Vĩnh Phúc: Đầm Vạc ký ức tuổi thơ

26/02/2019 22:30

Theo dõi trên

“Ăn mười miếng thịt trâu, không bằng ăn một con tép dầu Đầm Vạc” . Chẳng biết câu nói đó có từ bao giờ nhưng từ khi tôi biết câu nói đó, biết chạy bằng đôi chân của mình ra Đầm Vạc, được ăn tép dầu Đầm Vạc thì quả thấy câu nói đó thật đúng với người dân quê tôi.

 
Đặc sản tép dầu Đầm Vạc ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Tuổi thơ tôi gắn bó với Đầm Vạc bởi những buổi trưa chốn bố mẹ đi bắt con trùng trục, con hến, con chai, thi thoảng còn bắt được cả cua, cá nữa. Cái vị béo ngậy của con hến, con chai, cái vị ngọt lừ của nước canh sao mà ngon đến thế.

Đến mùa nước cạn người làng tôi kéo lưới được cả cá lớn, cá bé, nhất là tép dầu sao mà nhiều thế. Nhà nào cũng kho một nồi để ăn còn lại phơi khô ăn dần ngon tuyệt. Tôm ở đây ăn cũng rất thơm, ngon vỏ mềm nên bán ở chợ Vĩnh Yên bao giờ giá cũng cao hơn tôm ở nơi khác.
 
Chiều chiều bác tôi lại chống thuyền đi đơm chúm, sáng hôm sau chúm nào cũng nhiều chú tôm nhảy tanh tách, tươi ngon. Những buổi chiều chăn trâu trên bờ Đầm Vạc, chúng tôi thả trâu đó rồi lại lội xuống đầm bắt hến, bắt chai. Nước trong veo nhìn thấy cả những lỗ hút mà khi móc ngón tay vào là thấy ngay con hến, hoặc con chai to, mập.
 
Cái vỏ hến ở đây dày lắm, không giống hến ở sông, hồ khác. Chúng tôi thường đập ra thành cái cọi và chơi kéo cọi, vỏ cọi của ai bị gẫy là thua, lúc ấy những tiếng cười giòn tan, trong trẻo lại vang lên cả xóm. Những vỏ con trùng trục, tầm phào, tầm son, chai vông…. được các bà đồng nát mua hoặc đổi lấy kẹo kéo ăn vừa dẻo, vừa dai ngọt lịm.
 
Người dân quê tôi gắn bó với Đầm Vạc bởi những chuyến đò ngang hàng ngày đi chợ Vĩnh Yên. Đầm Vạc rộng lắm. Mùa mưa nước lớn, sóng đập vào mạn thuyền bắn cả vào người ngồi trên thuyền và những đôi quang gánh, nhiều khi mặt thuyền sát mặt nước chỉ sợ bị đắm chìm, mọi người lại hò nhau ngồi im, nín thở cho an toàn, đến lúc xuống được bến mới thở phào nhẹ nhõm.
 
Mỗi buổi đi chợ phải đi thật sớm để “tranh đò”. Khi mũi thuyền còn cách xa bờ mọi người đã nhao nhao bưng những quang, gánh, thúng, mủng, đòn gánh lội nước ra xa bất chấp cả việc ướt hết quần áo để mong được lên trước cho kịp buổi chợ. Nhiều người không tranh lên được lại phải chờ chuyến sau, có khi nhỡ đến vài chuyến, nhưng rồi cũng lên được chợ.
 
Nhất là vào dịp tết thì cảnh “tranh đò” là nỗi lo của các bà, các mẹ. Họ phải dậy thật sớm,  chuẩn bị cho mình những gánh rau, hành, dưa, cà, khoai lang, cả dây khoai lang bán cho lợn nữa. Có người bán gà, vịt, ngan, ngỗng, cả chó con, lợn con, mèo con, bị ướt chúng kêu toáng cả bến đò góp thêm cho bến những âm thanh náo nhiệt. Buổi chợ nào bán được đắt hàng có khi lại về đi bán lần nữa thì tết hẳn sắm được nhiều thứ, còn không bán được bị ế, hoặc bán rẻ tiền chẳng được bao nhiêu khi về cũng chỉ mua được vài thứ rẻ tiền nhưng nhất định phải có gói kẹo bột cho con.
 
