Yên Khê: Trồng cam mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao

19/12/2016 09:39

Theo dõi trên

Yên Khê là một xã miền núi của huyện Con Cuông (Nghệ An), có diện tích chủ yếu là đồi núi. Để phát triển kinh tế luôn là một bài toán khó trong công tác chỉ đạo của địa phương, song mấy năm gần đây việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cam vào sản xuất đã cải thiện phần nào cuộc sống của người dân nơi đây.

Chúng tôi có mặt tại xã Yên Khê vào thời điểm cuối năm, thời điểm mà bà con trong xã đang thi nhau thu hoạch cam. Bên cạnh những vườn cam nặng trĩu quả, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt vui tươi, phấn khởi, hân hoan của người dân khi cam được mùa.

Mặc dù thời tiết lạnh cắt da, cắt thịt nhưng sự nhiệt tình của cán bộ, sự hân hoan, phấn khởi của người dân nơi đây đã tạo thêm động lực cho chúng tôi thực hiện một cuộc hành trình thăm mô hình cam của các hộ gia đình.

Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình trồng cam trên địa bàn xã là Chủ tịch UBND xã Vi Văn Đậu. Hành trình cùng bước chân là những lời tâm sự, chia sẻ chân thành của ông Đậu. “Làm nông nghiệp vất vả lắm nhà báo ạ!. Từ khi trồng đến khi thu hoạch người dân đứng trước muôn vàn nỗi lo. Trời nắng thì đất khô, cây chết còn mùa mưa thì quả rụng nhiều, năng suất không cao. Nhưng năm này, như thế là tạm ổn rồi”, ông Đậu tâm sự. 

 


Tập trung sản xuất, phát triển thương hiệu cam Yên Khê - Ảnh: P.V

 
Cũng theo ông Đậu, hiện nay toàn xã có 192 ha trồng cam. Trong đó, 17 ha là cam kinh doanh. Năng suất đạt 150 tạ/ha đem lại mức thu nhập từ 500 – 600 triệu, trừ chi phí còn 400 – 500 triệu/ha.

Cách đây 5 năm, thu nhập bình quân của xã chỉ đạt 6 triệu 800 nghìn/người/năm thì năm 2016, đạt 19 triệu 800 nghìn/người/năm. Con số này có thể còn khá “hạn chế” so với một số địa phương, nhưng đặc thù là xã miền núi với muôn vàn khó khăn, sự thay đổi bước đầu như vậy là điều đáng ghi nhận.

Cũng theo ông Đậu, thành công ngày hôm nay là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như: Đường sá, giao thông thuận lợi cho việc thu mua cam. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện địa phương đã nhận được sự hỗ trợ giống từ nhà nước; được cán bộ huyện tập huấn tiến bộ khoa học – kĩ thuật, một năm 2 lớp, đưa ứng dụng vào thực tiễn. Nhưng quan trọng vẫn là đức tính cần cù, chịu khó của con người nơi đây.




Xen kẽ với trồng cam, người dân Yên Khê đã trồng thêm cây chè, cây ăn quả khác; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm lấy cái ngắn hạn nuôi cái dài hạn - Ảnh: P.V


Khi được hỏi về kế hoạch phát triển loại cây chủ lực này trong những năm tới, ông Đậu cho biết thêm: “Năm 2017, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất lên 200 ha, có 20 ha là cam kinh doanh. Hiện nay, địa phương chưa thành lập HTX để sản xuất tập trung. Vì vậy, Yên Khê sẽ cố gắng thành lập HTX để sản xuất có hiệu quả. Đồng thời, tham mưu, đề xuất lên các cấp lãnh đạo thành lập nhà máy vắt cam.

Những quả cam được chính bàn tay cần cù, chịu khó của người nông dân Yên Khê trồng, chăm hái giờ đây đã có cái tên riêng của mình. Cam Yên Khê vốn có vị thơm ngon, là sản phẩm sạch, canh tác không sử dụng hoá chất, nên mọi người cứ yên tâm tin dùng. Ai chưa một lần dùng cam Yên Khê thì xin mời dùng thử. Ai đã một lần ăn thử thì nhớ mãi không quên.

Thuận Yến

Bạn đang đọc bài viết "Yên Khê: Trồng cam mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.