Bạc Liêu: Chùa Bà Nam Hải, điểm du lịch văn hóa nổi bật trong đời sống tâm linh

17/11/2016 16:10

Theo dõi trên

Đi từ xa, du khách đã có thể nhìn thấy bức tượng của Phật Bà Quán Âm cao 11m đứng trên tòa sen cao sừng sửng giữa trời xanh. Bức tượng nằm trên một khu đất rộng thuộc khu Phật Bà Nam Hải bên cửa biển Nhà Mát, thuộc phường Nhà Mát, Tp Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật không chỉ riêng của Bạc Liêu mà còn là điểm đến du lịch văn hóa, tham quan, nơi gửi gắm những điều tốt đẹp trong đời sống tâm linh của người dân mọi miền đất nước mỗi khi có dịp về thăm miền Tây Nam Bộ.

Trong một lần theo chân nhóm bạn xuôi về miền sông nước, tôi có dịp ngang qua mảnh đất Bạc Liêu. Mảnh đất của đờn ca tài tử, của những tấm lòng mến khách, tính hào sảng và sự “chịu chơi” hết mình của người dân chốn này. Chưa hết, những người dân nơi đây còn giới thiệu cho tôi về một địa điểm tham quan vừa đẹp, đậm nét văn hóa Phật Giáo cũng như tâm linh trong đời sống người Việt, đó là khu Phật Bà Nam Hải.

Anh Ba Sấm, một người chuyên làm nghề đi biển kể cho tôi nghe về sự tích hình thành nên ngôi Chùa, và những điều hết sức thú vị. Anh nói, vào năm 1973 có một người phát tâm bồ tát xin được xây dựng tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, ý nguyện này được Hòa Thượng Thích Trí Đức ủng hộ và công trình chính thức khởi công vào năm đó. Khi đó, địa điểm xây tượng Phật Bà còn là một bãi sình hoang sơ mọc đầy cây mắm, sau hai năm xây dựng đến năm 1975 thì công trình hoàn thành. Tượng Phật Bà cao 11m, đứng trên tòa sen, mặt hướng ra biển Đông, tay cầm hồ lô rưới nước cam lộ. Điều kì diệu là sau khi xây xong tượng Phật Bà thì vùng đất này được bồi đắp mỗi ngày nhiều hơn, và đến nay đã là một vùng đất rộng hàng chục hecta. 
 
 
Phật Bà Quán Âm cao 11m đứng trên tòa sen cao sừng sửng giữa trời xanh

Năm 2004, rất nhiều phật tử cúng dường với số tiền hơn 5 tỷ đồng để xây dựng lại thành khu Phật Bà Nam Hải, với diện tích mở rộng hơn 25.00m2, nhiều công trình như điện chính, các khu vườn cũng được xây dựng mới và trang nghiêm hơn.

Mỗi năm, cứ đến lễ hội Vía Phật Bà Vào 3 ngày từ mồng 8 – 11 tháng giêng, và lễ hội Quán Âm Nam Hải từ ngày 22 – 24 tháng ba (AL) là du khách cũng như người dân tại địa phương tập trung về chùa rất đông. Người đến viếng chùa trước hết là cầu an, cầu cho trời yên biển lặng, cầu cho ngư dân, những con người nhỏ bé trước đại dương mênh mông luôn được thuận buồm, xuôi gió mỗi khi ra khơi. 

Anh nói; khi ở giữa đại dương mênh mông trên những chiếc thuyền nhỏ bé, những ngư dân như anh chỉ biết gửi niềm tin vào tâm linh. Ủy thác số phận cho những điều may rủi trước những cơn sóng dữ  được hình thành từ những cơn giông nổi lên bất chợt. Và cứ thế đã bao đời nay, những người dân làm nghề sông nước nơi đây, những ngư dân trên những chiếc thuyền vượt sóng ra khơi luôn xem Phật Bà Nam Hải là đấng cứu thế, họ gửi những lời cầu nguyện, gửi gắm niềm tin trước lúc ra khơi, và bày tỏ sự cảm tạ sau mỗi chuyến trở về.

Rõ ràng, văn hóa phật giáo, thế giới tâm linh đã đi sâu vào trong tâm hồn của đời sống người Việt. Ở đó, mỗi người luôn có quyền mơ và tin về những điều tốt đẹp, làm tăng thêm tính hướng thiện cũng như lòng vị tha, tinh thần nhân ái của con người. 

Đặt đĩa trái cây lên nơi hành lễ, đốt nén nhang thơm dưới bầu trời xanh, tôi thành kính chắp tay cầu nguyện như bao nhiêu người khác. Cầu cho đất nước bình yên, cho biển xanh luôn hiền hòa để những người ngư dân trở về sau mỗi lần vượt sóng. Và đâu đó trong những căn nhà nhỏ, ánh mắt của trẻ thơ, những người phụ nữ trong tà áo bà ba dịu dàng luôn đầy ắp nụ cười mỗi khi chiều xuống hay lúc bình minh lên. Đó là lúc những con tàu đánh bắt xa bờ, nhưng chiếc thuyền sao bao ngày vượt sóng đã trở về với bến, trở về với tình yêu nơi xóm nhỏ, trở về với một mùa đánh bắt bội thu.

Hàn Giang

Bạn đang đọc bài viết "Bạc Liêu: Chùa Bà Nam Hải, điểm du lịch văn hóa nổi bật trong đời sống tâm linh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.