20 năm gieo chữ cho trẻ vạn đò

06/07/2016 22:37

Theo dõi trên

Bằng tình yêu thương con trẻ, một thầy giáo đã mở lớp học tình thương để dạy chữ trẻ em nghèo, mồ côi... Gần 20 năm trôi qua, người thầy giáo giàu lòng nhân ái đó đã qua đời, song lớp học vẫn được nối tiếp do chính các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế đứng lớp.

Khi thành phố lên đèn, ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Tô Hiến Thành (phường Phú Cát, thành phố Huế) lại râm ran tiếng học bài của con trẻ. Lớp học có khoảng 35 em, đủ lứa tuổi, học từ lớp 1 đến lớp 9. Đa số các em đến học đều thuộc gia đình khó khăn, lao động nghèo ở khu vực tái định cư dân vạn đò. Bố mẹ các em là dân lao động, đầu tắt mặt tối làm ăn nên bỏ bê chuyện học của con, học được chừng nào hay chừng ấy, học không được thì ra đời bươn chải giúp gia đình.
 
 
Sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Huế dạy ở lớp học tình thương Phú Cát

Thấu hiểu khát khao được đến trường của con trẻ, gần 20 năm trước, thầy Vĩnh Thiều, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Huế, đã mở lớp học tình thương ngay tại nhà mình. Sự kiên nhẫn của người thầy khi chăm chút con chữ cho các em khiến người dân nễ phục. Con họ tiến bộ hẳn, không còn ham chơi, lêu lổng, tối đến là cắp sách vở đến lớp thầy Thiều để học. Tiếc rằng, chỉ mới  2 năm, người thầy ấy qua đời, tâm nguyện dành trọn thời gian tuổi già chăm bẵm con chữ cho trẻ em nghèo đành dang dở. Thầy mất, bọn trẻ vẫn không bỏ lớp, vợ thầy vừa thương bọn trẻ, vừa muốn thực hiện tâm nguyện của chồng nên mời giáo viên về dạy. Tuy nhiên, lớp học chỉ duy trì một thời gian vì vợ thầy không kham nổi khoản chi phí phải trả hàng tháng.

Khi biết tin lớp học phải giải tán, những học trò của thầy Thiều đã tiếp tục thực hiện nguyện vọng của người thầy quá cố. Hội Sinh viên Khoa Tin học Trường Đại học Sư phạm Huế đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Lớp học tình thương Phú Cát để duy trì việc dạy học, với gần 20 tình nguyện viên thay nhau đứng lớp; mỗi buổi học có từ 3 - 5 sinh viên dạy cho các em. Lớp học cũng bắt đầu nhận được sự hỗ trợ về vật chất của những lứa học sinh đàn anh. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc, hỗ trợ thêm một số bộ bàn cũ, nên cả 42 học sinh hôm nay đều có chỗ ngồi rộng rãi. Mỗi tuần lớp tập trung 6 giờ với 3 buổi tối. Ở đây, các em được làm bạn cùng các anh chị sinh viên, được rèn thêm con chữ và nhất là được hết mình trong nhiều trò chơi vui nhộn, lành mạnh do chính các anh chị sinh viên hướng dẫn… Hiện nay, các em nhỏ ở đây hầu hết đã có thể đến trường nhưng không có điều kiện đi học thêm. Anh em ruột Dương Gia Huy (11 tuổi) và Dương Ngọc Tín (14 tuổi) không có điều kiện học thêm như chúng bạn cùng lớp. Cứ đến tối thứ hai, tư, sáu thì hai anh em lại chở nhau trên chiếc xe đạp từ đường Bạch Đằng đến đường Tô Hiến Thành để học. Em Dương Gia Huy hồn nhiên cho biết: “Đây là năm thứ 2 em theo học ở nhà cô Dung, do các anh chị sinh viên đứng lớp. Các anh chị rất nhiệt tình chỉ bài cho em và các bạn. Từ ngày đến với lớp học, em không còn mê chơi game nữa, việc học của em cũng ngày càng tiến bộ hơn”.

Căn phòng vỏn vẹn chưa đầy 4m2, được dựng lên từ mái hiên của nhà thầy. Mỗi khi mưa gió ùa vào là các em bị lạnh hoặc ướt cả sách vở. Nhưng tính hiếu học và sự ân cần của các giáo viên trẻ đã nhóm lên ngọn lửa hiếu học trong lòng các học trò nghèo. Trong lớp, các cô luôn ân cần chỉ từng con chữ, nếu tan học muộn quá, sợ các em về nhà không an toàn thì mỗi người lại chia nhau đưa một vài em nhỏ đi về. Sinh viên Nguyễn Thị Dung (quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An) xúc động: “Nhìn các em nghèo thiếu từng cây bút, tập sách, em thương lắm”.

Nguồn quỹ hoạt động của lớp tình thương Phú Cát chủ yếu do các bạn sinh viên làm thêm dịch vụ photo, in, bán phế liệu... Cô Ái Dung vẫn còn nhiều ưu tư: “Tôi  không biết có thể đưa đường giúp bọn trẻ nghèo được bao năm nữa, nên điều quan trọng nhất là làm sao để bọn trẻ có thêm được càng nhiều càng tốt sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Tất cả là nhờ nhiệt huyết tuổi trẻ của các bạn sinh viên, nhờ sự chung tay của các nhà hảo tâm. Tôi chỉ mong ngày càng có thêm nhiều người đồng cảm và chia sẻ cùng các em".

(Theo SGGP Online)

HUẾ THU
Bạn đang đọc bài viết "20 năm gieo chữ cho trẻ vạn đò" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.