờm. Và xóm làng, những mái tranh xám mốc, nhạt nhoà khói bếp bình yên. Xuống đến chân đồi, tôi và nhạc sỹ Nhật Tân nhận đủ hai chục nắm hoa của "học trò" trao tặng. Hoa dại Rú Tháp ly ti trắng, nhàn nhạt hồng, mơ xanh, vàng chanh và phơn phớt tím. Được chắt ra từ nắng gió cỗi cằn, sắc hoa chừng ấy cũng quá đủ để rưng rưng.

Rồi có một ngày người từ các làng trong xã đổ về Rú Tháp. Dụng cụ của họ mang theo là choòng, thuổng và cuốc chim. Thầy cô giáo và học sinh của hai trường cấp I, cấp II cũng nườm nượp kéo đến. Đội văn nghệ cũng đã hoá trang, phục trang đâu vào đấy "Chương trình văn nghệ chào mừng lễ phát động phủ xanh Rú Tháp xin phép được bắt đầu". Lập tức dàn trống và các loại dụng cụ nổi lên. Cùng lúc nhưng Minh, Hà, Lan, Nhị, những Vân, Tiễn, Hải, Tời.... trong bộ cánh dài với những động tác múa duyên dáng hiện ra trên sân khấu.

Sau lễ phát động, hàng ngàn người tràn lên Rú Tháp. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói vang động cả một vùng. ấy là người ta tìm đến phần đất của đội mình đã được chia để đào hố trồng cây. Lớp váng tầng trên của khu đồi là đất sỏi lẫn đá răng ngựa. Tiếp đến là vỉa đá non, không biết vỉa đá sâu đến bao nhiêu. Theo quy định hố đào hình vuông, mỗi cạnh dài nửa mét, sâu nửa mét. Dăm ba nhát cuốc chim, một vài nhát choòng cũng chỉ khẩy lên được nắm đá vụn. Nắng hanh hao gió mùa thổi rỗng mà ai nấy đều mướt mồ hôi. Và khát, nước uống được các cháu học sinh chuyển lên bao nhiêu cũng hết.

Vĩnh Thành là một trong những xã đầu tiên của miền Bắc lúc bấy giờ hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác Hồ. Điểm đột phá đầu tiên của đợt phát động là Rú Tháp. Kế hoạch được triển khai xuống các đội sản xuất để dân bàn bạc, thảo luận. Bao nhiêu khó khăn được đặt ra nhưng cũng rất nhiều sáng kiến để khắc phục. Đào hố trước, chưa trồng vội mà đổ đất phù sa vào khoả đầy chờ lập xuân mới cho cây xuống. Giống cây do vườn ươm của các cụ cung cấp. Các đội trồng cây xong giao lại cho đội Bạch đầu quân chăm sóc, bảo vệ. Trong thời gian thảo luận, hiến kế có câu nói của ai đó lan truyền rộng rãi và được mọi người cho là chí phải rằng: Cây không sợ khó, sợ khổ bởi cây xuyên đá mà sống cây vượt nước mà lên. Chỉ sợ con người thiếu quyết tâm, thiếu lòng tin vào chính mình.

