Bạc Liêu: Mai một của làng rèn Ngan Dừa

26/10/2016 23:04

Theo dõi trên

Mỗi khi có dịp về Bạc Liêu khi nhắc tới địa danh Ngan Dừa thì có lẽ người miền Tây vùng sông nước Nam Bộ không thể quên được nơi đây có một làng nghề gắn bó thiết thực với cuộc sống của người dân nhất là người dân quê. Đó chính là làng rèn Ngan Dừa với nhiều nông cụ đã giúp cho cư dân từ thuở khai hoang mở cõi của vùng đất mới.



Thợ rèn đang chuẩn bị cho ra đời những sản phẩm truyền thống

Danh tiếng một thời dao Ngan Dừa

Nghề rèn Ngan Dừa đã có tuổi trên trăm năm nay nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông cụ như: dao, búa, phảng, liềm... Nhiều thợ rèn kỳ cựu nơi đây cũng không biết chính xác nghề đã có tự khi nào và ai là tổ của nghề.

Theo lời của nhiều nghệ nhân kỳ cựu của làng rèn Ngan Dừa như ông Quách Văn Hây (70 tuổi, ấp Thống Nhất, TT Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) kể lại: “Tôi cũng như nhiều thợ rèn Ngan Dừa vẫn chưa biết ai là tổ rèn của làng mình. Trước kia chỉ nghe đời ông nội tôi truyền kể lại nghề rèn là do trước đây có người phương Bắc lưu lạc về đây, sau đó truyền nghề lại cho nhiều lưu dân của miền sông nước Nam Bộ” từ đó xuất hiện nhiều lò rèn đỏ lửa hình thành tên gọi Làng rèn Ngan Dừa. 

Để ghi nhớ công ơn người có công truyền nghề, tại mỗi bể lò đều lập một bàn thờ và hàng năm tổ chức cúng tổ vào 23/6 âm lịch. Do không biết rõ ai là tổ của làng rèn nên các thợ rèn Ngan Dừa tín ngưỡng một vị thần với mong muốn thần sẽ phù hộ cho các nghệ nhân rèn và gia quyến luôn được tai qua nạn khỏi, công việc thuận lợi mua may bán đắt, gia đình an vui.

Nghề rèn cũng gian nan lắm thay, đòi hỏi tính cẩn thận, chịu khó và nhất định bắt tay vào việc phải nghiêm khắc. Quy trình rèn phải qua biết bao công đoạn từ việc chọn lựa nguyên vật liệu, chuẩn bị nhiên liệu đến thổi bể khí, cặp sắt tôi, quai búa đập. Thông thường 1 lò rèn truyền thống chỉ cần từ 4 – 5 người 1 người bể, 2 – 3 người quay búa. Ngoài các thợ chính, tại các bể lò còn có thêm nhiều thợ phụ làm các công việc như bào, gọt, làm chuôi, tra cán, lau chùi giúp hoàn thiện sản phẩm sẵn sàng tiêu thụ ra thị trường.

Danh tiếng chưa theo kịp thị trường đổi mới

Từ thuở khai hoang mở cõi vùng Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), nhiều nông cụ hỗ trợ đắc lực cho người dân trong việc phát hoang như dao, phảng, liềm… Những sản phẩm rèn ra đời trên nhiều ngọn lửa bập bùng từ bếp rèn, tiếng búa đập “chan chát” vào từng mảnh kim loại, qua nhiều công đoạn dưới tay nghề kỹ thuật thoăn thoắt trên hòn đe rèn mới cho ra được thành phẩm. 

Từ những năm 1990 trở về trước, tận dụng 1 số thép trong chiến tranh để rèn nông cụ nói trên. Đất đai được khai hóa nhiều, nhu cầu lao động rất lớn, ông Ơn nhớ lại lúc đó mỗi tháng lò rèn hoạt động khoảng 20 ngày, mật độ ngày làm việc dày đặc, công việc dường như không có ngày nghỉ với người thợ lành nghề, chỉ biết làm ra thành phẩm để bán cho người dân phục vụ nhu cầu cuộc sống và kế mưu sinh cho gia đình 5 người.