Với tôi buổi chợ tết nhớ nhất là xin bố mẹ cho đi chợ bán một gánh dây khoai lang và đến trưa cũng về tới nhà. Món mà tôi mua được duy nhất là một cuốn thư “Không có gì quý hơn độc lập- tự do” vì tôi thấy nhà người ta treo ở giữa nhà trên bàn thờ đẹp lắm. Về đến nhà mẹ tôi bảo: Nhà mình treo vào đâu hả con, cái tường chỗ bàn thờ bằng đất trát với rơm rạ và những cây nứa đã chòi ra gần hết, chỗ thủng, chỗ làng loang lổ, có treo vào thấm nước cũng hỏng hết. Vậy là tôi đành cất đi một cách ngậm ngùi và coi như một kỉ niệm của tuổi thơ đáng nhớ.
 
Đầm Vạc còn là nơi cung cấp nước tưới cho nhiều cánh đồng xung quanh. Chiều chiều tiếng tát nước gầu giai, gầu sòng ì ụp, nhịp nhàng, đều đặn khắp rìa đầm nhất là cánh đồng Gò Lân, Nước Vịt và cánh đồng rộng của thôn Vinh Quang. Bọn tôi nhìn thấy người lớn tát nước thì thích lắm, sao mà dẻo đến thế.
 
Chờ lúc người lớn đi thăm ruộng, bọn tôi lại túm lấy dây gầu học tác nước, gầu nào múc được nhiều nước thì có khi ngã chúi, ngã chụi, gầu múc được ít nước thì lại ngã ngửa, có khi vập vả miệng gầu vào bờ ruộng, nhưng cũng chính nhờ vậy mà đứa nào cũng biết tát nước gầu giai, gầu sòng.
 
Có lúc mải học tát nước để trâu ăn lúa, ăn ngô bị bảo vệ bắt trâu lại khóc nhếch nhác nhờ người lớn xin hộ. Đến mùa nhổ lạc, cuốc khoai mà được rửa ở Đầm vạc thì sạch sẽ nhất. Có một điều rất lạ là dù tôi rất sợ đỉa nhưng ở đầm này không có đỉa, mặc dù các đầm khác ngay gần đấy thì rất nhiều đỉa như Đài Ngài hoặc Đầm Sung.
 
Lớn lên tôi đi học sư phạm, tuần nào cũng về qua Đầm Vạc. Có hôm về đến bến đò thì trời đã nhà nhem tối, gọi mãi mới có đò. Tuy vừa mệt vừa đói nhưng khi lên thuyền ngồi tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng, cảm giác khoan khoái, thanh thản ấm áp tình quê hương.
 
Bước chân lên bến tôi đi bộ qua cánh đồng khá xa để về nhà, trời cũng đã tối dần tôi bỗng nhìn thấy mẹ đang làm cỏ  lúa ở cánh đồng Mô Gáo gần đấy, tôi cất tiếng gọi “mẹ ơi” hình như nhận ra tiếng của con gái nên mẹ vội vàng lên bờ rửa chân về cùng con. Tôi cố gắng lấy ra từ trưng chiếc túi khoác miếng bánh sắn mua từ sáng ngày ở trường đưa cho mẹ ăn, hai mẹ con cùng về. Mẹ thấy tôi về thì thích lắm, lại vội vàng đi rang lạc làm cho con lọ muối lạc để sáng hôm sau con mang đi.
 
Cũng từ bến đò Đầm Vạc này em trai tôi đã biết lái đò lúc nào không hay. Vì mỗi lần nó đi học, sợ muộn giờ mà bác lái đò còn đi ăn cơm nên đành tự lái. Nó bảo lúc đầu chèo khua mái nước đò cứ quay tròn, sau mãi cũng biết lái. Có hôm trời mưa to bác lái đò không dám đi em tôi đành quay về không học được buổi đó nữa, nhưng không vì thế mà nản lòng, nhờ kiên trì bên bến đò ấy mà em tôi vẫn đỗ vào đại học.
 
Mấy mươi năm qua rồi, bây giờ con đò, bến đợi chỉ còn trong kí ức.
 
Những buổi trưa đi bắt chai, bắt hến cũng chỉ còn trong kỉ niệm. Con tép rầu Đầm Vạc bây giờ cũng chẳng được ăn nhưng cái vị thơm ngon, béo ngậy ấy chắc chắn không bao giờ chúng tôi quên được vì nhờ nó mà chị em tôi, bạn bè tôi, người dân quê tôi đã sống một thời đáng sống, đáng yêu và đáng nhớ.
 
Chu Thị Chức

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Đầm Vạc ký ức tuổi thơ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.