Bác về. Chị Trần Thị Nhị, cán bộ Bảo tàng khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chúng tôi gặp cụ Nguyễn Đăng Chúc, nguyên Chủ tịch xã Vĩnh Thành thuở ấy (1961). Cụ Chúc năm nay 98 tuổi, vẫn hồng hào, khoẻ mạnh, giọng nói còn sang sảng và tỉnh táo lạ thường. Theo yêu cầu của chúng tôi cụ rất vui nói: "Các anh ở lại đây được bao lâu?". Tôi thật sự bối rối chưa biết trả lời ra sao, cụ tiếp: "Không có thì giờ thì kể ngắn, chịu khó ở lại đây đêm nay thì kể dài". Tôi mừng vì khơi trúng mạch, được người mình tìm đến vui vẻ tiếp chuyện. Cụ Chúc kể: "Trước khi Bác về mấy ngày Đảng uỷ, uỷ ban thấy có hiện tượng rất lạ. Ngày nào cũng có cán bộ dân sự và công an tỉnh về làm việc. Họ hỏi, ghi chép đủ thứ chuyện - tình hình sản xuất, đời sống nhân dân, hoạt động của các đoàn thể. Họ còn gặp nhiều người trong đó có cố Điều đội trưởng đội Bạch đầu quân trò chuyện. Trong các buổi làm việc các anh ở tỉnh rất nhiều lần nhắc đến Hợp tác xã Đại Phong ở Quảng Bình. Hồi ấy Đại Phong nổi tiếng Miền Bắc. Hợp tác xã Vĩnh Thành chúng tôi đã vài lần cử cán bộ, xã viên vào học hỏi kinh nghiệm. Từ đó Vĩnh Thành sớm xuất hiện nhiều gương sản xuất giỏi đạt danh hiệu "Trai gái Đại Phong". Ngoài những việc đó đoàn tỉnh dành phần lớn thì giờ tham quan Rú Tháp. Ở đây bây giờ đã là một rừng cây xanh tốt. Cũng không riêng gì Rú Tháp, cả Vĩnh Thành đã là cả một rừng cây. Thế rồi, ngày 08 tháng 12 năm 1961 lãnh đạo xã được cấp trên thông báo sắp tới sẽ có đoàn cán bộ của Trung ương về thăm. Ngày 9 tháng 12 năm 1961, bất ngờ có chiếc máy bay trực thăng đáp xuống bãi cỏ dưới chân Rú Tháp. Khỏi nói dân xã náo nức, lạ lẫm đến mức nào: Người ta ào đến Rú Tháp để coi máy bay của ta để tận mắt nhìn thấy Trung ương. Nhưng không mấy ai có được may mắn ấy. Trực thăng chỉ dừng lại năm phút rồi cất cánh nhằm thẳng hướng tây".



Nhà truyền thống xã Vĩnh Thành - Ảnh Báo Nghệ An

Theo lời cụ Chúc, từ giờ phút ấy người dân Vĩnh Thành linh tính có điều gì rất hệ trọng xẩy ra với Rú Tháp. 20h ngày 09 tháng 12 năm 1961, Bí thư Đảng uỷ Phan Đức Tuệ, Chủ tịch xã Nguyễn Đăng Chúc nhận được điện khẩn: Ngày 10 tháng 12 năm 1961, Hồ Chủ tịch về thăm Vĩnh Thành. Vậy là suốt đêm hôm ấy cả Yên Thành nói chung, Vĩnh Thành nói riêng tất thảy đều rạo rực, thao thức suốt đêm tự hỏi thực hay mơ đây? Sáng 10 tháng 12 năm 1961, trời chưa sáng hẳn, người từ khắp nơi trong huyện đã nườm nượp đổ về Rú Tháp, băng cờ, khẩu hiệu rợp cả một vùng. Mà lạ, trước đó trời âm u xám ngắt, rét căm căm. Vậy mà hôm ấy ấm áp lạ thường. Từng đàn chim kéo nhau về Rú Tháp đậu kín ngọn cây ríu ran tiếng hót.

Đúng 7h, một chấm đen cùng với tiếng động cơ xuất hiện trên bầu trời. Tất cả đều lặng phắc nín thở dõi theo. Chiếc trực thăng màu bạc hạ độ cao, lượn một vòng quanh Rú Tháp rồi nhẹ nhàng đậu xuống bãi đậu hôm trước.