Nếu nhẩm tính, như nhà của ông Ơn, ông Tư Hây, mỗi lò khác cũng bán ra vài chục nông cụ mỗi ngày lợi nhuận thu về đáng kể tăng thu nhập cho gia đình, nhưng chủ yếu bán cho người dân quê, bởi thời xưa điều kiện giao thông tại đây rất khó khăn, người ta biết tới làng dao nhờ truyền miệng, lò rèn bị bó buộc trong quy mô nhỏ lẻ của gia đình, việc quảng bá sản phẩm cũng nằm trong giới hạn địa phương. Điều hài lòng nhất chính là chất lượng nông cụ được rèn tại làng dao đa phần là các loại dao, thân dao được rèn rất cứng, lưỡi dao sắc bén, tay cầm chắc chắn, phải đến khoảng 1 năm thì dao mới bớt bén so với lúc mới sử dụng. Bao đời nay, người dân Hồng Dân sử dụng dao Ngan Dừa vì đó là nông cụ gắn bó, rất thiết thực với đời sống, nhưng cùng trên mảnh đất này thì họ chỉ biết đó là nông cụ nhiều hơn tên gọi khẳng định thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Ơn (57 tuổi, ấp Thống Nhất, TT Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) - chủ Lò Rèn chữ Y – người có thâm niên trong nghề hơn 40 năm, tay nghề rắn rỏi thuộc hàng “lão làng”. Lò rèn của ông được xem là một trong những lò xuất hiện sớm nhất xứ này, không chỉ có thời gian hoạt động lâu nhất mà chất lượng sản phẩm của lò ông đều bền bỉ với thời gian.

Theo ông Ơn, vào thời hưng thịnh nghề rèn dao có khoảng 15 lò trải dài tập trung chủ yếu ở TT. Ngan Dừa, các lò rèn khi ấy lúc nào ánh lửa cũng sáng bừng, người rèn dao tấp nập, việc làm không xuể. “Khi đó mỗi ngày tôi rèn được khoảng 40 cây dao, phản, được khách hàng ủng hộ rất đông, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”, tình trạng nguồn cung không đủ cầu, chuyện làm nghề vất vả không sao kể hết, ấy vậy mà lòng yêu nghề được hun đúc trong trái tim của ông đến độ khi bước vào tuổi xế chiều ông vẫn còn tâm huyết giữ lửa cho lò rèn thêm nồng đượm.
 



Lò rèn ngưng hoạt động

Quyết tâm giữ lửa cho làng nghề

Nghề rèn đã trở thành nghề truyền thống, không chỉ lưu truyền qua nhiều thế hệ mà ở đây sản xuất dao chiếm ưu thế, tuy nhiên khi xã hội chuyển biến theo hướng hiện đại hơn, nhiều nhà máy công nghiệp sản xuất các loại dao bằng chất liệu inox… mẫu mã đẹp mắt, sang trọng, do đó áp đảo dao Ngan Dừa, giữa hai loại dao cạnh tranh không ngang sức. Người thợ rèn chịu áp lực từ kinh tế thị trường, lợi nhuận không đủ trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình nên cứ thế họ lại lần lượt từ giã cái nghề “ráo mồ hôi thì không có tiền”. Nhiều lò rèn tại Ngang Dừa ðành ngậm ngùi ðóng cửa vì những sản phẩm làm ra không tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn, không còn đủ sức cạnh tranh. 

Hiện nay, dù dao Ngan Dừa đã khẳng định được thương hiệu, quy mô sản xuất nhưng chỉ dừng lại ở mức độ tiểu thủ công nghiệp. Ai đã từng đi qua làng dao Ngan Dừa đã không còn được nghe nhiều tiếng đe, tiếng búa, tiếng “chát cụp” cũng dần ít đi, lò rèn chữ Y chỉ hoạt đồng cầm chừng khoảng 15 ngày/tháng do đơn đặt hàng ít dần, hoạt động để cầm chừng, nhiều hộ từ bỏ nghề rèn chiếm khoảng 50%. Buồn cho xóm rèn ngày ấy đã ít nhiều mai một nghề truyền thống. Giờ đây nhiều bếp rèn nguội lạnh, người thợ rèn ngày xưa chuyển đổi nghề khác để tạo sinh kế bền vững hơn, công cụ sản xuất các sản phẩm rèn giờ im lìm, nằm yên trong góc nhà.

Đứng trước khó khăn với nghề, bằng mọi cách để giữ bập bùng lửa của lò rèn, đã có khoảng thời gian lò rèn ông Ơn, ông Tư Hây và nhiều hộ rè khác rơi vào bế tắc khi gia đình ngày càng khó khăn, trong khi đó nghề rèn không còn đủ sức nuôi gia đình. Không nản chí, một số hộ đã cố gắng vực dậy kinh tế gia đình bằng cách bắt mối giới thiệu với người quen xa gần để mang dao bỏ mối, không gói gọn chỉ bán trong địa phương nay mở rộng thị trường sang những nơi khác trên chiếc xe máy dắt đầy dao với tiếng rao “Ai mua dao Ngan Dừa không!”.

