Xuân về trên làng trồng đào Cẩm Hưng

05/01/2017 09:06

Theo dõi trên

Thời gian này, người dân trồng đào xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang tích cực chăm sóc, bảo vệ hoa. Với vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, đào phai Cẩm Hưng đã và đang ngày càng hấp dẫn nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đem về nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.



Hoa đào khoe sắc đón xuân - Ảnh: P.V

Chúng tôi về thăm xã Cẩm Hưng vào những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, chút nắng nhẹ cuối đông còn vương lại trong làn hơi xuân dịu nhẹ. Dọc 2 bên đường chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ rực rỡ của những cành đào đang bung nở khoe sắc đón xuân. Từ lâu, hoa đào Cẩm Hưng đã trở thành “món ăn tinh thần” đối với người dân nơi đây và du khách thập phương trong những ngày tết đến, xuân về.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, làng đào Cẩm Hưng trở nên nhộn nhịp. Người dân trong làng đang gấp rút những công đoạn chăm sóc cuối cùng để chuẩn bị cung ứng hoa cho thị trường Tết.

Hiện, toàn xã có khoảng 350 hộ trồng đào, trong đó hộ nhiều là 600 gốc, hộ ít cũng tới 50 gốc đào…
 
Chia sẻ về việc cây đào bén duyên với người dân xã Cẩm Hưng, ông Nguyễn Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phong trào trồng đào phục vụ Tết bắt đầu cách đây khoảng 15 năm. Trước đây, bà con trồng ít chủ yếu là ăn quả và phục vụ trong gia đình. Dần dần người dân thấy chất đất Cẩm Hưng phù hợp với loại cây trồng này nên đã nhân rộng diện tích, tăng số lượng gốc đáp ứng nhu cầu chơi đào tết cho khách hàng xa gần. Đồng thời, tạo việc làm, chuyển đổi cây trồng nâng cao thu nhập cho người dân”.

Theo chân ông Dũng, chúng tôi tới thăm mô hình trồng đào của gia đình ông Hà Huy Thắng, trú tại thôn 9, xã Cẩm Hưng. Chỉ cho chúng tôi về thành quả lao động của mình, ông Thắng bảo: “Gia đình trồng hơn 300 gốc đào. Giá bán mỗi gốc đẹp, to khoảng 6 - 7 triệu đồng, còn những gốc nhỏ hơn giá bán 400 – 500 nghìn/gốc. Các năm trước thu nhập trên 100 triệu/năm, năm nay nếu thời tiết thuận lợi, đào ra hoa đúng dịp gia đình sẽ thu nhập khoảng 80 triệu đồng”.




Năm nay nếu thời tiết thuận lợi, đào ra hoa đúng dịp gia đình ông Hà Huy Thắng sẽ thu nhập khoảng 80 triệu đồng - Ảnh: P.V


Khi được hỏi về quá trình chăm sóc, ông Thắng cho hay: “Chăm sóc cây đào thì trải đều trong năm. Vất vả nhất là giai đoạn chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Đầu tháng 11 cho đến Tết chúng tôi phải làm cỏ, vặt lá, tỉa cành để đào nở đúng dịp. Trồng đào thường không tốn nhiều chi phí đầu tư, công lao động cũng ít nhưng nó phụ thuộc cả vào thời tiết. Thời tiết không mấy thuận lợi thì xem như trắng tay”.

Cũng ở thôn 9, gia đình ông Nguyễn Đình Thoả nổi tiếng là hộ trồng nhiều đào tại thôn. Với hơn 500 gốc mỗi dịp Tết đã đem lại cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thời điểm này, tại các vườn đào ở thôn 9 đã được nhiều thương lái ở TP Vinh, TP Hà Tĩnh, Đà Nẵng… Và các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn đến tận vườn đặt mua. Người dân các thôn 5, 7, 8 cũng hết sức phấn khởi, háo hức chờ tết đến để xuất bán những gốc đào dày công chăm sóc gần 1 năm qua.

Nói về kế hoạch hỗ trợ bà con trồng đào tại địa phương, ông Dũng cho biết thêm: “Hầu hết các hộ gia đình trồng đào là do tự phát. Vì vậy, sắp tới chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch hướng dẫn bà con tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc đào. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giống, phân bón cũng như thị trường để bà con yên tâm mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế…”

Với đặc trưng: hoa đơn, màu sắc không thắm đỏ như đào Nhật Tân nhưng lại có nhiều hoa, mùi hương đặc biệt xen lẫn nhiều lộc non nên đào phai Cẩm Hưng rất được mọi người ưa chuộng. Phải khẳng định rằng đó là loài hoa rất nhẹ nhàng, đằm thắm dễ đi sâu vào lòng người.


Hải Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Xuân về trên làng trồng đào Cẩm Hưng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.