Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, khẳng định chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Cùng đó, Đảng, Nhà nước cũng yêu cầu đội ngũ văn nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. “Đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn không nhỏ. Trong lúc này văn học, nghệ thuật hiện diện như thế nào, đứng ở đâu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay? Những vấn đề nào trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với văn học, nghệ thuật?...”- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ.
Xoay quanh nội dung này, các tham luận tại hội thảo lần lượt làm rõ làm thế nào để văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân; làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh để nắm bắt và chuyển hóa sự ngổn ngang, bề bộn, phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chân chính.
Một số tham luận chỉ ra rằng để văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, trách nhiệm đặt lên vai những người làm công tác văn học, nghệ thuật là rất nặng nề. Các nghệ sĩ cần phải có bản lĩnh vững vàng, bám sát cuộc sống và thực tiễn của đất nước để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, góp phần phát triển bền vững văn hóa, con người Việt Nam.
“Phải có một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng những người quản lý, lãnh đạo văn hóa, văn học nghệ thuật thực sự có trình độ, nhạy bén mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời phải thể chế hóa, cơ chế hóa để thu hút nguồn lực xã hội hóa bởi ngân sách nhà nước không thể nào có đủ để phát triển văn học nghệ thuật lên tầm cao mới.”- PGS, TS Đào Duy Quát bày tỏ.
Với gần 100 tham luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển đất nước, từ đó xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm bản sắc dân tộc; đồng thời tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Kết quả hội thảo dự kiến sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để đánh giá vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ có báo cáo tư vấn cụ thể, giúp Đảng, Nhà nước đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới./.