Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia chùa Hòa Thạnh (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) hoặc Hòa Thạnh Cổ tự, mà dân gian thường gọi là chùa Cây Mít. Nơi đây chứa đựng một kho tàng văn hóa lịch sử và nghệ thuật vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc. Tổng diện tích xây dựng chùa khoảng 500m2, kiến trúc gồm 4 bộ nóc, cột gỗ tròn, vách xây hồ vôi ô dước trộn đá trứng.
Di tích chùa Hòa Thạnh
Khoảng nửa đầu thế kỷ XX, chùa Hòa Thạnh được xây dựng trên vùng đất hẻo lánh và ven biên giới Việt Nam - Campuchia. Vào những năm đầu thập niên 20, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc về đây truyền bá tư tưởng yêu nước (1921-1923). Qua đó, người dân Nhơn Hưng (Tịnh Biên) tiếp thu và dấy lên phong trào cách mạng mạnh mẽ.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chùa Cây Mít - Hòa Thạnh là cơ sở vững chắc của cách mạng và bộ đội. Khuôn viên nhà chùa có hầm bí mật che giấu cán bộ và tổ chức hoạt động. Do vậy, người dân vùng Bảy Núi coi chùa Cây Mít - Hòa Thạnh là công trình văn hóa và là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương An Giang.
Dấu ấn Chốt Thép
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, khi xảy ra chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, quân và dân Nhơn Hưng tận dụng nơi đây lập chốt chống lại quân Pôn Pốt, được vinh danh “Chốt thép thành đồng”.
Thời kỳ kháng chiến và bảo vệ biên giới phía Tây Nam, đây còn là vùng đất trọng yếu án ngữ biên giới phía Đông và phía Bắc của cửa ngõ vào vùng Bảy Núi. Tháng 3-1930, Chi bộ Nhơn Hưng - Thới Sơn được thành lập, là Chi bộ đầu tiên của huyện Tịnh Biên. Phát huy truyền thống, quân và dân Nhơn Hưng kiên cường bám trụ khu vực Chốt Thép, các giao thông hào thô sơ đánh bật các đợt tấn công quy mô lớn của địch, giữ vững trận địa trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam.
Di tích Huyện ủy Tịnh Biên
Yếu tố góp phần giữ vững Chốt Thép Nhơn Hưng, là nhờ các chốt “vệ tinh” yểm trợ, như: Bờ Nam kênh Vĩnh Tế có chốt Cây Trôm (cách 100 mét), bửng Cây Mít (cách 300 mét), chốt xóm Miễu, công sự Bến Lúa… còn bờ Bắc kênh Vĩnh Tế có chốt Cống Ranh, chốt Cây Chuối, chốt Bắc Hưng, chốt Bụi Tre… Trước sự bao vây của kẻ thù xâm lược, với tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cán bộ và chiến sĩ tập trung cao độ chính xác từng đường ngắm, mục tiêu… giữ vững được địa bàn.
Năm 1979, kết thúc chiến tranh, Nhơn Hưng là xã duy nhất không bị địch chiếm đóng. Với chiến tích đó, khu vực Chốt Thép Nhơn Hưng được tôn danh “Chốt thép thành đồng”, thể hiện tinh thần dũng cảm chiến đấu, khí phách hiên ngang của quân và dân Nhơn Hưng. Đó là danh hiệu bất hủ, Nhân dân đã đặt để tôn vinh chiến công oanh liệt, sứ mệnh thiêng liêng của quân và dân xã Nhơn Hưng anh hùng. Gắn liền với những chiến công, nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, quân dân du kích kiên trì bám trụ Chốt Thép Nhơn Hưng.
(Theo Tin Tức Miền Tây)