Âm vang huyền thoại thác Yang Bay

07/07/2016 09:51

Theo dõi trên

Cách thành phố biển Nha Trang khoảng 45km về phía Tây, thác Yang Bay thuộc địa phận xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa được bao phủ bởi màu xanh, màu tươi rực rỡ của các loại hoa hòa quyện giữa dòng thác như “dải lụa trắng”, trải dài hơn 2 cây số, chảy từ đỉnh Gia Kang cao gần 100m, đổ qua nhiều vách đá, rồi gom hết mạch ngầm, tỏa về xuôi, tạo thành dòng sông Cầu hiền hòa, thơ mộng…


Từ truyền thuyết thác trời…

Chia sẻ với phóng viên, ông Võ Khôi Minh, Giám đốc Công viên du lịch Yang Bay (trực thuộc Tổng Công ty Khánh Việt – Khatoco) kể rằng, Yang Bay theo tiếng Raglei có nghĩa là thác nước trời. Tương truyền, ở trên dãy núi Gia Kang có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng như bàn cờ. Ngày xưa, nhà trời và trần gian rất gần nhau nên Ngọc Hoàng và các nàng tiên trên thượng giới thường xuống đây dạo chơi và mở tiệc dịp đầu xuân.

Trong số tiên nữ có nàng tiên út thường tách ra, cải trang thành thôn nữ để đi vào bản làng và được ông bà Cau Phú nhận làm con nuôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nàng đem lòng yêu chàng trai trong bản tên là Cau Sơn. Ngọc Hoàng biết đươc rất tức giận nên hóa phép biến Cau Sơn thành đá. Nàng nhất quyết ở lại để canh giữ tượng chồng, hái rau, bắt cá sống qua ngày và nuôi con khôn lớn. Ngọc Hoàng giận dữ vì cho rằng hạ giới dám giữ nàng tiên út ở lại làm dâu con nên đã ra tay trừng phạt, không cho mưa xuống trần gian. Trời làm nắng hạn, tất cả sông suối, hồ ao đều khô cạn.

Đang lúc hoang mang và thất vọng, bỗng nhiên có hai mẹ con nhà cóc xuất hiện, ngày ngày cóc mẹ cứ nhảy qua những cái hố mà các loài thú đào, vừa nhảy vừa kêu lên ai oán cho đến khi hơi tàn lực kiệt mà chết. Cóc con chờ mãi không thấy mẹ về cũng kêu khóc thảm thiết rồi chết theo.

Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng vô cùng ân hận và cảm động, nước mắt chảy xuống chỗ cóc mẹ nằm tạo thành thác lớn, chỗ cóc con nằm tạo thành thác nhỏ. Nước mưa chạm vào tượng đá Cau Sơn làm chàng sống lại và đoàn tụ với mẹ con nàng tiên út. Có nước, cây cỏ, hoa lá xanh tươi, núi rừng bừng thức. Dân làng mừng vui, hăng say lao động, chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no và cứ đến mùa lúa mới lại làm lễ tạ ơn Ngọc Hoàng.

Để tưởng nhớ mẹ con nhà cóc và muôn loài, người đời đã đặt tên cho thác lớn là Yang Bay (thác trời), thác nhỏ là Yang Khang (con trời), và thác Ho Cho (thác mẹ). Thác Yang Bay tuôn chảy cho đến ngày nay, đó là mạch nguồn sự sống của muôn loài…




Khách nước ngoài thích thú khi tham gia trò chơi tại khu du lịch Yang Bay

Đến lễ hội dành cho du khách

Mười năm trước, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) được UBND tỉnh Khánh Hòa giao nhiệm vụ “đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái thác Yang Bay, nhằm tạo cú hích, gia tăng tốc độ phát triển kinh tế các huyện miền núi phía Tây thành phố biển”. Công viên du lịch Yang Bay ra đời từ đó, và cũng từ đó, “thác nước trời” như nàng “tiên Út” ngủ quên giữa rừng sâu, bỗng thức dậy, cất tiếng hát vang vọng đất trời. Ông Võ Khôi Minh giải thích: “Tiêu chí của du lịch sinh thái là nương tựa vào thiên nhiên, nhưng không lạm dụng khai thác đến cạn kiệt mà luôn luôn giữ gìn cảnh quan môi trường, tôn tạo và nâng cấp những giá trị hiện hữu. Chúng tôi mong muốn góp thêm tiếng nói, để du khách khi đến đây sẽ hiểu rằng bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ sự sống”.

Lễ hội “Huyền thoại thác Yang Bay” diễn ra vào trung tuần tháng Bảy hằng năm, được hình thành dựa trên những đặc điểm môi trường thiên nhiên, gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở miền núi tỉnh Khánh Hòa.

Sự tích “thác nước trời” nhuốm màu huyền thoại được sân khấu hóa theo phong cách nghệ thuật đương đại, nhưng không tách rời đời sống văn hóa dân gian của đồng bào Raglei, nhờ vậy mà tạo nên sức sống mới cho Công viên du lịch Yang Bay.

Theo thời gian, không gian lễ hội ngày càng mở rộng với qui mô lớn hơn và nội dung phong phú, hấp dẫn hơn. Không gian lễ hội trải rộng từ đầu nguồn thác nước trời (Yang Bay) đến công viên hoa và “thung lũng cá sấu”, du khách như được sống giữa thế giới cổ tích thời hiện đại và hiểu rằng, con người có thể dựa vào thiên nhiên để làm nên nhiều công trình, sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng đồng thời phải luôn luôn trân quý, giữ gìn những giá trị hữu hình cũng như vô hình mà tạo hóa đã ban tặng.n

(Theo Báo Du Lịch)

NGUYỄN NAM
Bạn đang đọc bài viết "Âm vang huyền thoại thác Yang Bay" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.