Các chiến sỹ tuần tra bảo vệ biên giới
Nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới
Sáng sớm, khi những cơn gió bấc còn đang len lỏi qua từng vách núi kéo hơi lạnh tràn về, sương muối bao phủ trên các ngọn đồi, lưng núi thì các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Thủy lên đường tuần tra. Nhiều đoạn đường trơn và dốc ngược. Anh em đi bộ nhưng phải bám vào nhau để làm thành hàng rào cho khỏi ngã. Tuy dò dẫm trong mưa phùn và giá rét, nhưng khi chạm được tay vào cột mốc biên giới thiêng liêng, ai nấy đều lâng lâng cảm xúc tự hào.
Đại úy Phùng Ngọc Thuyết, đồn phó quân sự Đồn Biên phòng Thanh Thủy cho biết: Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy được giao nhiệm vụ quản lý trên 30km đường biên giới giáp với Trung Quốc, trong đó có 49 cột mốc, địa bàn phụ trách 5 xã biên giới. Mốc 262 được xây dựng từ năm 2001, là mốc gần nhất mà Đồn quản lý và là mốc duy nhất có thể đi được xe máy. Mốc xa nhất cách nơi đóng quân của Đồn hơn 80km, nhưng hàng tháng các anh đều phân công tuần tra thường xuyên... Đường đến mốc giới chủ yếu là đi bộ, luồn rừng, trèo đèo, lội suối… Những hôm nắng ráo, việc đi lại đỡ vất vả, song vẫn mất cả ngày trời. Do hậu quả của chiến tranh biên giới, hiện nay rất nhiều bom, mìn còn sót lại trên đường tuần tra, nếu không cẩn thận sẽ dẫm phải bất cứ lúc nào. Vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng cán bộ, chiến sỹ biên phòng vẫn ngày đêm bám chắc địa bàn. Với các anh, đây là niềm vinh dự, tự hào khi được đóng góp sức trẻ của mình vì sự bình yên trên tuyến biên giới.
Cuối năm 2014, Chính phủ nâng cấp cửa khẩu Thanh Thủy lên thành cửa khẩu quốc tế, do đó nhiệm vụ đặt ra với Đồn ngày càng nặng nề hơn, nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát, xuất nhập cảnh và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm qua lại biên giới. Đại úy Trần Thanh Nghị, đội trưởng đội thủ tục Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu cho biết: Hàng ngày có hàng nghìn lượt khách du lịch, người dân hai nước qua lại làm ăn, buôn bán, đặc biệt là vào khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, nên đây cũng là thời gian cán bộ, chiến sỹ Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Trạm còn thường xuyên phối hợp cùng với các ngành Hải quan, Kiểm dịch, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ người, hàng hoá, phương tiện qua lại đảm bảo tận thu ngân sách cho địa phương.
Người con tin yêu của bản làng
Năm 2007, thiếu tá Trần Ngọc Hoan - Cán bộ biên phòng tăng cường về xã Lao Chải làm phó Bí thư Đảng ủy xã. Ăn, ở và làm việc cùng với dân nhiều khiến anh thông thạo mọi việc trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Là cán bộ tăng cường một xã xa xôi khó khăn thường xuyên có những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, anh càng phải gần dân, hiểu dân và yêu dân. Anh Hoan cho biết: Bộ đội biên phòng phải “Ba bám, bốn cùng” để cho dân quý, dân tin (tức là bám địa bàn, bám dân, bám đường lối chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng địa phương). Có như vậy mới làm được công tác tuyên truyền, mới có thể vận động bà con hiểu và thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Và, chẳng biết từ bao giờ, đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng cao đã coi bộ đội biên phòng là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Các anh trở thành người thầy dạy trẻ em học chữ, là cán bộ phân xử đúng sai trong những chuyện mâu thuẫn của gia đình, làng xóm… và là người bạn, người anh, người con tin yêu của gia đình, bản làng.
Không chỉ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cán bộ, chiến sỹ của đồn còn trực tiếp tham gia lao động sản xuất cùng bà con, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế... Những việc làm của các anh đã mang lại những kết quả rõ nét và được đồng bào ghi nhận.
