Về Kosthum nghe đờn ca tài tử

07/07/2018 15:58

Theo dõi trên

Họ là những nông dân rặt. Có người là dân buôn bán, chủ tiệm vàng. Cũng có người là cán bộ, viên chức Nhà nước. Nhưng điểm chung ở họ là lòng đam mê đờn ca tài tử (ĐCTT).

Thế là cùng nhau “sáng lập” ra một câu lạc bộ (CLB) ĐCTT để cuối tuần có điểm giao lưu. CLB cấp ấp thôi nên ngoài lòng đam mê thì còn lắm khó khăn trong sinh hoạt. Đó là chuyện ở CBL ĐCTT ấp Kosthum (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân).

Một buổi sinh hoạt đột xuất để phục vụ mấy anh chị nhà báo được anh em trong CLB chuẩn bị rất chỉn chu. Sân khấu nhỏ, dàn âm thanh khá khiêm tốn, 3 cái bàn chụm lại thế là thành một buổi biểu diễn. Những bài bản của ĐCTT như Lưu thủy trường, Nam xuân… được cất lên ngọt ngào giữa một ấp vùng sâu có đông đồng bào Khmer đang sinh sống.

Chuyện của người “nhóm lửa”

“Lửa” chúng tôi muốn đề cập chính là lửa phong trào và “người nhóm lửa”, tất nhiên phải là người đầy lòng đam mê đối với phong trào nghệ thuật ĐCTT! Đó là ông Bùi Minh Trương, Chủ nhiệm CLB ĐCTT ấp Kosthum này. Ông Trương kể, nghề ruột để gia đình ông có cơ ngơi khá vững vàng như bây giờ là nghề tổ chức hội chợ. Tất nhiên, đó chỉ là những hội chợ nhỏ lẻ đem về các vùng sâu, vùng xa. Ở những lần tổ chức đó, trong chương trình văn nghệ phục vụ bà con, ĐCTT đã được ông lấy làm tiết mục chủ đạo. Lênh đênh theo những chuyến tổ chức hội chợ của ông, nghệ thuật ĐCTT cũng theo về nhiều miền quê, đánh thức lòng đam mê của bao nhiêu con người chân quê yêu tiếng nhạc lời ca. Nhóm lửa phong trào tại ấp mình, tại sao không? Ông Trương đã nghĩ đến điều đó cách đây gần một năm. Và CLB do ông làm chủ nhiệm đã ra mắt cuối năm 2017. “Cơ duyên nào mà chú nghĩ đến chuyện thành lập CLB giữa một ấp vùng sâu thế này?”, chúng tôi hỏi. Ông Chủ nhiệm CLB ĐCTT ấp Kosthum trả lời mà như trút tâm sự. Thế là ông nói đầu đuôi ngọn ngành (đến mức không kịp để chúng tôi hỏi thêm). Trong câu chuyện của lòng đam mê ấy, chúng tôi bóc tách được một câu nói chân thành thật ấn tượng: “Chúng tôi thành lập CLB này để gầy dựng phong trào, để ĐCTT được lan tỏa. Chúng tôi muốn từ một CLB cấp ấp này sẽ có nhiều CLB ấp khác ở Ninh Thạnh Lợi, rồi rộng ra các xã khác nữa. Các CLB hoạt động phải thật sự hiệu quả chứ không phải thành lập cho có”.

Trong nhà của “người nhóm lửa” này, tất tần tật đều dính dáng đến âm nhạc tài tử! Người biết đờn, người biết ca, người đờn ca chưa rành rọt thì cũng thừa niềm đam mê để cổ vũ, ủng hộ người thân của mình. Hình như, ở những gia đình mà chỉ cần một vài người yêu nghệ thuật ĐCTT thì hầu như cả nhà sẽ “nhiễm” niềm đam mê đó?! Bạc Liêu đâu thiếu gì những gia đình như thế. Nhưng yêu đến mức cả nhà đồng thuận mở sân khấu ĐCTT quy tụ anh em về giao lưu hàng tuần như nhà ông chủ nhiệm CLB này thì cũng hiếm lắm thay!

 
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ĐCTT ấp Kosthum (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Ảnh: H.T.

Giàu lòng đam mê nhưng… thiếu đủ thứ

Ông Lê Văn Nải, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Hồng Dân cho biết toàn huyện hiện có đến 81 CLB ĐCTT với khoảng 800 thành viên. Nhưng duy trì được sinh hoạt thì chỉ chừng 17 CLB với khoảng hơn 200 thành viên. Được biết, Hồng Dân đang có kế hoạch đem nghệ thuật ĐCTT làm một sản phẩm du lịch đặc biệt để phát triển du lịch sông nước, du lịch miệt vườn, thế nhưng vẫn chưa tìm được một đội hình chuyên đủ tầm.