"Hồ Chủ Tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm!" Cả biển người tung lên, reo lên trong bạt ngàn cờ hoa khi Bác xuất hiện trước cửa máy bay. Bác tươi cười vẫy tay chào đồng bào. Tất cả lại đột ngột lặng đi. Ôi Bác Hồ! Vẫn bộ quần áo bà ba màu gụ, chòm râu đốm bạc, mái đầu phong sương. Và đôi mắt, đôi mắt Bác ngời ngời nhìn ra khắp lượt. Bác rời khỏi máy bay, mọi người sực tỉnh vẫy cờ hoa mà nước mắt tuôn trào. Lời Bác vang lên ấm áp: "Trồng cây ở đây khá, khá chứ chưa thật tốt đâu. Nên chọn cây gì đáng trồng thì trồng, nhiều cây phi lao thì nhanh, chóng tốt nhưng nó chỉ làm củi đun thôi. Để có phong cảnh nên trồng một số cây phượng. Nó cũng mau lớn, hoa đẹp lắm, độ 4, 5 năm thôi. Tôi đề nghị các cụ trồng và phụ trách tất cả việc trồng cây, còn các cháu phụ trách đỡ đầu cây... Hôm nay Bác về không đi thăm hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được, là vì không có thời gian. Các xã và hợp tác xã khác cần thông cảm. Còn hợp tác xã đây chớ thấy Bác về thăm tưởng mình là nhất không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn cho rằng không cần học tập ai nữa.... Trong 20 trai gái Đại Phong của Vĩnh Thành, Bác thưởng huy hiệu cho 5 cháu tiêu biểu: Nguyễn Thị Tuý, Phạm Trọng Kính, Nguyễn Thị Nhuỵ, Nguyễn Tá và Nguyễn Thị Đường. Mọi người có đồng ý với Bác không ?". Rú Tháp chuyển động như từng đợt sóng "Thưa Bác, đồng ý ạ, có ạ!".

Nắng mỗi lúc mỗi đậm. Nắng hanh khô khốc. Nguyễn Quỹ, Chủ nhiệm hợp tác xã, Chiến sỹ thi đua toàn miền Bắc thấy Bác đã lấm tấm mồ hôi liền cung kính đưa khăn tay cho Bác. Thấy vậy Bác khẽ gạt tay từ chối. Bác đang căn dặn cán bộ nhân dân về thuỷ lợi hoá trong nông nghiệp, về khắc phục thiên tai, về nâng cao đời sống... Nắng càng lúc càng dày, ông Phan Đức Duệ thấy Bác bị nắng quá lâu nên rất áy náy. Ông cầm chiếc ô ngập ngừng đến gần Bác. Mọi người hiểu ý đưa mắt đồng tình.

Và chiếc ô vừa bật tung lên, cùng lúc Bác đưa tay gạt mạnh rồi chỉ xuống hàng ngàn người đang ngồi phía dưới: "...Vĩnh Thành chính là quê hương thứ hai của tôi". Tiếng Bác vang xa. Phải mấy giây ngỡ ngàng và tiếng hô ào lên như sóng: Hồ Chủ Tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm!

Tạm biệt cụ Chúc, chúng tôi tìm gặp chị Tuý, chị Nhị, chị Đường... là những trai gái Đại Phong năm xưa giờ đã phơ phơ đầu bạc. Nhắc đến ngày Bác về các chị đều như trẻ ra, say chuyện như vừa tạm biệt Bác hôm qua. Đến nhà trẻ ngày Bác đến thăm. Nơi đây Bác từng chia kẹo cho các cháu, căn dặn các bà, các cô về chăm sóc, nuôi dạy, trồng người. Ngôi nhà nhỏ mà thiêng liêng quý giá biết chừng nào.

Trở về Rú Tháp, bước lên bậc thứ nhất, tôi bồi hồi nhớ lời một ca khúc của nhạc sỹ Nhật Tân đã 45 năm mà vẫn mới nguyên. "Mỗi bậc lên, lên Rú Tháp là mỗi chặng đường Bác dắt chúng con đi"...
 
Phan Thế Phiệt 

Bạn đang đọc bài viết "Bác về thăm làng Vĩnh" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.