Xã Phú Mậu, thành phố Huế: Kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững sau ngày sáp nhập

06/12/2022 11:30

Theo dõi trên

Nằm ở phía Bắc của Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, xã Phú Mậu có vị trí địa lý phía đông giáp xã Phú Dương và phường Phú Thượng, phía Tây và Nam tiếp giáp bờ sông Hương, đồng thời cũng là ranh giới với xã Hương Phong, phường Hương Vinh và phường Phú Hậu. Phía Bắc giáp xã Phú Thanh.

screenshot-20221205-161048-office-1670231890-1670300936.jpg
Các tuyến đường liên xã được nâng cấp

Xã Phú Mậu có diện tích 7,17km², với dân số (năm 2020) là 10.551 người, mật độ dân số 1.472 người/km². Trước đây, Phú Mậu là một xã thuộc huyện Phú Vang. Tháng 3/1977, huyện Phú Vang sáp nhập với huyện Hương Thủy thành huyện Hương Phú, xã Phú Mậu thuộc huyện Hương Phú. Ngày 11/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 64-HĐBT, sáp nhập xã Phú Mậu vào thành phố Huế. Ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 345-HĐBT. Theo đó, chuyển xã Phú Mậu về huyện Phú Vang vừa tái lập. Ngày 27/4/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 chuyển xã Phú Mậu trở lại thành phố Huế quản lý.

Dù quá trình chuyển giao có những vướng mắc, khó khăn, nhưng chính quyền Thành phố Huế cũng như huyện Phú Vang đã cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm tính liên tục của công tác quản lý nhà nước, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến lợi ích của người dân sau khi sáp nhập. Phú Mậu là vùng đất có bề dày văn hóa và lịch sử truyền thống, đây là quê hương của nhà hoạt động chính trị Nguyễn Chí Diểu và Hà Văn Lâu. Việc mở rộng thành phố Huế thực hiện theo Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Sau khi sáp nhập, người dân xã Phú Mậu đã được lãnh đạo Thành phố Huế có sự quan tâm đặc biệt, nghiên cứu để có nhiều phương án đầu tư tương xứng về hạ tầng giao thông để kết nối đồng bộ với khu vực trung tâm, quan tâm nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý điều hành trực tuyến, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để các lễ hội văn hóa được bảo tồn.

screenshot-20221205-161057-office-1670231890-1670300980.jpg
Lễ khánh thành nhà nhân ái tại địa phương

Quá trình cải cách hành chính công cũng có những thay đổi đáng kể, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Tăng cường công tác cải cách hành chính của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Chú trọng sử dụng các phần mềm dùng chung của UBND tỉnh, đặc biệt ứng dụng hiệu quả hệ thống liên thông 4 cấp. Tình hình chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn xã ngày càng được xã nhà quan tâm chăm lo. Xây dựng và bàn giao được nhiều công trình nhà tình nghĩa cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Các loại hình dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề phát triển ổn định, các cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống như tranh dân gian làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên đã sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ thị trường Tết nguyên đán; tham gia chương trình “Phố đêm Hoàng thành”, chương trình không gian giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, đặc sản địa phương - Tết Nhâm Dần năm 2022 do UBND Thành phố tổ chức và được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu địa phương. Hoa giấy Thanh Tiên được bình chọn là sản phẩm tham gia đoàn rước phong vị sản vật “Dâng Tiến Hương Xuân”.

screenshot-20221205-161104-office-1670231890-1670301003.jpg

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trai - Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: “Sau hơn một năm khi sát nhập xã vào Thành phố, được sự quan tâm và lãnh chỉ đạo sát sao của Thành phố, tình hình đời sống nhân dân ngày càng được chăm lo, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nghề truyền thống như làng hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình… đều được nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, kêu gọi đầu tư nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu”.

Theo truyền thống hàng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, làng Sình xã Phú Mậu lại tưng bừng hội vật truyền thống. Hội vật truyền thống của làng có lịch sử hơn 200 năm và phát triển liên tục cho đến nay. Đây không chỉ là ngày hội của làng mà còn là dịp quy tụ các đô vật khắp tỉnh về tranh tài.

Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như cầu mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người, còn là hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với thế hệ trẻ.

Ngoài những đặc thù về nếp sinh hoạt trong cuộc sống đậm chất văn hóa truyền thống của vùng đất Cố Đô, Phú Mậu còn là vựa hoa có quy mô lớn, chuyên sản xuất, cung ứng các loại hoa tươi vào các dịp lễ, tết trong năm cho cả thành phố Huế và nhiều khu vực lân cận.

Minh Trí
Bạn đang đọc bài viết "Xã Phú Mậu, thành phố Huế: Kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững sau ngày sáp nhập" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.