An Lão giữ gìn văn hóa truyền thống của người Bana

17/11/2016 08:19

Theo dõi trên

Cộng đồng Bana sinh sống ở huyện An Lão còn khá nhiều. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc Bana, đáng kể nhất là trang phục, dân ca và trình tấu cồng chiêng.

Trang phục của người Bana ở An Lão giản dị với những đường nét đơn giản, khỏe khoắn. Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T. Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữa Bana chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới, hoa văn đơn giản. Trong các ngày lễ, trang phục của người Bana có phần sặc sỡ, nhiều họa tiết hơn.



Trong các lễ hội, trang phục của người Bana,  đặc biệt là của các thiếu nữ, có phần sặc sỡ, nhiều họa tiết hơn. Ảnh: H.N.Q

Theo quan niệm của người Bana, màu đen là màu chủ đạo, gây ấn tượng về sự mạnh mẽ. Màu đỏ biểu hiện cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng, được nhuộm bằng nhựa cây Kxang, Kơ bai. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, được nhuộm bằng củ nghệ hay màu của cây Kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, màu của cây lá được nhuộm bằng nhựa cây Truông nhây hay cây Kpai…

Với tư duy đơn giản, các hoa văn trong trang phục của người Bana là những hình khối đối xứng, lấy thiên nhiên, đời sống sinh hoạt hàng ngày làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu của hình học không gian. Có lẽ cũng bởi nhờ đơn giản nên trang phục của người Bana An Lão không bị lai căng, pha tạp, dễ giữ gìn, truyền lưu cho đến nay.

Theo nhiều người già, dân ca Bana An Lão đã bị mai một khá nhiều làn điệu. Dù vậy, số lượng những bài dân ca Bana được sưu tầm và bảo tồn cho đến nay vẫn còn khá phong phú và đặc sắc.

Dân ca Bana ngoài giá trị văn học, âm nhạc, còn có giá trị về lịch sử, xã hội và dân tộc. Ngày nay, ở ngay chính An Lão cũng còn rất ít người hát được những làn điệu Hmon (hay còn gọi là sử thi). Tôi có dịp được nghe già làng Đinh Văn Trang, ở thôn 1, xã An Toàn hát Hmon. Bên bếp lửa bập bùng, vít hơi rượu cần nồng ấm, già Trang hay kể cho dân làng và con cháu nghe về chuyện ngày xưa người Bana biết nương vào tự nhiên, thuận theo tự nhiên, giữ gìn và khai thác thiên nhiên đúng mực để sống và phát triển, chuyện về người làng đứng lên chống lại kẻ thù, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng, chuyện ngợi ca tình yêu nam nữ, về tính chân thành và ngay thẳng của người Bana…

Các văn bản Hmon được ghi lại khá nhiều. Nhưng Hmon chỉ thật sự sống đời sống của nó, thật sự đã được bảo tồn đúng nghĩa chỉ khi nó được hát lên, kể ra trong không gian Bana, trong đời sống của đồng bào Bana. Đó là điều mà đến nay nếu chỉ riêng mình huyện An Lão thì chưa thể làm tốt được.

Cồng chiêng là nhạc cụ được làm bằng đồng thau, hình tròn có đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm. Một dàn cồng chiêng của người Bana thường có 3 chiếc cồng lớn, ở giữa có núm và 5 đến 10 chiếc chiêng rẹt nhỏ hơn. Khi diễn tấu, người Bana An Lão dùng dùi gỗ quấn vải mềm để đánh. Cồng càng to thì tiếng càng trầm, còn những chiêng càng nhỏ thì âm thanh càng cao. Trong các dịp lễ hội, tiếng cồng chiêng luôn rộn ràng, nhịp nhàng, tinh tế và âm vang cả núi rừng. Có thể nói cồng chiêng đã dựng lên một không gian Bana đặc thù không thể trộn lẫn. Âm nhạc cồng chiêng của người Bana với tiết tấu đơn giản, chắc khỏe, đĩnh đạc mà trầm hùng đã góp phần làm phong phú không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nếu trang phục, dân ca, cồng chiêng là những di sản văn hóa hữu hình, mang ý nghĩa, giá trị lớn, có tính biểu trưng cao, chứng tỏ sức sống dẻo dai của văn hóa Bana An Lão thì chính những nét điểm xuyết như nghi thức mời rượu, đốt lửa, chào khách… lại điểm tô cho văn hóa Bana nhiều cung bậc thăng hoa, màu sắc phong phú.

Tần suất xuất hiện của rượu cần trong đời sống của đồng bào Bana khá cao. Trong các lễ hội, nghi thức chào mừng, đón khách, lúc vui cũng như khi có chuyện buồn… đây đó lại xuất hiện rượu cần trong sự kiện. Rượu cần trong các chóe bằng sành, chóe to, quý dùng trong các lễ hội lớn, các dịp kỷ niệm trọng đại; chóe lớn loại bình thường thường dùng để tiếp khách phương xa, chóe nhỏ dùng khi tiếp bạn. Người Bana An Lão uống rượu cần với nhiều nghi thức về đại thể thì giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ dâng cúng thì trang trọng thành kính, mời khách thì  vui mừng, chân thành.

Đồng bào Bana luôn tin tưởng vào Thần Lửa - vị thần hiện thân cho may mắn, phù hộ cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc; lửa giữ vai trò quan trọng trong đời sống cũng như trong niềm tin tín ngưỡng của đồng bào. Trong những dịp đốt lửa ngoài trời, sinh hoạt cộng đồng, già làng Bana thường cầu nguyện khá lâu.

(Theo Bình Định Online) 

Hoàng Nam Quốc
Bạn đang đọc bài viết "An Lão giữ gìn văn hóa truyền thống của người Bana" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.