Ông Lý Thìn Séng, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy cho biết: Từ khi có chính sách giữa nhân dân và cán bộ, Đồn BPCK Thanh Thủy luôn sát sao giúp đỡ nhân dân các thôn bản. Trong đầu năm có 3 hộ nghèo, đến cuối năm đã xóa được 1 hộ. Bây giờ còn 2 hộ, hàng năm cũng được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, nhất là Đồn Thanh Thủy đến Tết cho gạo, cho thịt. Về làm ăn, cán bộ biên phòng luôn tới hướng dẫn làm ăn như trồng cây, chăn nuôi. Hai năm nay làm ăn cũng khấm khá hơn.
Bảo vệ biên giới không thể thiếu được sự chung tay của bà con nhân dân địa phương. Muốn dân tin thì phải làm gì cho dân có lợi, bằng người thật, việc thật, làm thật giúp đỡ dân. Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng - đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy nêu dẫn chứng: Cán bộ biên phòng đã tham mưu cho chính quyền địa phương đưa chương trình nông thôn mới phát triển các xã trọng tâm về điện, đường, trường, trạm, giải quyết giao thông đi lại cho bà con. Năm 2015, cán bộ, chiến sỹ của Đồn đóng góp hơn 400 ngày công, vận động quyên góp từ một đến hai ngày lương một năm giúp tu sửa điểm trường mầm non thôn Nậm Ngặt - Thanh Thủy trị giá 40 triệu đồng; giúp thôn Thanh Sơn xây cổng làng văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ. Tham mưu cho chính quyền thôn vận động các hộ dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, làm đường bê tông, phát triển kinh tế theo quy mô, tạo cảnh quan đẹp tự nhiên, phấn đấu xây dựng thôn Thanh Sơn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Tới đây, Đồn sẽ giúp các thôn bản khác phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Cuộc sống bà con trước đây làm nương, làm rẫy thì nhiều hộ đã chuyển sang làm thương mại, kinh tế hộ gia đình ngày càng nâng cao, không còn hộ thiếu đói. Đây là những động lực quan trọng để cán bộ chiến sĩ biên phòng góp thêm một mùa xuân bình yên trên toàn tuyến biên giới.
Ấm tình quân dân nơi biên giới
Những ngày Tết, cán bộ chiến sĩ biên phòng không cho phép mình nghỉ ngơi nếu dân bản cần họ. Đó như là một sự mặc định trong tiềm thức. Đêm giao thừa, nếu nhận được tin người dân cần sự giúp đỡ, họ không quản ngại khó khăn đều kịp thời có mặt... Chính vì vậy, việc anh em chiến sĩ đón giao thừa trên đường tuần tra làm nhiệm vụ là chuyện hết sức bình thường. 70% quân số sẵn sàng ở lại đơn vị để trực Tết. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải hy sinh hạnh phúc riêng của mình vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Năm nào cũng vậy, cứ sau ngày 23 tháng chạp là các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Thủy lại tất bật đón khách trong không khí đầu xuân ấm cúng. Khách của đồn đa phần là người dân trong xã đến chúc Tết bộ đội biên phòng. Bằng tình cảm chân thành, bà con mang theo chai rượu vừa cất xong, hay chiếc bánh chưng tự tay làm, có khi chỉ mấy cân khoai lang mới thu hoạch, cành đào rừng vừa cắt… Có gia đình điều kiện, Tết đến mổ cả con lợn để đón mừng xuân mới cũng không quên biếu bộ đội một vài cân. Những vật chất tuy không lớn nhưng chan chứa tình cảm mà chẳng biết từ bao giờ, nhân dân đã dành riêng cho bộ đội biên phòng.
Ngoài kia, cái rét ngọt bao trùm cả không gian núi rừng, đâu đó lại có những hạt tuyết rơi khiến cái lạnh vùng cao càng thêm tê tái. Thế nhưng, thời tiết khắc nghiệt đến mấy cũng không thể ngăn được sự ấm áp của tình người. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã gác lại hạnh phúc riêng, coi niềm vui của bà con dân bản là hạnh phúc của mình và ngày đêm vững vàng tay súng bảo vệ sự bình yên cho miền biên cương cực Bắc của Tổ quốc.