Theo sử sách, ngôi đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần. Đền Cờn trong thờ Tứ vị thánh nương - quốc gia Nam Hải đại càn thánh nương. Các thánh nương là 3 mẹ con công chúa nước Nam Tống là: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Đây là những nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân chúng làm ăn thịnh vượng và vượt qua hiểm nguy.
Toàn cảnh đền Cờn - Ảnh: Hồ Đình Chiến
Di tích đền Cờn gồm Đền Cờn trong và Đền Cờn ngoài.
Đền Cờn ngoài, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương. Đền thờ các vị thần như: Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu... Các vị thần này trước được thờ ở đền Cờn trong, song do quan niệm Nho giáo nam nữ bất đồng cung nên đến thời Lê đền thờ được xây riêng. Hai đền cách nhau gần 1km.
Về sự tích của ngôi đền được người dân trong vùng kể lại rằng: vào năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), quân Nguyên đánh úp quân Tống, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu - trung thần nhà Nam Tống - đem Vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sĩ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn, quân Nguyên truy sát gấp rút lại gặp sóng to gió lớn, vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông.
Thi thể 3 mẹ con công chúa trôi dạt vào cửa Càn. Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối, nhưng mặt mũi hồng tươi, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra một mùi thơm như lan, như quế lấy làm kỳ lạ. Dân làng chôn cất và lập miếu thờ, mỗi lần khi xuất hành ra khơi đến cầu khấn đều thấy linh nghiệm.
Du khách thập phương đến với lễ hội đền Cờn - Ảnh: Hồ Đình Chiến.
Chính vì sự linh thiêng của ngôi đền mà nhiều người dân thập phương trong ngoài tỉnh thường về đây để dâng hương, cầu nguyện. Lễ hội đền Cờn diễn được tổ chức ngày 19 - 21/1 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến Đền chiêm bái và tưởng nhớ công ơn của Tứ vị thánh nương. Lễ hội diễn ra rất nhộn nhịp với các hoạt động như: chạy ói, diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn…
2. Đền Quả Sơn
Đền Quả Sơn toa lạc tại chân núi Quả, thuộc làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.
Đền Quả Sơn là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị thần. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là Hoàng tử con trai thứ 8 của Vua Lý Công Uẩn. Người có công khai dân lập ấp, đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, mở mang ngành nghề phát triển kinh tế nông nghiệp vùng đất Hoan Châu cách đây 1.000 năm.
Theo các nhà sử học, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là một trong 9 danh nhân của đất nước Đại Việt. Với những công lao to lớn, những ân tình sâu nặng của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ dưới chân núi Quả Sơn tại xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương để hằng năm tổ chức lễ hội bày tỏ lòng tri ân với ông.
Trước đây, đền được xây dựng 7 tòa, 42 gian được tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn, được nhân dân quanh năm hương khói, thờ phụng. Trải qua những thăng trầm lịch sử với những biến cố của thời gian, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Quả Sơn đã trở thành một điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.
Năm 1995, đền được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia. Đền có thượng điện, trung điện, hạ điện nối liền với nhau thành chữ công thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; có tả vu thờ Đông Chinh Vương Lý Lực và hữu vu thờ Dực Thánh Vương là hai danh tướng của Lý Nhật Quang.
Lễ rước tại lễ hội đền Quả Sơn - Ảnh: Hữu Hoàn
Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20 tháng Giêng hằng năm. Không gian của lễ hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, gồm giao lưu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, vật, đánh cờ, đua thuyền....
3. Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã nằm ở thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, đền Bạch Mã được xây dựng từ thời Lê để thờ Phan Đà - vị tướng tài đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh ở thế kỷ XV. Thời điểm đó, Phan Đà đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa, sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh. Tướng Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh xã Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu tiêu diệt địch.
Toàn cảnh đền Bạch Mã - Ảnh: Hồ Đình Chiến
Trong một lần cải trang sang sông nắm tình hình của giặc, Phan Đà ghé vào buổi hát hội do dân làng tổ chức thì bị lộ. Một mình ông tả xung hữu đột với quân thù và bị chém trọng thương. Biết chủ mình lâm nạn, con ngựa chiến trung thành lồng lộn, hý vang trời phá vòng vây bơi qua sông trở về căn cứ và khi về đến căn cứ thì Phan Đà tắt thở.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà đã sắc phong cho ông làm “Đô thiên đại đế Bạch Mã Thưởng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, giao cho quan sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, tổ chức cúng tế hàng năm để tưởng nhớ ông, mà nhân dân thường gọi là đền Bạch Mã.
