Xe lôi - "xe vua" ở vùng biên giới Đồng Tháp

12/03/2018 16:23

Theo dõi trên

Tôi đến Sa Rài, huyện lỵ của huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) rất nhiều lần. Cảnh tượng không có nhiều đặc biệt so với những thị trấn vùng biên lân cận ngoài những chiếc xe lôi lặng lẽ xuôi ngược. Xe lôi được nhiều người dân bản địa gọi là 'xe vua', vì lẽ ngồi trên chiếc này thì sướng như vua!


Xe lôi gắn liền với cuộc sống thường nhật

Không nhiều như “thủ phủ” xe lôi ở Châu Đốc, Tân Châu, tỉnh An Giang, với hàng trăm chiếc xe lôi tập trung nhiều tại các địa điểm du lịch, phục vụ nhu cầu thoáng qua của du khách - xe lôi ở Sa Rài tôi áng chỉ còn chừng chục chiếc nhưng nó gắn liền với cuộc sống của người dân thị trấn. Những bà nội trợ đi chợ huyện lỉnh kỉnh đồ ăn, đồ hàng hay dăm bảy đứa trẻ con đi học, vài người già khám bệnh về... đều nhờ đến loại xe này.

Thực ra, xe lôi ở các đô thị của vùng đồng bằng châu thổ này không hiếm, người ta vẫn bắt gặp ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Bến Tre hay Trà Vinh, Sa Đéc..., nhưng hình ảnh chiếc lôi ở Sa Rài cứ mang đến cho tôi những ấn tượng khác lạ, có lẽ vì vị thế vùng biên giới tận cùng xa xôi của mảnh đất này. Nó xa xôi và hẻo lánh hơn tất thảy những đô thị vùng biên khác, dù trên bản đồ địa giới, nó không phải là điểm xa nhất.
 
Và điều bất ngờ nhất chính là chủ nhân của nó, những người đạp xe lôi. Trái với suy nghĩ của tôi, họ đều là những người già, nhìn khá ốm yếu. Có lẽ, những người khỏe mạnh, họ bị lôi kéo lên thành phố để vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp hết rồi. Hoặc có thể, đây là những người hiếm hoi dành cả đời gắn bó với xe lôi, với mảnh đất này. Họ đến đợi khách cho chuyến xe sớm mới từ dưới Long Xuyên, Hồng Ngự đi lên, hay những món hàng mà khách gửi cho người dân đâu đó quanh thị trấn.
 
Ở Sa Rài, xe lôi có thể thay thế được các phương tiện như xe ôm (thồ), xe ba gác vì nó có thể chở người, chở hàng. Thế nhưng, để điều khiển cả cỗ xe kéo và những món hàng cồng kềnh cũng không hề đơn giản, nhất là hàng hóa nông, thủy sản nặng nề.
 

Bức tranh biên giới đẹp đẽ, êm đềm
 
Khi nhìn những chiếc xe lôi nhỏ bé, được kéo đi bởi những đôi chân già nua khẳng khiu trong lất phất mưa biên thùy, tôi mới chợt hiểu rằng, biên giới còn đẹp đẽ và đáng trân quý hơn bởi những con người lao động nơi đây. Chính những con người này cùng với công việc mưu sinh quen thuộc của mình mới là gam màu vẽ nên bức tranh biên giới đẹp đẽ, êm đềm và bền bỉ.
 
Tôi hay bị ám ảnh bởi những điều bình thường, những con người bình thường, trên đâu đó cung đường lang bạt riêng mình. Và hình ảnh người già lái xe lôi ở Sa Rài buổi sáng ấy là điều ám ảnh nhất. Tôi ám ảnh bởi có thể lần sau quay lại Sa Rài trong một ngày mưa, biết đâu, mình sẽ mãi mãi không bao giờ còn bắt gặp những con người ấy và chiếc xe lôi cũ kỹ ấy nữa.
 
Bởi cũng như cỗ xe lôi già nua sơn màu xanh đỏ có cái yên gỗ mòn vẹt kia, chủ nhân của nó có thể dừng nhịp quay của mình bất cứ lúc nào, giữa khoảng cách những lần về Sa Rài không định trước của tôi. Rồi có lẽ, tôi sẽ quên Sa Rài, như bao thị trấn, thị xã khác mà bước chân lang bạt mình từng đi qua, nếu không có những vòng quay của chiếc xe lôi ấy. Những chiếc xe lôi có lẽ là cuối cùng của dải đất này.
 
Đoàn Đại Trí
Theo Giáo dục & Thời đại

Bạn đang đọc bài viết "Xe lôi - "xe vua" ở vùng biên giới Đồng Tháp" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.