Vì sao binh lính nhà Tần sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tần Thủy Hoàng mà không cần nhận một đồng bổng lộc?

26/09/2023 15:44

Theo dõi trên

Sự thật đằng sau việc tất cả binh lính nhà Tần đều tình nguyện hy sinh mạng sống của mình cho Tần Thủy Hoàng thực ra rất đơn giản.

vua-tan-1695715811-1695717781.jpeg
Tần Thủy Hoàng. Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Ở thời kỳ Chiến Quốc, bảy nước là Tần, Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên, Sở và Tề chiến tranh kéo dài liên miên nhiều năm, người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Tần Thủy Hoàng lãnh đạo quân Tần, hay còn gọi là "hổ lang chi sư" (ý chỉ: Một sư đoàn dũng mãnh như hổ, giảo hoạt như hồ, kỷ luật nghiêm minh như lang) chinh phục sáu nước, thống nhất thế giới, chấm dứt chiến tranh. 

Quân đội nhà Tần là một trong những đội quân dũng cảm và có năng lực chiến đất nhất thời phong kiến. Họ không chỉ càn quét sáu nước mà còn tấn công Hung Nô ở phương bắc, giúp Tần Thủy Hoàng hoàn thành đại nghiệp cũng như giúp ông lập ra nhà Tần, trở thành vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa. 

Sở dĩ Tần Thủy Hoàng có thể thống nhất lục quốc không thể không nhắc tới năng lực và trí tuệ của ông. Nhưng ngoài trí tuệ của bản thân, những trận chém giết anh dũng của quân Tần cũng là điều kiện cần để Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao binh lính nhà Tần lại sẵn sàng hy sinh vì Tần Thủy Hoàng? Vì công lý vì quốc gia hay vì được trả lương cao?

Trên thực tế, quân lính nhà Tần khi đó hoàn toàn không có lương hay bổng lộc. Theo Sohu, các nhà khảo cổ Hồ Bắc đã phát hiện ra một bức thư của một người lính thời nhà Tần gửi về quê nhà cách đây hơn 2.200 năm. Bức thư này được một người lính viết cho gia đình để xin tiền trang trải cuộc sống ở trong quân đội. Qua thông tin trong bức thư, có thể thấy đây là lá thư của một người lính tên Hắc Phu gửi cho người mẹ ở quê nhà.

vua-tan-1-1695715839-1695717824.jpeg
Bức thư của một người lính thời nhà Tần được khai quật. Ảnh Internet

Trong thư, Hắc Phu xin tiền mẹ để trang trải cuộc sống. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi không ai nghĩ rằng, binh lính nhà Tần lại không có lương thưởng hay bổng lộc. 

Nếu quân Tần không có quân lương cao thì tại sao những người lính này vẫn cật lực chiến đấu vì Tần Thủy Hoàng? Nhiều người chắc hẳn nghĩ tới chế độ hà khắc của nhà Tần.

Giới chính sử thừa nhận hệ thống quân đội nhà Tấn nổi tiếng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, dù có nghiêm ngặt tới đâu, hàng vạn binh lính không được trả công hậu hĩnh ắt sẽ không phục tùng Tần Thủy Hoàng. Vậy lý do nào khiến họ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường chiến đấu với kẻ thù mà không được lương thưởng hay bổng lộc?

Tìm hiểu sâu hơn cho thấy, nguyên nhân quân Tần sẵn sàng ra chiến trường mà không lấy một xu có liên quan đến chính trị gia nổi tiếng Thương Ưởng thời Chiến Quốc. Chính ông là người đã biến nước Tần thành một đế quốc quân sự hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. 

Theo đó, Thương Ưởng đã xây dựng một loạt hệ thống khen thưởng cho binh lính. Chỉ cần có cống hiến lớn trên chiến trường, những người lính này sẽ được phong tước đồng thời sẽ được bước vào tầng lớp quý tộc của nhà Tần. 

Hệ thống "quân công tước chế" mà Thương Ưởng nghĩ ra được chia làm 20 cấp, từ cấp 1 Công sĩ đến cấp 20 Triệt hầu, phần thưởng dành cho mỗi cấp bậc cũng đều khác nhau. Đối với một người lính, chỉ cần giết chết một thủ lĩnh tinh nhuệ của kẻ thù, người lính này có thể được phong hiệp sĩ cấp tước vị, được cấp một ha đất, một ngôi nhà và một người hầu. Giết càng nhiều người, danh hiệu sẽ càng cao. 

vua-tan-3-1695715878-1695717856.jpeg
Nhà Tần có đội quân hùng mạnh. Ảnh Internet

Nếu một người lính có thể giết một viên quan của kẻ thù sẽ nhận được danh hiệu xứng đáng. Như vậy, binh lính càng giết được nhiều người thì sẽ có được nhiều chức vị hơn. Điểm này cũng đã được đề cập trong thư của Hắc Phu. Trong thư, Hắc Phu bày tỏ thắc mắc không biết anh có thể chia phần thưởng là những danh hiệu, tước vị mà bản thân đã đạt được cho gia đình của mình hay không.

Từ đó có thể thấy, Tần Thủy Hoàng đã có thể lãnh đạo quân Tần càn quét sáu nước, thống nhất Trung Hoa không phải nhờ vào lương cao, bổng lộc tốt mà chỉ cần bằng lời hứa với binh lính của mình. Ngoài nhiều ưu đãi như tước vị, đất đai, nhà cửa, đây cũng là con đường duy nhất để tầng lớp thấp được phong làm quý tộc.

Đối với con người thời Chiến Quốc, chỉ có hai con đường sống, một là ở nhà làm việc, hai là đi lính. Đối với họ, những người xuất thân từ gia đình nghèo khó, việc đánh giặc là con đường duy nhất để bước vào cảnh giới quý tộc để đưa bản thân và gia đình thoát khỏi hoàn cảnh lầm than đồng thời con cháu của họ cũng có cuộc sống sung sướng hơn trước. 

Hà My
Bạn đang đọc bài viết "Vì sao binh lính nhà Tần sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tần Thủy Hoàng mà không cần nhận một đồng bổng lộc?" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.