Từ kết quả những liên hoan ĐCTT các cấp cũng như nhìn vào thực trạng chung, có thể khẳng định rằng: Hồng Dân chưa phải là “đất tài tử” nếu so với những địa bàn khác như TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai, huyện Phước Long. Nhưng mảnh đất anh hùng ấy vẫn không vắng bóng những tài tử giàu tình yêu đối với nghệ thuật ĐCTT. Vì yêu mới có chuyện sáng lập CLB ĐCTT cấp ấp này. Vì yêu, nghệ nhân Ba Toại đã gần 70 tuổi vẫn đi - về đoạn đường hơn 30 cây số để hàng tuần đến với CLB. Chú Ba Toại vốn là Chủ nhiệm CLB cấp xã (xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long) mà qua bên Ninh Thạnh Lợi làm Phó Chủ nhiệm CLB cấp ấp - theo lời rủ rê của bạn bè. Vì yêu, nên có anh nông dân chữ nghĩa không nhiều lại viết nên bản vọng cổ mang tên “Ninh Thạnh Lợi quê tôi”. Cái ý đồ khi sáng tác của anh bạn này cũng rất ư là tài tử, đó là anh Nguyễn Văn Minh, một thành viên trong CLB. Anh Minh bộc bạch: “Năm 2014 Bạc Liêu tổ chức festival tôn vinh nghệ thuật ĐCTT. Tôi vốn yêu thích ĐCTT và tự hào về mảnh đất anh hùng này nên viết một bài để ca ngợi quê tôi cũng như hưởng ứng sự kiện chung đó”. Còn vợ chồng anh Quách Minh Thành - Huỳnh Thị Phượng thì cũng vì yêu lời ca tiếng nhạc mà trở thành một cặp “xứng đào xứng kép” trong CLB này. Cứ cuối tuần là vợ chồng lại đến đây giao lưu cùng anh em.

Giàu lòng đam mê nhưng CLB cấp ấp thì… thiếu đủ thứ! Dàn âm thanh chất lượng để hòa điệu thật ngọt ngào mới chính là chất xúc tác để mỗi tiệc ĐCTT hấp dẫn và cuốn hút khán giả. Thế nhưng, nhạc cụ còn chưa đủ thì đòi hỏi chất lượng cao là chuyện… xa xỉ! Chủ nhiệm CLB phải tận dụng dàn âm thanh đã “lớn tuổi” của nhà mình để chơi, nên đôi khi tài tử ca mà đờn không hòa, hoặc trật nhịp vì trục trặc kỹ thuật là chuyện… bình thường. Một hội thi ĐCTT để các thành viên CLB được dịp thi thố, thử sức mình là niềm khát khao của anh em chứ không chỉ dừng lại ở tầm “hát với nhau” mỗi dịp cuối tuần.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT đã có chương trình hành động cụ thể kể từ khi loại hình âm nhạc này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thế nhưng, việc giữ lửa phong trào ở những CLB cấp ấp như thế này, chúng tôi nhận thấy rằng, ngoài lòng đam mê của những nghệ nhân, tài tử không chuyên thì hầu như thiếu tất tần tật. Sự quan tâm của chính quyền sở tại trong việc định hướng, đầu tư trợ lực để duy trì và phát triển phong trào luôn là những yếu tố cần!

CLB và thành viên tham gia các CLB ĐCTT của tỉnh Bạc Liêu lên đến con số hàng trăm, hàng ngàn, nhưng hiệu quả đến đâu? Kinh phí Nhà nước hạn hẹp thì chúng ta vận động xã hội hóa để đầu tư cho những CLB này. Quan trọng hơn hết vẫn là sự quan tâm để định hướng phong trào tại cơ sở của chính quyền địa phương.

Về Kosthum nghe ĐCTT, nhìn những nghệ nhân cháy hết mình trong tiếng đờn, lời ca mùi mẫn, chúng tôi nghiệm ra ĐCTT luôn còn những "đệ tử" trung thành. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT xem ra đã có những yếu tố “cần” nhưng chưa “đủ”?!

Cẩm Thúy
Theo Báo Bạc Liêu

Bạn đang đọc bài viết "Về Kosthum nghe đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.