Vĩnh Phúc: “Ông vua” dúi đất Bắc

12/12/2016 15:28

Theo dõi trên

Sau khi thử nghiệm thành công, anh Dương Văn Phương ở Lâm Xuyên, Tam Hồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc đang làm giàu từ nghề nuôi con dúi. Anh đã lập trang trại nuôi dúi, hiện đang cung cấp con giống, dúi thương phẩm thuộc diện lớn nhất miền Bắc. Người dân nơi đây vẫn gọi anh với cái tên thân thiết… “ông vua” dúi đất Bắc.

Sau khi thử nghiệm thành công, anh Dương Văn Phương ở Lâm Xuyên, Tam Hồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc đang làm giàu từ nghề nuôi con dúi. Anh đã lập trang trại nuôi dúi, hiện đang cung cấp con giống, dúi thương phẩm thuộc diện lớn nhất miền Bắc. Người dân nơi đây vẫn gọi anh với cái tên thân thiết… “ông vua” dúi đất Bắc.
 

Từ thất bại đến thành công
 
Đến thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi nhà anh Dương Văn Phương nuôi dúi thì ai cũng biết đến. Nhưng khi hỏi về quá trình vất vả để có được thành công ngày hôm nay thì mọi người chỉ thán phục. Anh Dương tâm sự : Mình biết đến con dúi là một sự tình cờ và có phần may mắn. Nhận thấy con dúi là một trong những loại vật hoang dã, được thuần dưỡng, đầu tư chi phí thấp hơn so với các vật nuôi khác như gà, lợn... Đặc biệt thức ăn, chuồng trại, con giống, phòng trừ dịch bệnh rất thấp. Hiện nay, dúi không đủ cung cấp cho thị trường nhất là các quán lẩu. Vậy nên dù chưa từng nuôi và cũng chỉ biết con dúi qua bạn bè nhưng mình vẫn quyết tâm nuôi thử.

Anh Dương kể tiếp: Năm 2006, anh đi làm trên Lào Cai tình cờ có người dân đi rừng đào được dúi đem bán. Anh Phương mua về ăn thử thấy thịt dúi thơm ngon, da dúi dày và giòn như da lợn rừng song giá chỉ đắt hơn thịt bò một chút nên nảy sinh ý định nhân giống nuôi thử.

Năm 2006, anh bắt tay vào nuôi con dúi. Với số vốn ít ỏi vay mượn từ bạn bè, anh mò mẫm lên rừng vào nhà dân tìm mua con dúi. Với 20 đôi dúi giống cùng với sự cần cù, chịu khó chỉ sau một năm số lượng dúi giống mà anh có lên đến 100 đôi.

Những tưởng nuôi dúi dễ như nuôi chuột đồng, không ngờ đưa vào chuồng được vài hôm lũ dúi lăn ra chết. Vì chuồng nuôi dúi có diện tích nhỏ, hình vuông và lát đá hoa, mỗi lần dùng nước rửa chuồng thì một, hai hôm sau dúi lăn ra chết. Tiếc công, tiếc của nhưng không nản chí, anh Dương vẫn quyết tâm đầu tư công sức, tiền của cho loài vật nuôi mới này. Anh phát hiện ra loài dúi rất kỵ nước, chuồng nuôi luôn khô ráo, chúng không cần uống nước, lượng nước được dúi hấp thụ từ thức ăn tươi gồm: mía, mầm tre, ngô, vỏ cây tươi... Loài dúi ít bị bệnh, thức ăn dễ kiếm và rẻ. Trải qua gần 2 năm với nhiều lần thất bại, cuối cùng anh Dương cũng đã nắm bắt được đặc tính, thức ăn của loài dúi, thành công đã đến với anh.

Chỉ với một mẩu mầm tre, khúc mía, và vài hạt ngũ cốc mỗi ngày, đàn dúi của anh lớn nhanh như thổi. Anh nhận thấy nuôi dúi là một việc làm nhẹ nhàng mà lại cho hiệu quả kinh tế cao, người giầu hay nghèo đều có thể nuôi dúi. Dúi là một loại vật nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, và đặc biệt là ít rủi ro.

Nuôi dúi ít vốn, tốn ít diện tích, thức ăn rẻ dễ kiếm. Dúi đẻ rất dày, một năm 4 lứa mỗi lứa 3- 6 con. Hiện nay, giá dúi sinh sản khoảng một triệu đồng/đôi. Giá dúi thương phẩm (còn sống nguyên con) trên thị trường Việt Nam hiện ở mức 350 – 400 ngàn đồng/kg. Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm, thượng khách đến Việt Nam đều thưởng thức các món ăn từ dúi.

