2 cây cổ thụ xứng đáng là cây di sản

20/07/2015 14:49

Theo dõi trên

Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cây di sản phải là cây sống trên 200 năm, cao trên 40 m, chu vi trên 6 m và có hình dáng đặc sắc... Đặc biệt, ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.

Ở TX. Cai Lậy, cây da miếu Bảy Bà và cây thị mộ Ông Tang có tuổi thọ hơn 200 năm, nhưng do không được bảo vệ nên ngày càng bị hủy hoại dần. Đây là 2 cây cổ thụ gắn liền với di tích lịch sử, có thể xếp hạng cây di sản.


Cây thị bên mộ ông Tang.
Cây da ghi dấu nơi khai sinh chợ Cai Lậy

Cây da tại khu 5, phường 5, TX. Cai Lậy, dưới gốc da là miếu Bảy Bà. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đây là ngôi miếu cổ thờ Thất tinh Tiên nữ (tức 7 cô tiên giữ vườn đào trong truyện Tây du) theo tín ngưỡng người Hoa - Minh hương.

Còn chợ Cai Lậy do vợ chồng ông Cai tổng (hay Cai cơ) Huỳnh Tấn Chiêu lập. Chưa rõ lai lịch cụ thể của ông, song ngôi mộ ông hiện còn ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, dân gian gọi nôm na là mả ông Cai Chiêu.

Chợ Cai Lậy bấy giờ nằm trên đất Hữu Hòa - Thanh Sơn thôn. Xưa phát triển chợ thường gắn với đường thủy nên có thể phỏng đoán ngôi chợ lập vào khoảng sau năm 1785, tức từ sau khi kinh Bà Bèo được đào thông với sông Ba Rài.

Năm 1792 chúa Nguyễn đắp đường Thiên Lý từ Gia Định xuống miền Tây qua chợ Cai Lậy. Thế nên chợ Cai Lậy trở thành “trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập” như sách Gia Định thành thông chí mô tả. Đến đời Minh Mạng, Hữu Hòa - Thanh Sơn, thôn được nhập lại lấy tên là Hòa Sơn, thuộc huyện Kiến Đăng.

Tháng 4-1861, sau khi chiếm thành Định Tường, quân viễn chinh Pháp đưa pháo hạm đến xứ Bang Lãnh bắn phá đồn Mỹ Trang, chiếm huyện lỵ Kiến Đăng. Ngày 5-7-1867, thực dân Pháp xóa Nam kỳ lục tỉnh, các hạt Thanh Tra (Inspection) chuyển thành các hạt Tham Biện (Arrondissement) trực tiếp điều khiển các địa phương.

Khoảng năm 1882, làng Hòa Sơn bị cắt đôi thành 2 làng: Làng Hòa Sơn nằm bên phải rạch Ba Rài và làng Thanh Sơn bên trái. Đến năm 1911, chợ Cai Lậy được dời về phía Bắc cầu đúc Cai Lậy. Ngày 24-11-1932, chính quyền thực dân nhập 2 làng Thanh Sơn và Hòa Sơn thành làng Thanh Hòa.

Chợ Cai Lậy trải qua mấy lần dời đổi, nhưng ký ức trong dân gian còn ấn tượng với cây da bến đò của ngôi chợ cũ ngày xưa. Từ đó có thể phỏng định cây da ở miếu Bảy Bà có tuổi thọ ít nhất 220 năm trước. Đặc biệt, đây là giống da bản địa, khác với những họ hàng da thuộc loại di thực, ngoại nhập sau này.

Những bậc cao niên ở gần đó cho biết, trước năm 1975 cây da tỏa bóng mát một vùng rộng khoảng 1.500 m2. Gần đây, do tình trạng thiếu đất ở nên người dân tìm cách chặt phá bớt cành nhánh, lấn chiếm dần. Hiện nay, chu vi tán cây chỉ còn khoảng vài trăm mét vuông, gốc rễ bị chặt phá tứ phía, nhưng đường kính gốc còn vẫn hơn 10 m.

