Xây dựng con người Việt Nam - nguồn lực đổi mới

23/11/2021 11:24

Theo dõi trên

Để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đất nước bước sang một giai đoạn mới thì lực đẩy văn hóa cần phải đặt đúng “vị trí”, đúng “tầm”. Một trong những yêu cầu đặt ra là phải xây dựng và triển khai Hệ giá trị Quốc gia - tập trung xây dựng Hệ giá trị con người Việt Nam - nguồn lực cho đổi mới.

1045-anh-co-to-quoc-1637641451.jpg
Ảnh minh hoạ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ rõ: Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa gồm các giá trị vật thể, phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam.

Tại Đại hội lần thứ 13,  Đảng ta xác định: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại". Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: Xây dựng "văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" có thể hiểu là xây dựng những giá trị chuẩn mực Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam có đạo đức và tinh thần nhân văn, có trách nhiệm với dân tộc, với vận mệnh đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Con người và văn hóa sẽ đi theo kinh tế, cho nên chúng ta phát triển văn hóa-con người thì kinh tế sẽ càng phát triển. Bởi con người là một yếu tố chung, gắn bó giữa kinh tế-văn hóa-xã hội. Thứ hai, đứng trước toàn cầu hóa, nếu chúng ta không đặt trọng tâm vào con người thì không biết chúng ta sẽ đi về đâu? Một điều nữa đó là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay sự phát triển của Robốt thì vấn đề con người ở đâu? Vấn đề con người và vấn đề văn hóa sẽ đi song song với nhau giữa kinh tế và văn hóa, đồng thời là điều kiện toàn tại trong điều kiện hiện nay” - ông Phan Thanh Bình cho biết.

Văn hóa - nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Văn hóa ở đây chính là xây dựng hình mẫu con người mới xã hội chủ nghĩa có tri thức, đạo đức, lối sống và thẩm mỹ cao.

“Vấn đề xây dựng con người là vấn đề cốt lõi. Không có con người thì làm sao xây dựng được đất nước. Lý luận thì rõ rồi. Con người là nhân tố quyết định, yếu tố quyết định. Nhưng về mặt thực tiễn, con người chỗ nào cũng bạo lực, ở đâu cũng tham nhũng thì làm sao giải quyết. Do đó, văn hóa ở đây chính là chuyện con người. Xây dựng con người phải đặt lên hàng đầu” - Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho biết.

Để xây dựng con người Việt Nam toàn diện, Đại hội 13 của Đảng yêu cầu triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia. Trong đó tập trung thống nhất những định hướng của 4 hệ giá trị cơ bản cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam gồm: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cá nhân và hệ giá trị văn hóa. Đây thực sự là bước đột phá, kết quả của chặng đường đổi mới tư duy phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển: Xây dựng và phát triển văn hóa phải có con người văn hóa và con người là mục tiêu của phát triển. Chính vì thế, Hệ giá trị gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam: “Tôi muốn nói rằng có lẽ phải phát huy văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình cực kỳ quan trọng, nhưng tôi có cảm giác hiện nay văn hóa gia đình đang lỏng lẻo. Các mối quan hệ bền chặt trong gia đình đang lẻo và khi một con người thoát ra khỏi sự quản lý của gia đình, của những giá trị của gia đình thì con người sẽ mất phương hướng. Bởi vì một thế hệ trẻ mới lớn lên, chưa có kinh nghiệm sống, tự bản thân chưa biết bảo vệ bản thân mình. Cho nên hiện nay trong thanh niên đã xuất hiện một số sở thích “hơi lạ lùng”, thì chúng ta phải nhận thấy điều đó để điều chỉnh lại”.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu mỗi người dân không có hệ giá trị để hướng tới sẽ khiến cho xã hội không có những chuẩn mực chung. Đạo đức xuống cấp, con người bị tha hóa, sự lệch lạc về giá trị, sự giả dối…những vấn đề này càng có ý nghĩa hơn với đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp chiến lược hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: xây dựng được hệ giá trị Quốc gia sẽ giúp con người có những định hướng lớn để noi theo. Qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc. Những tiềm lực trong mỗi con người Việt Nam cần được khơi dậy, đóng góp vào sự phát triển bản thân, gia đình, quê hương và xa hơn nữa là sự phát triển quốc gia để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường:

“Với lịch sử truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta có tinh thần vượt qua mọi khó khăn và thách thức. Tinh thần không bỏ cuộc, tinh thần không sợ hãi… để trở thành một động lực thúc đẩy đất nước phát triển, trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Thực tiễn chúng ta đang phải đối phó những hậu quả do đại dịch của Covid-19 gây nên, đất nước gặp vô vàn những khó khăn những thách thức và điều đó càng cần phải khơi dậy những hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm chia sẻ.

Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước được Đại hội XIII xác định là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.  Con người được xác định là nguồn lực quan trọng nhất, “con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”. Do đó, cần thiết phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Để có thể dẫn dắt, nêu gương, lan tỏa tích cực, hình thành niềm tin, cải tạo xã hội,  đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức... phải đi đầu trong ứng xử văn hóa công vụ phù hợp với chức trách, nhiệm vụ; với động cơ và hành vi lành mạnh. Từ đó, các giá trị và sức mạnh đó của văn hóa và con người Việt Nam sẽ làm nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc./.
 

Theo VOV.VN
Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng con người Việt Nam - nguồn lực đổi mới" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.