Cuối năm 2006, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm nhiều chuồng nuôi, với diện tích đất khoảng 15m², anh xây dựng khu chuồng nuôi dúi có mái che, nền chuồng được láng bằng xi măng nhưng phải được láng nhẵn tránh dúi đào hang thoát ra ngoài.

Thức ăn chủ yếu là thân cây mía, cây tre, thân cây cỏ ngọt, không ăn lá. Điều đặc biệt là dúi chủ yếu hoạt động về ban đêm. Từ năm 2006 đến năm 2010, tổng số đàn dúi nhà anh lên đến khoảng 200 con cả dúi bố mẹ, dúi trưởng thành và thương phẩm.

Hiện nay, tổng số đàn dúi mà anh hiện có là 500 đôi, anh đang cung cấp dúi giống cho các tỉnh phía bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội... và là đầu mối dúi thương phẩm cho các nhà hàng đặc sản gần xa.

Với sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, anh đang dần có được những thành công ngoài mong đợi. Nói anh là tỷ phú thì ngoa nhưng nếu là triệu phú thì không đủ. Trao đổi với chúng tôi, anh Phương cho biết thêm: Khi nuôi dúi, tôi phải làm thủ tục đăng ký với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và khi bán cũng phải làm giấy tờ chứng thực nguồn gốc trao cho người mua để họ trình báo với cơ quan chức năng trên đường vận chuyển.

Hiệu quả kinh tế

Trông anh Phương còn trẻ, khi hỏi tuổi anh giơ tay gãi gãi đầu rồi cười xòa: "Mình chỉ 30 tuổi thôi, bạn nghĩ mình già lắm sao". Thấy anh nói vậy, tôi cười và nghĩ thầm: "30 tuổi, anh đã có cơ ngơi khang trang, cùng người vợ hiền và cậu con ngoan thì quả thật ít người cùng tuổi anh làm được".

Nghe tiếng về trang trại nuôi dúi của anh Phương, bà con nhiều nơi tìm về tham quam, học hỏi kinh nghiệm và mua giống. Anh chỉ dẫn tận tình. Mỗi ngày, hàng chục lượt người tìm đến anh để mua giống về nuôi thử. Sau 5 năm nuôi dúi, từ số vốn ít ỏi 10 triệu đồng và 20 đôi, hiện nay con số này đã nhân lên hàng trăm lần. Anh đã thành công và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Anh tâm sự: "Dúi rất dễ nuôi, hơn nữa lại mang hiệu quả kinh tế cao. Năm vừa rồi trừ hết chi phí cũng thu về gần 200 triệu đồng".

Được hỏi về dự định trong tương lai, anh cười và nói: Mình dự định sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình nuôi dúi, kết hợp nuôi cá sấu. Cá sấu tuy khả năng quay vòng vốn hơi lâu nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi Dúi. Mình vừa xuất 30 con cá sấu thương phẩm, thu về 300 triệu đồng. Ra Tết Quý Tỵ lại nuôi tiếp vì giờ đã cuối năm nên mua giống khó, hơn nữa cá sấu mùa lạnh ăn ít và chậm lớn.

Có thể nói, điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn thức ăn ở Vĩnh Phúc rất phù hợp với mô hình nuôi dúi. Đây là hướng đi mới trong chăn nuôi cần được nhân rộng giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trang trại của anh sẵn sàng đón tiếp bà con nông dân đến tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao và cung cấp con giống chất lượng tốt cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Chia tay anh, trời đã sẩm tối, đằng sau tôi là nụ cười của chàng trai trẻ với những dự định và ước mơ hoài bão trong tương lai. Chúc cho anh gặt hái thêm nhiều thành công và con dúi sẽ là vật nuôi tiếp tục mang hiệu quả kinh tế cao.

Ai có nhu cầu tìm hiểu và mua dúi giống xin liên hệ tới địa chỉ:
Dương Văn Phương – Thôn Lâm Xuyên – Tam Hồng – Yên Lạc – Vĩnh Phúc. Hoặc số điện thoại 0938 615 789 để được tư vấn.

 
Vĩnh Trần

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: “Ông vua” dúi đất Bắc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.