“Bậc kỳ tài” của nhạc tài tử - cải lương

01/04/2017 08:07

Theo dõi trên

Trong giới biên soạn cổ nhạc, soạn giả Loan Thảo là một tên tuổi lớn, được xếp hạng vào “bậc kỳ tài” vì ông có rất nhiều bài vọng cổ “để đời”, nhiều vở tuồng cải lương nổi tiếng với nội dung sâu sắc, thể tài đa dạng.


 NS Chí Tâm và NSƯT Thanh Kim Huệ trong vở “Lan và Điệp” của soạn giả Loan Thảo. Ảnh: Minh Hoàng

Ngã rẽ thành công

Được biết soạn giả Loan Thảo có tên khai sinh là Nguyễn Tấn Vị, sinh năm 1943 tại thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương trong gia đình có cha là một vị lương y hốt thuốc nam. Ảnh hưởng từ sự dưỡng dục của gia đình, cộng với tâm hồn nghệ sĩ, cùng năng khiếu văn chương; thời niên thiếu, cậu học trò Nguyễn Tấn Vị đã cầm bút sáng tác thơ, văn. Thập niên 1940-1950, sân khấu cải lương đang hồi hưng thịnh, đi đâu cũng nghe cải lương khiến cho chàng thiếu niên Nguyễn Tấn Vị đam mê, yêu thích loại hình nghệ thuật độc đáo này và bắt đầu học ca vọng cổ cùng những làn điệu khác của nhạc tài tử - cải lương. Với chất giọng mượt mà sẵn có, Nguyễn Tấn Vị đoạt giải nhất trong một cuộc thi tài tử - cải lương ở địa phương. Tuy nhiên, sau một cơn bạo bệnh khiến ông mất giọng. Vậy là ông chuyển sang học đờn cổ nhạc (đờn guitar phím lõm) và bắt đầu thâm nhập nghề sáng tác kịch bản cải lương và sớm nổi danh khi hợp soạn cùng soạn giả đàn anh Quy Sắc (cũng là người đồng hương Bình Dương) vở tuồng “Khi rừng mới sang thu” trên sân khấu Thành Được - Út Bạch Lan năm 1962. Kể từ đó, bút danh Loan Thảo ngày càng tỏa sáng như những tên tuổi lớn trong giới biên soạn tuồng cải lương lúc bấy giờ như: Hà Triều, Hoa Phượng, Yên Lang, Quy Sắc, Kiên Giang, Nguyễn Phương, Thu An…

Soạn giả với nhiều nghệ danh, “kỳ tài”

Ngoài nghệ danh Loan Thảo, được biết ông là soạn giả duy nhất có nhiều nghệ danh, liên danh như: Quế Anh (tên của vợ ông), Quế Chi (tên con gái ông), Hoàng Loan (tên hợp soạn với soạn giả Hoàng Việt), Anh Vị (tên ghép giữa ông và con trai), Châu Loan (tên hợp soạn giữa soạn giả Loan Thảo và soạn giả Thế Châu), Hoàng Kiều Loan (hợp soạn giữa các soạn giả: Hoàng Việt, Nhị Kiều, Loan Thảo)...

Nhờ am hiểu sâu sắc nhạc tài tử - cải lương, cộng với tư chất thông minh, nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng, Loan Thảo được mệnh danh là một trong những soạn giả “kỳ tài” của nhạc tài tử - cải lương vì ông có nhiều vở tuồng và bài ca vọng cổ được nhiều người ái mộ.

Ở lĩnh vực tuồng cải lương, Loan Thảo sáng tác khá rộng về thể tài. Ngoài đề tài tâm lý xã hội, ông còn thành công với nhiều vở diễn mang màu sắc hương xa, kiếm hiệp và hồ quảng như các vở: Tiêu Anh Phụng, Sở Vân Cứu Giá, Con gái Vua Trần Nhân Tông, Đường lên thiên thai (hợp soạn với Hoàng Việt); Chung Vô Diệm, Phàn Lê Huê... góp phần làm cho gia tài kịch mục cải lương thêm đa dạng, phong phú. Những vở tuồng “để đời” của soạn giả Loan Thảo có thể kể đến như: Lan và Điệp, Tiếng hạc trong trăng (hợp soạn với Yên Ba), Tây Thi, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài... Đặc biệt, bản thu âm “Lan và Điệp” phát hành đầu tiên năm 1974 của Hãng đĩa Việt Nam chẳng những làm nức lòng người mộ điệu mà còn giúp nó thuộc hàng “kinh điển” của cải lương Việt Nam. Đồng thời, đưa tên tuổi của đôi nghệ sĩ trẻ (lúc bấy giờ) Thanh Kim Huệ và Chí Tâm lên hàng “ngôi sao” của sân khấu cải lương. Thảo sáng tác khá rộng về thể tài.

Ở thể loại vọng cổ (nhất là “Tân cổ giao duyên), ngoài soạn giả Viễn Châu (đã có trên 1.000 bài được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công) thì phải kể đến soạn giả Loan Thảo. Thập niên 60-70 của thế kỷ 20, với vai trò biên tập thường trực cho Hãng đĩa Việt Nam, nhiều bài ca vọng cổ và vở tuồng cải lương do ông biên soạn được thu âm, phát hành rộng rãi và hầu hết các giọng ca cải lương thời đó như: Phượng Liên, Mỹ Châu, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Chí Tâm, Minh Cảnh, Giang Châu… làm sáng thêm tên tuổi khi thể hiện những tác phẩm của ông. Đặc biệt là cặp đôi nghệ sĩ Minh Vương và Lệ Thủy. Trên sân khấu cải lương, NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương đã diễn chung rất nhiều vở tuồng, đã thể hiện thành công nhiều bài vọng cổ, trong đó có nhiều bài vọng cổ của soạn giả Loan Thảo như: Lý chim quyên, Bánh bông lan, Lý ngựa ô, Lý con sáo, Bìm bịp kêu… Chúng đã đồng hành với đôi nghệ sĩ tài danh này suốt mấy thập niên qua.

Soạn giả Loan Thảo mãn phần ngày 13-11-1982, an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh). Tuy soạn giả tài hoa Loan Thảo mất đi, nhưng ắt hẳn những soạn phẩm của ông vẫn để lại bao niềm lắng đọng trong lòng người ái mộ nhạc tài tử - cải lương.


Thạc sĩ Phạm Thái Bình

Nguồn: Báo Bình Dương
Bạn đang đọc bài viết "“Bậc kỳ tài” của nhạc tài tử - cải lương" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.