Đền Bạch Mã gồm tam quan, nghi môn, thượng điện, trung điện, hạ điện, tả vu, hữu vu. Đây là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo, bố cục hài hòa, được chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo. Trong điện còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật, đồ tế khí quý hiếm làm tăng thêm giá trị lịch sử, tâm linh của đền. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994.
Bên trong đền Bạch Mã hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm: nhà vàng, nhà bạc, bộ lục lạc bằng đồng (38 cái), tượng chim Phượng sơn son thiếp vàng...
Hằng năm nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ tế vào ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch.
4. Đền Cuông
Đền Cuông nằm trên núi Mộ Dạ, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, là ngôi đền thiêng thờ Thục An Dương Vương.
Toàn cảnh đền Cuông - Ảnh: Hồ Đình Chiến
Đền Cuông gắn với một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thục Phán - sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thục An Dương Vương. Sau khi lên ngôi, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến năm 208 trước công nguyên).
Năm 208 trước công nguyên, do mất cảnh giác, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu.
Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập miếu thờ ngài ở Cửa Hiền. Ở đó còn có ngôi mộ của công chúa Mỵ Châu.
Theo truyền thuyết, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, có những đốm lửa lập lòe trên sườn núi Mộ Dạ. Nhiều người nghĩ rằng đó chính là linh hồn của vua Thục muốn yên ngự trên sườn núi nên nhân dân đã lập đền thờ và rước linh hồn Ngài về đó để thờ phụng.
Ngày nay, đền Cuông vừa là một thắng cảnh, vừa là địa điểm tâm linh tín ngưỡng linh thiêng. Lễ hội Đền Cuông vào ngày 21- 23 tháng 2 âm lịch hàng năm cũng là một trong những lễ hội nổi tiếng ở tỉnh Nghệ An, thu hút người dân khắp nơi về tham gia.
5. Đền Đức Hoàng
Đền Đức Hoàng được xây dựng năm 1505 tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành.
Đền thờ Hoàng Tá Thốn - vị tướng có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XIII.
Một góc đền Đức Hoàng - Ảnh: Hồ Đình Chiến
Theo sử sách, Hoàng Tá Thốn sinh năm 1254, trong một gia đình làm nghề chài lưới ở thôn Vạn Phần (nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu). Vốn thông minh, dũng mãnh hơn người và tài võ nghệ, bơi lội nên vào năm 1285, khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2, ông được cử vào đội thủy quân thiện chiến và được phong “Nội gia thư” dưới quyền lãnh đạo của chủ tướng Trần Quốc Tuấn.
Năm 1288, khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 3, Hoàng Tá Thốn được giao trọng trách thống lĩnh hàng vạn quân thủy và tàu chiến, trận chiến thắng thủy quân ta với chiến thuật lặn sâu đục thuyền giặc, phá tan chiến thuyền của tướng Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp trên sông Bạch Đằng đã góp phần to lớn làm nên đại thắng đuổi giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi.
Sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, Vua Trần Nhân Tông đã phong cho Hoàng Tá Thốn chức “Sát Hải Đại Vương” thống lĩnh quân đội phòng giữ vùng duyên hải.
Khi vinh quy bái tổ, thấy cảnh xóm làng tiêu điều, dân tình khổ cực, ông đã đưa dân cư ven biển Vạn Phần lên vùng đất Yên Thành khai hoang, lập làng.
Vào những dịp lễ, tết và rằm, người dân nhiều nơi lại về đây dâng hương cầu nguyện - Ảnh: Hồ Đình Chiến
Ông là một vị tướng tài ba, có công với nước với dân nên khi ông mất đi triều đình đã cho lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Đức Hoàng ở Yên Thành hiện là Đền Hoàng cổ kính, thiêng liêng nhất.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, năm 1997 Bộ VHTT đã công nhận đền Đức Hoàng là di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Lễ rước trong lễ hội đền Đức Hoàng - Ảnh: Hồ Các.
Lễ hội đền Đức Hoàng năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng Giêng và mồng 1, mồng 2 tháng 2 âm lịch (tức từ ngày 8 - 10/3/2016) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa vùng, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến tri ân, thăm viếng.
(Theo Nghệ An Online)