Vinh danh Cây di sản Việt Nam tại huyện Tam Dương

16/10/2018 14:38

Theo dõi trên

Cây đa cổ thụ trước miếu thờ danh tướng Quý Lan Nương - nữ tướng thời Hai Bà Trưng tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) theo tương truyền có tuổi đời trên 500 năm được vinh danh công nhận là Cây di sản Việt Nam.

 
Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho nhân dân làng Tĩnh Luyện

Ngày 14/10/2018, tại Miếu thờ Nữ tướng Quý Lan Nương thời Hai Bà Trưng, làng Tĩnh Luyện, xã Đồng Tĩnh, UBND xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) long trọng tổ chức Lễ đón Bằng cộng nhận Cây di sản Việt Nam. Đây là cây đầu tiên của huyện Tam Dương được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Tương truyền cây đa cổ thụ trước miếu thờ Nữ tướng Quý Lan Nương có cách đây khoảng 500 năm. Trải qua thăng trầm lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết, cây vẫn xanh tốt. Cây cao khoảng 20m, thân cây tỏa ra nhiều cành lớn. Cây đa là công trình kiến trúc tuyệt mỹ của thiên nhiên tượng trưng cho sự trường tồn, gắn liền với truyền thống văn hiến của đất và người Đồng Tĩnh qua bao thế hệ.

Việc vinh danh cây di sản trước miếu thờ nữ tướng Quý Lan Nương có ý nghĩa khẳng định công tác bảo vệ môi trường, công tác giữ gìn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái tại địa phương đã được chính quyền và cộng đồng dân cư hết sức coi trọng. Ngoài ra cây đã cổ thụ nói trên thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì các cây trên là di sản tự nhiên mà các thế hệ đi trước đã để lại.


 
Tương truyền cây đa cổ thụ trước miếu thờ Nữ tướng Quý Lan Nương có cách đây khoảng 500 năm

Vinh danh cây di sản chính là thể hiện thái độ biết ơn với các di sản của tiền nhân, qua việc vinh danh cây di sản sẽ khơi dậy sức mạnh của cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, niềm tự hào về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và ý thức văn hóa, lịch sử gắn với đời sống của cộng đồng dân cư. Đồng thời quảng bá cho hoạt động du lịch, các nét đẹp về văn hóa của địa phương.

Về nữ tướng Quý Lan Nương và Miếu thờ của vị nữ tướng tài năng có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước xưa kia. Bà quê gốc ở Long Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phụ thân là Hồ Nguyên Trừng, mẫu thân là Trần Thi Y, vốn là một gia đình có thế lực, giàu có và trung hậu. Vào thời kì thuộc Hán, miền Chí Linh nhiều loạn lạc, nên cha mẹ bà mới đi nhiều vùng để tìm nơi cư trú.

Sau đó chọn được địa điểm ở  làng Tĩnh Luyện, bên bờ sông Đáy (tục danh làng Diện), nay thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà được sinh ra ở đất Tĩnh Luyện vào ngày 10 thảng 11 (chưa rõ năm), đặt tên là Quý Lan (Quý Lan Nương).

Bà lớn lên cùng gia đình ở làng Tĩnh Luyện, trở người con gái rất thông minh, văn chương uyên bác, võ nghệ tinh thông, được nhân dân trong vùng mến phục.

Nghe tin Hai Bà Trưng chiêu cầu những trang anh hùng hào kiệt để mưu việc lớn, bà tìm đến và được Hai Bà thu dùng, lại được cử đến huyện Đan Phượng tập hợp các quan lang, phụ đạo ở đó cùng theo về với nghĩa quân, cùng khởi nghĩa ở cửa sông Hát năm Canh Tí (năm 40 sau CN). Bà Quý Lan được phong chức quan Nội thị đại tướng.

Sau khi đánh đuổi quân Hán, Bà Trưmg lên ngôi Vua. Bà Quý Lan được phong thực  ấp ở Lập Thạch, hiệu là An Bình Công chúa. Trở về Lập Thạch, bà đến các làng Liễn Sơn, Ngọc Liễn dựng hai cung vả sinh sống ở đó.


 
Nữ tướng Quý Lan có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước. Ảnh minh họa

Đến tháng Giêng năm Nhâm Dần, tướng nhà Hán là Phục Ba, theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm tiến đánh nghĩa quân Hai Bà Trưng. Bà Quý Lan theo lệnh của Bà Trưng đã đốc xuất binh phu ở các làng Thản Sơn, Liễn Sơn, Ngọc Liễn, Liên Hồ, Tĩnh Luyện cùng tướng sĩ trong toàn huyện Lập Thạch, tiến quân về hội với Trưng Vương.

Sau nhiều trận giao chiến, Bà Trưng rút về vùng Cấm Khê. Trên đường rút, quân của Trưng Vương chỉ còn một mình công chúa An Bình đi theo cùng với Trưng Nhị. Khi Trưng Vương hy sinh, công chúa An Bình chỉ còn 20 đệ tử, cùng đắp mộ cho Hai Bà Trưng ở núi Hi Sơn. Quân địch tiến tới giao chiến, bà rút quần về Ngọc Liễn, Liễn Sơn rồi đến Thản Sơn. Khi biết không thể thoát hiểm nguy bị bắt, Bà đã tự vẫn ở đất làng Thản Sơn vào ngày 14 tháng Bảy năm Quý Mão (năm 43 sau CN).

Ngày hôm sau, nhân dân làng Thản Sơn tìm đến thì mối đã đắp thành ngôi mộ lớn. Nơi ấy nay hãy còn, gọi là "Lăng" Đức bà An Bình. Nhớ công ơn đánh giặc giữ nước của Bà, nhân dân các làng huyện Lập Thạch lập miếu đền thờ cúng. Ngôi miếu thờ Nữ tướng Quý Lan Nương thời Hai Bà Trưng, di tích đã được UBND tỉnh Vĩnh phúc xếp hạng năm 2008.
 
Lê Hoàn

Bạn đang đọc bài viết "Vinh danh Cây di sản Việt Nam tại huyện Tam Dương" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.