Về thăm đất Mũi Cà Mau - Nghĩ về một thuở cha ông đi mở cõi

29/10/2020 23:05

Theo dõi trên

Về thăm đất Mũi Cà Mau vào giữa tháng 10/2020, đúng thời điểm bão số 7 hoành hành gây thiệt hại lớn ở miền Trung, hoàn lưu của nó gây mưa tầm tã, tranh thủ chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, trong tôi cảm xúc dâng trào.

Ở cái tuổi 70, lần đầu tiên đặt chân đến đất Mũi Cà Mau, không thể không ngẫm nghĩ về một thuở cha ông ta bao năm trường, gian khổ đi mở cõi để có được đất nước hình chữ S với hơn 3.260 Km bên bờ biển Đông, trải dài từ Bắc xuống Nam.
 
 
Tác giả bài viết lần đầu tiên đặt chân tới đất Mũi Cà Mau chiều 14/10/2020 trong cơn mưa tầm tã.

Bài 1: Linh nghiệm "sấm" Trang Trình

Nói đến mở cõi, tôi liền nhớ đến bốn câu mở đầu bài thơ "Nhớ Bắc" của Huỳnh Văn Nghệ viết tại ga Sài Gòn năm 1940:
 
"Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".
 
Đó là tâm tưởng của người Việt từ ngàn đời hướng về gốc gác giống nòi “con Lạc, cháu Hồng”. Câu thơ đó tựa hồ một câu ca dao đã thẩm thấu như một lẽ tự nhiên vào huyết quản người dân đất Việt.
 
Linh nghiệm “sấm” Trạng Trình
 
Ngược dòng lịch sử, người mang gươm đi mở cõi đầu tiên mà sử sách còn ghi chính là Nguyễn Hoàng (28/8/1525 - 20/7/1613) hay còn gọi là Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên, là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (1802 - 1945), triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Ông quê ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa, ngày nay là Gia Miêu Ngoại Trang, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. 
 
 
Tượng thờ Chúa tiên Nguyễn Hoàng. Nguồn: Internet.

Trong bộ tiểu thuyết lich sử cổ trung đại “Việt Nam diễn nghĩa” 5 tập do NXB Hồng Đức ấn hành đầu năm 2020 của người bạn đồng môn  PGS TS Cao Văn Liên thì từ trang 204 đến trang 221 của tập IV đã miêu tả người cậu ruột của Nguyễn Hoàng là Đại thần của nhà Lê Trung Hưng Nguyễn Ư Dĩ lo cho cháu bèn tìm đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để thỉnh giáo. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khuyên "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dãy núi Hoành Sơn, có thể dung thân muôn đời).

Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng nhờ chị gái Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin anh rể cho mình vào trấn giữ đất Thuận Hóa (từ đèo Ngang trở vào) và được Trịnh Kiểm đồng ý.

Vùng đất Thuận Hóa vẫn được coi là nơi Ô châu, là đất hiểm địa, nhiều tai biến khôn lường, và nguy hiểm, lại có nhiều giặc giã nên Trịnh Kiểm không còn phải lo Nguyễn Hoàng tranh chấp quyền hành gì với mình được nữa. 
 
 
Tái hiện cảnh Nguyễn Hoàng vào Ái Tử được dân sở tại dâng nước để lập quốc.

Tối 29/1/2019, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng cấp quốc gia di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) tại các xã Triệu Ái, xã Triệu Giang và thị trấn Ái. Nguồn: Internet.

Năm Mậu Ngọ (1558), Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, toàn quyền xử lý mọi việc, chỉ cần mỗi năm nộp đủ số lượng lương thực do triều đình Nam Triều quy định là được. Quan trấn thủ Thuận Hoá được mang theo gia đình, thân tín, gia tướng, quân bản bộ và các tướng lĩnh do Đoan Quận công Nguyễn Hoàng toàn quyền lựa chọn, bổ nhiệm.

Mùa hạ năm 1558, từ Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - An Trường hay còn gọi với các tên khác như hành cung Vạn Lại, hành điện Vạn Lại, cố đô Vạn Lại, là kinh đô kháng chiến của Đại Việt - Nam Triều nhà Lê trong giai đoạn Nam - Bắc triều phân tranh của hai họ Lê - Mạc. Cả Vạn Lại và An Trường nay đều thuộc đất huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá), ở phía Đông Lam Kinh và ở cách nhau không xa, dưới sông Cầu Chày, khoảng 100 chiến thuyền chật dòng sông chở đầy những người và hành lý, cờ bay phấp phới trong nắng. Đó là đoàn thuyền của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng nhận lệnh vua Nam tiến vào Thuận Hoá… Trên đoàn thuyền có các tướng Nguyễn Ư Dĩ, cậu của Nguyễn Hoàng, Mạc Cảnh Huống, Văn Nhâm, Thanh Xuyên, Tường Lộc, Trường Trung, Vũ Thì Am… còn có hàng nghìn quân bản bộ, hàng nghìn đồng hương Thanh Hoá theo Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở quê hương mới.

Đoàn thuyền rời sông Cầu Chày ra sông Mã, qua cửa Lạch Trường đi ra biển và hành trình về hướng Nam. Do thuận buồm xuôi gió nên chỉ ít ngày, đoàn thuyền đã vào cửa Việt Yên (Cửa Việt). Nguyễn Hoàng cho đổ bộ lên bờ, đóng trại ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (Triệu Phong) Quảng Trị và lập thủ phủ đầu tiên ở đây gọi là Dinh Ái Tử. 


Bây giờ ngẫm nghĩ lại, có lẽ chỉ một mình Nguyễn Bỉnh Khiêm biết được rằng cuộc Nam Tiến của Nguyễn Hoàng năm 1558 mở đầu cho cuộc Nam tiến lâu dài 200 năm để mở cõi Đại Việt đến Mũi Cà Mau, mảnh đất tận cùng của nước Việt. Nhưng không ai biết được rằng cuộc Nam tiến của Nguyễn Hoàng năm 1558 mở đầu cho những cuộc nội chiến về sau kéo dài cho đến thế kỷ XIX. 

Điều rất linh nghiệm trong lời khuyên mà dân gian gọi là “sấm” Trạng Trình “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” thì Nhà Nguyễn non 4 thế kỷ với 9 đời chúa và 13 đời vua (1802 - 1945), đến đời Vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ), tức là đến chữ “Đại” thì tịch (chấm dứt). Bảo Đại là hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ (phong kiến) trong lịch sử Việt Nam để chuyển sang thời đại Hồ Chí Minh...

Bài 2: Sự nghiệp mở cõi
 
Vũ Xuân Bân

Bạn đang đọc bài viết "Về thăm đất Mũi Cà Mau - Nghĩ về một thuở cha ông đi mở cõi" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.