Du khách đến trẩy hội mùa Xuân ở Đền Am Tiên
Trong khu vực “huyệt đạo” núi Nưa còn có một ngôi Đền, từ xa xưa đã gọi là Am Tiên. Cái tên Am Tiên chưa có lời giải thích ngọn ngành, nhưng cứ theo truyền thuyết gắn với các di tích hiện còn thì: Giếng Tiên ở đây mặc dù nằm cheo leo ở sườn núi dốc đứng trên gần đỉnh một ngọn núi cao, nhưng thật kỳ lạ là: giếng không bao giờ hết nước, dù mùa khô hay mùa mưa, dù thời gian hạn hán kéo dài nhiều ngày tháng, cũng không làm hết được nước giếng. Dân gian trong vùng kể rằng: khi xưa, giếng là nơi tắm của các nàng tiên nhà trời mỗi khi xuống hạ giới ngao du xong đều về giếng để tắm và có lẽ vậy nên giếng được mang tên Tiên. Sau này đến thời Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) thì cứ sau mỗi lần xung trận trở về, nữ tướng Triệu Thị Trinh thường lấy nước ở giếng để rửa mặt…Nước giếng trong vắt và được nhân dân truyền tụng có thể giúp người trị bệnh…Do vậy sau này có nhiều người đã cố công tìm đến đây để xin nước uống cho khỏe mạnh, gội đầu, rửa mặt cho thông minh, những gia đình hiếm muộn đều đến xin nước uống để cầu có con...
Vào đầu thế kỷ thứ III (năm 248), nước Việt bị giặc Ngô tàn phá. Không chịu cảnh nước mất, nhà tan Bà Triệu đã tụ hội nghĩa binh, phất cờ khởi nghĩa chống quân Ngô tại vùng núi Nưa, ngày nay là khu vực xã Tân Ninh, Huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa. Trong những ngày tháng dùng vùng núi Nưa làm căn cứ kháng chiến, Bà Triệu đã chọn Am Tiên làm nơi cất giấu vũ khí, lương thực và luyện quân. Như vậy từ thế kỷ thứ III, Am Tiên đã trở thành địa danh, gắn với cuộc khởi nghĩa giành độc lập của nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Sau này khi Bà Triệu mất, nhân dân ở đây đã lập Đền thờ Bà, cho đến ngày nay, Đền vẫn mang tên là Am Tiên. Và Lễ hội Đền Am Tiên xuất hiện, được ấn định tổ chức từ ngày 15 - 20 tháng Giêng hàng năm. Những ngày này nhân dân các làng hội tụ dâng mâm sơn trang để tế lễ và tưởng nhớ công đức của các vị thần. Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước tìm đến đây ngày càng đông hơn. Đền Am Tiên cũng là nơi thờ bà Chúa Thượng Ngàn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Ngày 27/3/2009, quần thể di tích, danh thắng Am Tiên được công nhận là: Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia tại quyết định số 1215/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Di tích danh thắng Am Tiên hôm nay đã khá khang trang, với đường lên từ chân núi bằng bê tông kiên cố. Trong quần thể di tích có Đền Am Tiên cấu trúc bằng gỗ với nhiều khu vực thờ cũng theo tín ngưỡng dân gian. Có nơi thờ Phật trang nghiêm nằm giữa quần thể cây cối xanh tốt, được nhiều vị lãnh đạo trung ương và địa phương cũng như doanh nghiệp cả nước trồng, tạo nên khung cảnh đẹp, nên thơ và rất tự nhiên. Cách Đền Am tiên khoảng 200 m là đỉnh núi Nưa khá bằng phẳng, nơi được cho là huyệt đạo linh thiêng. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt nhìn xa được hết cả một vùng đất trời của xứ Thanh. Theo anh Lê Bật Sơn, người cháu đời thứ 3 của người trông coi ngôi Đền này cho biết: nếu tịnh tâm ngồi thiền ở đây hàng ngày người ta sẽ tiếp được linh khí của đất trời và sự cầu nguyện cho những điều tốt đẹp sẽ linh ứng và hơn hết, nếu kiên trì thiền định sẽ tiêu tan những căn bệnh quái ác.v.v. Cũng theo anh Sơn, mỗi năm có hàng vạn người trên khắp cả nước đã về Am Tiên vãn cảnh, cũng như cầu nguyện…
Cảnh đẹp và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Di tích, thắng cảnh Am Tiên ở xứ Thanh, đang trở nên hấp dẫn, không chỉ với những người muốn cầu mong sự chở che của trời đất, mà còn là tâm điểm của những du khách yêu thiên nhiên, lịch sử đất nước…Vì vậy có rất, rất nhiều du khách mong muốn được đến Am Tiên một lần trong hành trình về với xứ Thanh nhân Năm du lịch quốc gia 2015 này, để thỏa nỗi niềm về một miền quê Địa linh, Nhân kiệt của Việt Nam.
Theo Nguyễn Dương (Báo Du Lịch)