Xã Mậu Đức: Hướng đi mới cho sự phát triển bền vững kinh tế rừng

20/12/2016 08:49

Theo dõi trên

Nằm về phía tả ngạn Sông Lam, cuộc sống người dân xã Mậu Đức (Con Cuông, Nghệ An) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, việc đưa các giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình đồi núi luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, chú trọng.

Trải qua con đường đất gồ ghề ngoằn ngoèo, chúng tôi đến với xã Mậu Đức trong những ngày trời đông, lạnh giá. Men theo bên đường là những khu rừng xanh tươi, xum xuê lá. Cảnh vật nơi đây rất đẹp và yên bình. Vấn đề duy nhất là việc di chuyển khá khó khăn vì các ổ gà, ổ voi, đường lầy lội hình thành trước chuyến công tác không lâu bởi những trận mưa rừng xối xả.

Bánh xe lăn chuyển từng nào, chúng tôi càng cảm thấy khâm phục cho sự chịu khó của người dân nơi đây. Chậm rãi từng bước, từng bước cuối cùng chúng tôi cũng đã tới nơi trụ sở làm việc của xã. Mới gặp lần đầu tiên, nhưng sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình của Chủ tịch UBND xã, ông Lô Văn Thật làm cho chúng tôi cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình.




Men theo bên đường là những khu rừng xanh tươi, xum xuê lá - Ảnh: P.V


Khi được hỏi về sự phát triển kinh tế trong năm qua tại địa phương, ông Thật cho biết: “Phát huy tiềm năng xã nông nghiệp, trong quá trình thực hiện chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp, đưa các loại cây trồng phù hợp với quỹ đất tại địa phương. Tổ chức tập huấn, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình phát triển, tăng năng suất chăn nuôi: Trâu, bò, dê... Đồng thời, khuyến khích nhân dân áp dụng khoa học – kĩ thuật vào trong sản xuất”.

Theo đó, tổng diện tích trồng trỉa trong năm là 898,72 ha/862,12 đạt 104%. Sản lượng cây có hạt 3.376,41/KH 3.592,8 tấn đạt 94%. Công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm được nhân dân từng bước chuyển dịch thay đổi con nuôi để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tổ chức tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ. Tổng đàn trâu là 1.427/1.381 KH đạt 103%, tổng đàn dê 350/KH 300 đạt 116%, lợn 4.203/KH 3333 đạt 126%, tổng đàn gia cầm 30.372 con/KH 30.000 con đạt 101%.

Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Mậu Đức đất lâm nghiệp chiếm khá lớn so với các loại đất canh tác khác. Khác với những năm trước, giờ đây người dân địa phương đã mặn mà với việc trồng rừng. Để giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, thời gian qua, xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh cây rừng. Ngoài ra, để tăng nguồn thu từ trồng rừng, trong thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện chương trình chuyển đổi mục đích đất rừng từ trạng thái nghèo sang quy hoạch trồng cây nguyên liệu giấy hoặc cây có giá trị kinh tế khác.

Cũng theo ông Thật, triển khai việc chuyển đổi xuất phát từ điều kiện thực tế cũng như nguyện vọng của nhân dân trong toàn xã. Đây sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng nhằm tạo công ăn việc làm và tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân tại địa phương.

Chia sẻ về hướng đi mới trong khí thế rất phấn khởi, tâm trạng của chúng tôi cũng từ đó mà vui theo. Đang hứng thú kể với phóng viên những thành quả đạt được trong năm qua, bỗng nhiên, giọng nói của ông Thật ngắt quảng kèm theo đó là cái thở dài, thật mạnh. “Giờ tôi mới hỏi, các nhà báo vào đây thấy con đường thế nào?” Câu hỏi vừa dứt, chúng tôi chưa kịp trả lời, ông đáp lại luôn. “Có mỗi con đường đó mà chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy lâu nay rồi. Đường đâu mà khổ lắm. Mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt rất nguy hiểm”.




Con đường liên xã Mậu Đức - Thạch Ngàn đóng vai trò huyết mạch trong đời sống nhân dân địa phương - Ảnh: P.V


Con đường mà Chủ tịch UBND xã nhắc tới đó là đoạn đường liên xã Mậu Đức – Thạch Ngàn. Tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp VI miền núi (TCVN 4054 - 2005), nền đường rộng 6m, mặt đường rộng 3,5m, tổng chiều dài tuyến là 10,5 km được đưa vào khởi công năm 2012, song đến nay vẫn chưa hoàn thành.

“Đó là con đường huyết mạch, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu đi lại cho bà con nên nhiều lần xã đã đề ra chủ trương khắc phục nhưng nguồn kinh tế không đủ, khắc phục tạm nên một thời gian sau đâu lại vào đấy. Giờ thì hết năm rồi, chúng tôi hi vọng, sang năm 2017, các cấp lãnh đạo quan tâm, thực hiện khảo sát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành con đường đó”, ông Thật kiến nghị.

Thuận Yến

Bạn đang đọc bài viết "Xã Mậu Đức: Hướng đi mới cho sự phát triển bền vững kinh tế rừng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.