Cùng với niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề, ông Quách Vãn Hây tìm mọi cách duy trì nghề rèn truyền thống. Ông cho biết: “Ngày xưa, khi nghề rèn còn đắt khách, ở Ngan Dừa này có trên dưới 20 lò rèn. Nhưng giờ đây số lò rèn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay”. Ở tuổi 70 nhưng trông ông Hây vẫn rất tráng kiện. Có lẽ lao ðộng miệt mài đã tạo cho ông một sức khỏe dẻo dai. Tuổi thọ của ông gắn bó với xóm lao động nghèo của vùng sông nước miền Tây, nơi ông sinh ra và lớn lên và đã nối nghiệp nghề mà ông cha đã dày công tạo dựng. “Nghề này coi vậy chứ đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất kỳ công, bên cạnh sức khỏe dẻo dai thì người thợ phải có tính kiên nhẫn. Thời đó, nhiều thanh niên trong làng theo học nghề rèn nhưng ít ai trụ được bởi nghề quá vất vả”, ông Tư Hây tâm sự.

Nghề truyền thống đang dần bị mai một

Ngày nay, thị trường nông cụ ngày một đa dạng với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm được gia công bằng máy móc và các sản phẩm nhập khẩu. Nhưng với hơn 4 đời làm nghề cùng một nguyên tắc bất di bất dịch từ khi mở lò là “tôn trọng chữ tín”, lò rèn ông Tư Hây vẫn luôn có khách đến đặt hàng. Nhiều khách hàng thân thiết lâu năm vẫn tìm đến ông để đặt rèn đồ thay cho hàng gia công sẵn. Tuy hiện nay lượng khách giảm, ông tìm cách tạo ra những nông cụ phù hợp đời sống của người dân để duy trì lò rèn. Nghề rèn hiện nay chỉ giúp gia đình ông đủ sống nhưng ông nhất định không bỏ nghề. “Mình già rồi, sức khỏe đã yếu dần, biết làm nghề gì thay thế, cứ sống như vậy để giữ nghề. Nghề này là vậy, mình không phụ nó thì chắc chắn nó cũng không bao giờ phụ mình, cứ đỏ lửa là có tiền để sống”.  Với niềm đam mê cùng tấm lòng nặng nợ với nghề rèn, ông Hây mong ước có thêm vốn để trang bị máy móc hiện đại giúp việc sản xuất được chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô lò rèn để có thể sản xuất nhiều mặt hàng theo nhu cầu thị trường. Ước mơ đó vẫn quá xa khi hàng ngày thị tiêu thụ sản phẩm đang dần thu hẹp nhưng ông Hây vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Ông thở dài sao trách nổi thời gian, thời gian từng mang lại hưng thịnh cho nghề nhưng thời gian cũng không giữ được niềm vui ấy một cách trọn vẹn.

Có lẽ giờ đây, những người thợ rèn “lão làng” như ông Ơn, Tư Hây đã không còn nhiều, xã hội ngày một tiến bộ, nhiều ngành nghề mới đem lại lợi nhuận cao đã thu hút thế hệ trẻ, con cái lớn lên đi học rồi đi làm xa quê hương, không thường xuyên ở nhà được nhiều thời gian nên việc truyền nghề cho các thế hệ con cháu càng ít cơ hội. Trăn trở khi nghề rèn đã dần mai một vì sinh kế, thế hệ mai sau đã không còn tha thiết với nghề cha ông, máy móc công nghiệp dần thay thế sức người lao động trên đồng ruộng thì những thế hệ thợ rèn như ông Ơn, ông Tư Hây giờ đây chỉ hiếm.

Niềm vui và hạnh phúc của những người như ông Ơn, ông Tư Hây được nhìn lò rèn đỏ lửa cũng vơi bớt đi quãng thời gian khó khăn gặp phải trong nghề. Các con trai ông Tư Hây đã trở về nối nghiệp cha. Ông bộc bạch mà đôi mắt ánh lên niềm vui khôn xiết: “Tôi thuyết phục mãi nó không nghe, theo bạn bè đi làm công nhân. Nhưng nó dần hiểu ra tâm huyết của tôi với nghề rèn truyền thống, mong muốn nó nối nghiệp để lưu giữ nghề nên đã quay về làm cùng tôi”. 

Chia tay làng rèn Ngan Dừa trong buổi chiều mưa muộn, tôi vẫn đau đáu về tình yêu, tâm huyết của ông Ơn, ông Hây cũng như các tay thợ khác dành cho nghề rèn và nỗi tiếc nuối về một nghề truyền thống đang dần mai một. 
 
Thiên Bảo

Bạn đang đọc bài viết "Bạc Liêu: Mai một của làng rèn Ngan Dừa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.