Ấm lòng người đi, chia sẻ nỗi đau với người ở lại

19/11/2021 23:56

Theo dõi trên

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 diễn ra tối 19/11 là hoạt động đầy ý nghĩa để an ủi cho những mất mát, đau thương trong đại dịch và phần nào "làm ấm lòng người đi, chia sẻ nỗi đau người ở lại".

19-11-2021-am-long-nguoi-di-chia-se-noi-dau-voi-nguoi-o-lai-42b55bae-details-1637340839.jpg
Cán bộ và các nhân dân Quận 12 đặt nến, đặt hoa tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19

Một hoạt động có ý nghĩa

Nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 đã được diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động tại TPHCM. TP Thủ Đức và các quận huyện đã đồng loạt diễn ra nghi thức thắp nến tưởng niệm; các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn cùng gióng chuông tưởng niệm. Các tàu, thuyền, sàn lan… đang lưu đậu tại các khu vực cảng kéo còi tưởng niệm. Nhiều người dân, khu vực công cộng đã tắt đèn thắp nến để tưởng niệm những mất mát, hy sinh trong đại dịch.

Chùa Pháp Hoa (Quận 3) là một trong địa điểm tại TPHCM tổ chức lễ thắp hoa đăng tưởng niệm. Ngôi chùa được trang trí trang nghiêm, ấm cúng. Các Quận 1, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… cũng đều tổ chức thả hoa đăng tại tuyến rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ.

Tham dự lễ tưởng niệm tại khu vực Chùa Pháp Hoa, chị Nguyễn Hà Huyền Trang bày tỏ: “Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa vì nhiều người đã tử vong do Covid-19. Bản thân tôi cũng hay cầu nguyện ở nhà. Việc tổ chức chương trình này rất ý nghĩa để mọi người cùng cầu nguyện cùng một lúc thì sẽ tốt hơn. Tôi muốn đến ngôi chùa để thắp nhang và cầu nguyện. Bản thân tôi cũng từng là F0, vì vậy tôi mong mọi người đều có sức khỏe để vượt qua đại dịch này”.

Ông Nguyễn Hữu Việt (ngụ ở Quận 3) cho biết, ông rất chờ mong TP tổ chức lễ tưởng niệm để cầu cho đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19. Đến từ sớm để chờ dự lễ tưởng niệm và lễ thả hoa đăng trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông nói: “Thời gian qua, TPHCM đã rất chăm lo về vật chất và tinh thần cho người dân vượt qua dịch bệnh và hôm nay tổ chức lễ tưởng niệm. Tôi thấy đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn, cần thiết”.

15-1-1637340941.jpg
Chùa Pháp Hoa trong buổi lễ tưởng niệm

Tại Nhà Văn hóa phường Tân Thới Hiệp (Quận 12) đã diễn ra Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Giữa nền nhạc trầm hùng, xúc động, các đại biểu đã đặt nến, đặt hoa để tưởng niệm những người đã mất. Chị Thái Hồng Ngọc, ngụ ở phường Thạnh Xuân (Quận 12), chia sẻ, mẹ chị (65 tuổi) khi bị mắc Covid-19 đã được đi vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP để điều trị. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng đã không qua khỏi. “Ngày mẹ tôi mất gia đình chúng tôi rất đau buồn vì không được gặp mặt mẹ. Chúng tôi cảm ơn Thành phố tổ chức lễ tưởng niệm hôm nay. Buổi lễ đã giúp chúng tôi thấy ấm lòng hơn, phần làm bớt đi nỗi buồn đau vì người thân bị mất do Covid-19” – chị Ngọc nói.

Bớt đi nỗi buồn đau vì người thân bị mất do Covid-19

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương trong đại dịch. Với ý nghĩa đó, buổi lễ đã giúp cho những gia đình có người thân mất do Covid-19 vơi đi nỗi đau. Chị Võ Thị Lựu, ngụ TP Thủ Đức, có chú ruột mất trong dịch chia sẻ: “Khi chú mất, tôi không đến thắp nhang được vì khi đó đang dịch bệnh nhiều. Bốn 4 ngày sau, hũ cốt được đưa về nhà. Ngày chú tôi bị bệnh nhập viện tôi luôn cầu mong chú khỏe để sớm về cùng gia đình nhưng cuối cùng đã không thể về. Gia đình ai cũng buồn vì khi chú tôi mất con cháu không được nhìn mặt... Tôi thấy TP tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là rất đúng với ý nguyện của người dân. Tôi cũng hưởng ứng bằng việc tắt đèn để tưởng nhớ người thân của mình và những người không may…”.

dsc-8574-1637340973.jpg
Các bạn trẻ tham gia lễ tưởng niệm

Thượng tọa Thích Trí Thường, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 12, cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã tổ chức lễ cầu siêu ở các mức độ khác nhau. Lễ tưởng niệm mang đạm tính nhân văn. Những người tử vong do Covid-19 đã phải ra đi trong lặng lẽ, không có người bên cạnh; đó là một mất mát lớn lao. Điều đó khiến những người ở lại rất đau thương. Việc tưởng niệm làm ấm lòng vong linh những người ra đi với những lời cầu nguyện hương linh người ra đi luôn được an lành. Điều đó cũng giúp những người ở lại bớt đau buồn. Từ buổi lễ này, chúng tôi cũng mong muốn mọi người luôn nâng cao hiểu biết để giảm thiểu tai nạn, mất mát do Covid-19, tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp 5K và tiêm vaccine đầy đủ. Cùng với nâng cao đề kháng về sức khỏe, cần nhận thức chính niệm trong từng giây, từng phút, trong mỗi hoạt động của mình để thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh”...

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Ấm lòng người đi, chia sẻ nỗi đau với người ở lại" tại chuyên mục Xã hội. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.