Sáng sớm. Nước ngoài sông rút cạn. Chỉ còn đặc sệt bùn và xác nhành cây. Bạn giục dậy, chưa kịp xúc miệng, bê thau, xô đi bắt sò huyết. Bạn bảo: “Tranh thủ nước ròng đi bắt sò huyết về lai rai. Con nào cũng mập ú hết”. Thế là mấy thằng, cùng lũ con nít ham vui chạy ùa ra con rạch sau nhà. Dù đang mùa nóng, nhưng hơi sương của buổi ban mai làm lạnh tê tái, nổi cả da gà. Chỉ vừa dậm chân xuống bùn thôi đã cảm nhận được có cái gì đó nhám nhúa đang nằm dưới bàn chân mình. À, một chú sò huyết to hơn quả mận hậu. Vội thò tay, chọc sâu vào bùn bắt lấy mà nét mặt rạng ngời, phơi phới. Nào giờ có biết bắt sò huyết là gì đâu. Thành ra, túm lấy được chú sò huyết lòng khoái chí vô cùng.
Người dân mộc mạc nơi đây rất đơn giản, nên món ăn họ làm không cầu kỳ. Nếu tôi không gợi ý món sò huyết xào tỏi thì họ sẽ luộc tái và dùng. Để làm sò huyết xào tỏi thì chịu khó kỳ cọ vỏ sò huyết cho sạch. Vì do ẩn mình trong bùn lâu ngày nên những chiếc vỏ xám đen, nám vàng. Nếu vội vàng rửa sơ rồi đem lên chảo xào sẽ mất ngon vì có mùi bùn và ra nước đen không bắt mắt. Phải chịu khó dùng bùi nhùi hoặc xơ mướp chà nhiều nước đến khi sò huyết trắng phau thì đạt. Giờ thì băm tỏi cho thật nhuyễn, nhiều. Sau đó bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào. Khi chảo dầu ăn sôi thì rắc một ít tỏi băm phi cũng ít dầu mỡ đến khi vàng nhạt dậy mùi thơm. Sò huyết rửa để ráo trong rổ, cho vào chảo và đảo liên tục.
Nếu muốn dùng tái thì sau khoảng 5 phút xào (tùy con to hay nhỏ) thì dùng được. Nếu ăn chín vừa thì khi thấy sò huyết hé vỏ thì tắt bếp, đậy nắp chảo một lúc rồi múc ra đĩa. Còn muốn ăn quá chín thì hễ thấy sò huyết chín bung hết miệng vