Á Nam Trần Tuấn Khải - Danh nhân văn hoá dân tộc

06/08/2018 14:35

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài viết của GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam sẽ trình bày tại Hội thảo khoa học "Á Nam Trần Tuấn Khải - Danh nhân văn hoá dân tộc" tổ chức sáng 18/8/2018 tại Hội trường Bộ VH, TT&DL 51 - 53 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


1. Lịch sử vấn đề

Cách đây 5 năm sau khi Trung tâm nghiên cứu âm nhạc dân tộc chính thức ra đời, GS-AHLĐ Vũ Khiêu khuyên chúng tôi là nên tổ chức Hội thảo về Á Nam Trần Tuấn Khải (ảnh trên) vì ông này có đóng góp lớn cho văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng. Tiếp theo, tại cuộc họp mặt đầu xuân ở gia đình nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tại Nam Định, có Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định Phạm Hồng Hà dự, tôi trực tiếp đề nghị với Bí thư Tỉnh ủy Nam Định giúp đỡ để tổ chức Hội thảo Á Nam Trần Tuấn Khải tại quê hương ông. Bí thư Phạm Hồng Hà vui vẻ nhận tờ công văn và lời đề nghị của chúng tôi và mấy hôm sau, ông cho ý kiến chỉ đạo Sở Văn hóa Nam Định phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện.

Nhưng rồi ngày qua, tháng, năm qua bặt vô âm tín, mặc dù người của chúng tôi lên xuống Nam Định nhiều lần, thậm chí còn nhờ nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn An gọi điện nhắc Bí thư Tỉnh ủy Phạm Hồng Hà về cuộc hội thảo quan trọng này. Cuối cùng đành bỏ cuộc để tìm hướng khác. Chúng tôi tiếp cận với nhà thơ Lan Hinh - con gái cụ Á Nam Trần Tuấn Khải để bàn bạc việc phối hợp thực hiện cho được cuộc hội thảo về cụ Á Nam mà bao người nhiệt tâm đang chờ đợi. Chúng tôi đã nhiều lần đến thăm nghiêm minh đường cụ Á Nam tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và đã trao tặng giải thưởng Đào Tấn cho cụ Á Nam, đồng thời bàn bạc về cách tiến hành hội thảo khoa học Á Nam Trần Tuấn Khải tại thủ đô Hà Nội, nơi cụ đã từng sống, hoạt động cách mạng, hoạt động văn nghệ một thời gian dài kể cả ở tù Hỏa Lò và sáng tác ra rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc.


Trong quá trình triển khai hội thảo này, chúng tôi không chỉ “tam cổ thảo lư” mà đã “tứ, ngũ, lục cổ”. Hội nhà văn Việt Nam đề nghị liên kết tổ chức hội thảo về nhà văn, nhà thơ cách mạng Á Nam Trần Tuấn Khải, nhưng không được chấp nhận. Không phải chúng tôi không đủ cơ sở vật chất, không đủ tài năng viết bài tham luận về Cụ Á Nam mà muốn được thêm sức mạnh của Hội Nhà văn Việt Nam đối với một nhà thơ lớn mà từ hơn nửa thế kỷ qua không biết bao bài viết, tiếng nói ngợi ca tài năng và sự cống hiến của Á Nam Trần Tuấn Khải cho nền văn hóa dân tộc, thậm chí sau ngày Giải phóng miền Nam 4/1975 hai nhà thơ lớn Huy Cận và Xuân Diệu đã từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh thăm cụ Á Nam ngay trong bệnh viện. Và sự thực hôm nay, Hội thảo Á Nam Trần Tuấn Khải đã diễn ra tại hội trường sang trọng của Bộ Văn hóa và có hàng trăm nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ hai miền của đất nước và quê hương của cụ Á Nam tham dự... đã đánh giá rất cao tư tưởng cách mạng và tài năng, cũng như di sản văn học của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải.

2. Những di sản văn học nghệ thuật của Á Nam Trần Quang Khải

Từ lúc chúng tôi phát động cuộc hội thảo này, rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu nhiệt liệt tham gia, thể hiện rõ trong hơn 20 bài tham luận viết về một nhân vật lớn mang tâm hồn yêu nước thiết tha nhưng sống âm thầm kín đáo để che mắt thực dân mà chỉ bộc lộ tư tưởng cách mạng và tấm lòng yêu nước của mình trong thơ ca, tiêu biểu là bài Tiễn chân anh Khóa xuống tàu. Theo các nhà nghiên cứu thì Bài thơ Anh Khóa đã được hàng trăm nghệ sĩ từ hát Xẩm đến hát Chèo, ngâm thơ, đã hát suốt một thế kỷ qua, chưa kể dân gian cũng truyền miệng cho đến hôm nay. Thật hiếm thấy một tác phẩm thơ nào được phổ cập sâu, rộng và sống dai dẳng trong lòng nhân dân như vậy.

Bài thơ Anh Khóa không chỉ hay về ngôn từ, vần điệu mà còn hay và sâu  đậm dặc chất trữ tình với nội dung yêu nước, nửa kín nửa hở, nghĩa đen nghĩa bóng, làm cho người nghe phải suy ngẫm về hình tượng Anh Khóa ra đi tìm đường cứu dân cứu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... và biết đâu cả là Nguyễn Tất Thành Hồ Chủ tịch trên bến nhà rồng:
 
Anh Khóa ơi! Cái cuộc phân ly thấm thoát đã mấy năm rồi
 
Em mong, em nhớ, em ngồi, em nghĩ lại thương anh.
 
Trông bốn phương non nước những mênh mông
 
Giời Âu, bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao?
 
Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng bậc anh hào
 
Ngang trời, dọc đất, dễ nào anh chịu thua ai!
 
Chỉ tiếc thay cho anh sinh chẳng gặp thời.
 
Để tang bồng nặng gánh, anh phải ngậm ngùi mà bước chân ra
 
Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng một kiếp tài hoa
 
Bước đời xô đẩy, anh phải xông pha với bước phong trần
 
Ngọn gió năm châu rào rạt sóng duy tân
 
Tình nhà nỗi nước chiếc thân anh lo nghĩ đủ trăm chiều
 
.....
 
Tư tưởng yêu nước của Á Nam Trần Tuấn Khải còn bộc lộ rõ nhất trong bài Mừng anh Khóa về:
 
Anh Khóa ơi! Nhớ từ khi tiễn chân anh xuống tận bến tầu
 
Mấy mươi năm đằng đẳng em những ôm sầu trông đợi tin anh
 
Em giận thay cho lũ xâm lược nó gian manh
 
Nỡ đem quân gia võ khí đập phá tan tành Tổ quốc ta
 
Anh Khóa ơi! Cũng vì giang sơn mà anh phải lặn lội xông pha
 
Phất cờ cách mạng vì nước vì nhà trong bấy nhiêu niên
 
Anh quyết một phen làm cho động địa kinh thiên
 
Quét sạch quân xâm lược để dẹp yên đất nước sau này
 
...
 
Trước khi cho ra đời bài thơ “Gửi Anh Khóa” Á Nam Trần Tuấn Khải đã viết bài Hỡi cô bán nước, tác giả cũng thể hiện ý ngầm bằng giọng thơ có phần hài hước nhưng nội dung yêu nước được lồng vào thật kéo léo, đan xen trong nghĩa đen, nghĩa bóng nghe vui tai, thú vị, nhưng ngẫm ra đây là lời phê phán những kẻ theo Tây bán nước hại nhà.
 
... Hỡi cô bán nước kia ơi!
 
Dừng chân đứng lại cho tôi nhũ cùng.
 
Giờ hè đương lúc nấu nung
 
Nước đâu cô nỡ dứt lòng bán rao!
 
Bây giờ ai cũng khát khao
 
Khô gan, ráo cổ kêu gào nước luôn
 
Thế mà cô cậy cô khôn
 
Thừa cơ đem nước bán buôn kiếm lời!
 
Nước là của báu cô ơi!
 
Xưa nay không nước dễ đời còn chi!
 
Sao cô vụng chẳng hay suy?
 
Thế gian này có thiếu gì nghề xoay?
 
Người ta lấy khách lấy tây
 
Cũng sang trọng chán, cô rày không theo
 
Hỡi cô kiếm được bao nhiêu
 
Mà cô đem nước bán liều hỡi cô!
 
Nữa mai  bể cháy nước khô
 
Thân cô chết héo, thì cô bán gì???
 
Thôi, về gánh nước anh thuê
 
Đừng đi bán nước mà rề riếu đời
 
Hỡi cô bán nước kia ơi!!!
 
Á Nam Trần Tuấn Khải đặc biệt yêu thích thể loại Hát xẩm, ông đã giành riêng cho điệu hát này những bài này: Bác xẩm, Mong chồng, Bạc giấy, Nhắn khách, Sông Hương. Nghệ thuật trong di sản Hát Xẩm miền Bắc chưa có bài nào hay và phổ biến rộng như bài Hỡi cô bán nước của Á Nam Trần Tuấn Khải, được các nghệ sĩ hát Xẩm tài năng thể hiện suốt một thời gian dài.
 
Mới gần đây tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong đêm "Hát Xẩm Hà Thành" cuối năm 2010, có các vị lãnh đạo Lê Khả Phiêu, Phạm Quang Nghị... và gần 800 người xem, tiếng vỗ tay vang cả rạp hát, khi các nghệ sĩ Hát Xẩm biểu diễn hai tiết mục thơ Anh Khóa ơi và Cô bán nước của Á Nam Trần Tuấn Khải. Đêm Xẩm Hà Thành còn có sự tham gia biểu diễn của “bà chúa” hát Xẩm Hà Thị Cầu. Bà cũng tấm tắc khen các học trò của mình là Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa hát những bài Xẩm của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, mà ngày xưa bà đã hát không biết bao nhiêu lần ở sân đình, ở ngõ chợ và trên tàu điện Hà Nội. Thế mới thấy hết hiệu ứng tinh thần của tác phẩm thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải như thế nào. Nhà nghiên cứu Hoài An với hồi ức quen từ khi còn trẻ thơ được nghe hát những bài xẩm  của cụ Á Nam.
 
Những bài Xẩm của cụ Á Nam không chỉ theo thể lục bát mà còn viết nhiều biến thể để chuyển tải nhiều nội dung và để nghệ nhân hát được nhiều giọng điệu làm cho điệu hát Xẩm trở nên đa dạng, không nhàm chán, khi nghe người nghệ nhân nỉ non da diết những câu thơ của ông. Có thể nói sau Á Nam Trần Tuấn Khải, chưa có ai viết bài Xẩm nhiều và hay như ông, dù tài hoa như Nguyễn Bính cũng chỉ có một bài hát Xẩm hay là Trăng sáng vườn chè.
 
Nếu trong những bài Xẩm Anh Khóa ơi, Hỡi cô bán nước, tác giả thể hiện tư tưởng yêu nước, lòng căm thù thực dân Pháp và bọn Việt gian bán nước qua ngôn ngữ dân gian đa nghĩa, hoặc sử dụng thủ pháp giáng cách, ngôn từ ẩn dụ, nói bóng gió để người đọc, người nghe suy ngẫm thì những bài Kỷ niệm Hai Bà Trưng và Kỷ niệm anh em Tây Sơn... tác giả càng thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mình. Hai bài thơ lục bát cũng viết cho Xẩm thật hoàn chỉnh thể 6/8 để ngợi ca những bậc anh hùng dân tộc như:
 
Xa trông Hát thủy lờ đờ
 
Lòng ta vươn vấn bây giờ thương ai?
 
Thương cho đôi gái anh tài
 
Họ Trưng nổi tiếng con người quần thoa
 
Và... Bể đông cuốn nổi tăm kình
 
Hùm Tây, sói Bắc nép mình sợ oai
 
Đống Đa một trận kinh giới
 
Quân Thanh bao vạn chôn vùi như không
 
Máu cừu nhuộm đỏ non sông
 
Ngọn cờ độc lập bay tung cõi bờ
 
Một hai mở rộng dư đồ
 
Tứ Xuyên, Lưỡng Quãng, nối cờ Quang Trung
 
Làm cho dậy tiếng anh hùng
 
Cho nhân gian biết anh hùng là đây...
 


GS Hoàng Chương
 
3. Á Nam Trần Tuấn Khải với sân khấu dân tộc
 
Dường như dùng thơ ca chưa đủ để nói lên tấm lòng yêu dân yêu nước, Á Nam Trần Tuấn Khải còn sử dụng cả hình thức sân khấu, đặc biệt là chèo, môn nghệ thuật dân gian đặc sắc ở miền Bắc mà nhân dân vô cùng yêu thích.
 
Tháng 3 ngày 8 nằm queo,
 
Nghe giục trống chèo cố lếch đi xem
 
Á Nam Trần Tuấn Khải sáng tác vở bi hài kịch xã hội: Mảnh gương đời (La Miroir de La Vie) khi ông sống ở Hà Nội, tác giả kết thúc vở Mảnh gương đời: “Cho hay vinh nhục ở người/ Mảnh gương hoa để để cõi đời soi chung”. Như một thông điệp với cộng đồng xã hội trong thời kỳ văn hóa phương Tây xâm nhập vào đất nước ta ngày càng sâu. Vở Mảnh gương đời đã diễn trên sân khấu rạp chiếu bóng Hàng Quạt tháng 12 năm 1924 để mừng Hội tiết thường niên của bản hội đào kép, toàn hội viên biểu diễn rất thành công, quan khách rất đông, vỗ tay nhiệt liệt. Tiếp theo ông viết vở Trung hiếu lưỡng toàn ca ngợi những nhân vật lịch sử đời Trần như vua Nhân Tông, Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão trong việc chống giặc Nguyên - Mông. Vở chèo được cấu trúc màn lớp hợp lý, chặt chẽ, xây dựng tính cách nhân vật rõ ràng và ngôn ngữ văn học đẹp (chủ yếu là thơ) khá hay. Tác giả tỏ ra rất sành văn học chèo và âm nhạc chèo. Có một điều khá đặc biệt là những câu chèo trong vở Trung hiếu lưỡng toàn lại có thể hát tuồng được như nói lối, nói thường, hát nam. Xin dẫn chứng mấy câu:
 
Hưng Đạo Vương bạch (điệu hát không nhịp trong tuồng) thường là chữ Hán thể hiện oai phong của nhân vật:
 
Kim tinh ngọc tưởng thị tiền duyên
 
Cửu truyện đan thành bất kế niên
 
Nhân thế mạn đàm tu luyện thuật
 
Do lai trung hiếu tức thần tiên
 
Nói lối: Trần gia tranh cốt cách
 
Thế giới đại anh hùng
 
Họ hàng theo giõi Trần gia
 
Biểu tự ta là Quốc Tuấn…
 
Ghi tạc chớ sai lời vàng đá
 
Cha lui về từ giã cùng con
 
Thôi con ở lại nghe con
 
Giữ gìn đặng lấy vuông tròn
 
Vẻ vang cho nước phấn son cho nhà.
 
Sở dĩ có sự giống nhau: chèo và tuồng trong vở Trung hiếu lưỡng toàn là vì thời kỳ đầu thế kỷ 20 ở miền Bắc, những nghệ nhân chèo và tuồng như Bạch Trà, Diệu Hương, Quảng Tốn đều diễn được cả hai thể loại chèo và tuồng - kịch bản tuồng, họ có thể diễn chèo và ngược lại. Đầu TK 20 là thời kỳ sân khấu truyền thống ở miền Bắc bị khủng hoảng nghiêm trọng do phong trào cải lương ở Nam Bộ tràn ra thu hút khán giả rất mạnh, Á Nam Trần Tuấn Khải hoạt động văn nghệ ở Hà Nội và được phân công phụ trách khu nghệ thuật Hàng Quạt. Thực tế môi trường nghệ thuật này đã ảnh hưởng vào tư duy sáng tạo của nhà soạn tuồng Á Nam Trần Tuấn Khải. Cũng như Nguyễn Đình Nghị đã nghĩ ra hình thức Chèo cải lương để giành giật khán giả lúc bấy giờ.
 
Á Nam Trần Tuấn Khải là một người đa tài, làm thơ, viết chèo, viết Xẩm, chầu văn, ca trù... kể cả dịch thuật, thể loại nào ông cũng có những đóng góp lớn như đánh giá của các học giả Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Khê, Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Vũ, Hoàng Như Mai... và nhiều học giả khác đã được công bố trên nhiều quyển sách, tờ báo.
 
Là người tổ chức và chủ trì cuộc hội thảo quan trọng này, tôi vô cùng biết ơn những học giả, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ ở hai miền đất nước đã dày công nghiên cứu và viết ra những bài tham luận có chất lượng cao góp phần thành công cuộc hội thảo khoa học danh nhân Á Nam Trần Tuấn Khải, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông.
 
Nhưng có lẽ vì di sản của ông để lại cho đời, nhiều nhất là thơ và thơ hay, thơ yêu nước, yêu đồng bào, yêu cuộc sống, nên các tác giả tham luận đều gặp nhau một điểm thơ? Dĩ nhiên mỗi người có một nhận định khác nhau và có phương pháp luận khác nhau. Nhưng vì thời gian hạn hẹp của hội thảo nên đề nghị các nhà nghiên cứu lược  đọc, còn nguyên bản đã in trong tập kỷ yếu hội thảo và sau đó sẽ in thành sách để quảng bá rộng rãi  hơn.
 
Xin cảm ơn quý vị và các bạn. Chúc hội thảo thành công!
 
Gs Hoàng Chương

Bạn đang đọc bài viết "Á Nam Trần Tuấn Khải - Danh nhân văn hoá dân tộc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.