Mặt khác, do thiếu quan tâm chăm sóc nên có nhiều loại cây ký sinh mọc trên thân cây, nhất là cây bồ đề “chùm gởi” ngày một to, có khả năng lấn át cây chủ. Nếu không có biện pháp bảo vệ, di sản liên quan đến lịch sử ra đời và phát triển trung tâm thương mại TX. Cai Lậy thời hiện đại sẽ không tồn tại.

Cây thị 200 năm tuổi

Đó là cây thị trong ngọn rạch Ông Tang ở ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, bên khuôn viên khu mộ của vợ chồng ông Lê Phước Tang. Đây là giống cây quý hiếm khó tìm thấy ở địa phương. Song quan trọng là nó gắn liền với lịch sử và giai thoại của vùng đất Cai Lậy - rạch Ông Tang.

Ông Tang tên thật là Lê Phước Tang, nguyên là Chánh quản đồn điền, dẫn đoàn người từ miền ngoài vào Nam khai hoang lập nghiệp, lập nên làng Hòa Thuận (một phần xã Long Khánh hiện nay). Ngoài ông Phan Văn Hiệu (rạch Ông Hiệu, nay đã lấp) thì ông Tang là một trong những bậc tiền hiền khai khẩn vùng đất xung quanh TX. Cai Lậy ngày nay.

Lúc bị Tây Sơn truy đuổi, chịu đói, chịu khát, chúa - tôi Nguyễn Phúc Ánh đến vùng này. Nhờ mấy cụ chỉ bảo, họ tìm đến nhà Lê Phước Tang. Đoàn người lưu lại đây mấy ngày. Trước khi giã từ, chúa - tôi Nguyễn Phúc Ánh bớt một số hành lý cồng kềnh gởi lại nhà ông Tang.

Ông Tang tặng một số tiền lớn làm lộ phí cho đoàn người. Hành động hào hiệp của chủ nhà làm Nguyễn Ánh cảm động, lấy khống chỉ phong cho ông Tang làm Khâm sai Cai cơ. Tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức năm 1779 ông Tang qua đời. 2 người con là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa đứng ra lập mộ cha.

Năm 1785, sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã làm chủ nhiều làng dọc theo sông Ba Rài, được 2 người con trai ông Tang hỗ trợ lúa gạo cho quân Tây Sơn. Mãi đến năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, gởi chiếu chỉ tìm Lê Phước Tang để đền ơn. Trong làng có người thù oán đã dâng sớ tố cáo hành động “phản bội” của 2 cậu con trai ông Tang. Gia Long tức giận ra lệnh tịch thu toàn bộ gia sản của gia đình họ Lê cấp cho tiền quân Tôn Thất Hội.

Còn việc mặc long bào đi ruộng, mang tội khi quân nên bị tru di, xiềng mả và trồng cây thị trước mộ chỉ là giai thoại dân gian. Theo một số bô lão ở địa phương, có lẽ đây là cây thị còn sót lại trong số cây trồng làm hàng rào bao quanh khu mộ của ông.

Nếu tính từ năm ông Tang qua đời thì cây thị này có tuổi thọ hơn 200 năm và là một cây cổ thụ rất hiếm ở đất Nam bộ. Gần đây, có một số người đã tới dòm ngó, song không thể bứng vì nó quá to, gốc rễ đã ăn sâu vào trong ngôi mộ ông Tang và có người đến tìm cách chiết nhánh để gây giống.

Kinh tế vườn phát triển, đô thị hóa lại tăng nhanh, nhiều giống cây bản địa trở nên hiếm hoi, những cây cổ thụ gắn liền với di tích địa danh càng vắng bóng. Vì lẽ đó, thiết nghĩ chính quyền và Hội Sinh vật cảnh địa phương nên có kế hoạch bảo vệ cây thị và cây da nói trên trước khi lập hồ sơ xin công nhận là cây di sản.

Theo Nguyễn Ngọc Phan (Báo Ấp Bắc)

Bạn đang đọc bài viết "2 cây cổ thụ xứng đáng là cây di sản" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.