20 năm bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội

18/08/2015 07:50

Theo dõi trên

Chiều 17/8, tại Trung tâm thông tin Hồ Gươm, Ban quản lý Khu phố cổ Hà Nội đã tổng kết 20 năm chỉnh trang, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ.

Từ giai đoạn 1993-1995, bắt đầu dự án “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển” của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng), khu phố cổ Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn chỉnh trang, tôn tạo.

Từ năm 1999, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc quản lý xây dựng, tôn tạo và bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, làm cơ sở để bước đầu gắn quản lý kiến trúc khu phố cổ Hà Nội với quản lý trật tự xây dựng.



 
Năm 2010, mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án thí điểm, cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện. Công trình được lát đá đưa vào sử dụng ngày 11/11/2011.

Cũng kể từ năm 1999, nhiều dự án hợp tác bảo tồn, trùng tu nhà cổ trong khu phố cổ đã được thực hiện với đối tác nước ngoài, như thành phố Toulouse (Pháp) hỗ trợ trùng tu đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào, xã hội hóa dự án xóa bỏ, cải tạo hố xí thùng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, nước, viễn thông, vùng Thủ đô Bruxelles (Bỉ) hỗ trợ nâng cao điều kiện sống cho người dân phố cổ thông qua việc bảo tồn, tôn tạo…

Năm 2004, khai trương phố đi bộ từ Hàng Đào đến Đồng Xuân gắn với chợ đêm Đồng Xuân. Cũng trong năm 2004, thêm nhiều công trình ổ đã được trùng tu theo kiến trúc truyền thống như nhà 19 Hàng Đồng, 51 Hàng Bạc, 135 Hàng Bạc, 105 Hàng Buồm…

Năm 2006-2007, tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ chỉnh trang mái hiên, mái che, mái vẩy gắn với sự tham gia của cộng đồng vào quản lý kiến trúc, quy hoạch phố cổ…

Giai đoạn từ năm 2008 cho đến nay, thêm nhiều công trình nữa được giải phóng mặt bằng, cải tạo, trùng tu như đền Quan Đế, đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, đình Đông Thành, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, Hội quán Phúc Kiến…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa được duy trì và biến khu phố cổ trở thành điểm đến hấp dẫn như chợ hoa Tết Hàng Lược, hoạt động văn hóa đường phố, các Câu lạc bộ ca trù, biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong các di tích…

Trong thời gian tới, ban quản lý Khu phố cổ Hà Nội xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có tu bỏ tôn tạo 100% các công trình di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, bảo tồn các cồng tình nhà ở có giá trị kiến trúc, cải tạo không gian công cộng, tiếp tục cải tạo hạ tầng, từng bước tổ chức lại giao thông trên địa bàn để khu phố cổ trở thành không gian đi bộ gắn với Hồ Hoàn Kiếm, hấp dẫn khách du lịch, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để khu phố cổ trở thành trung tâm văn hóa của cả nước./.

Theo Trà My/VOV.VN

Bạn đang đọc bài viết "20 năm bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.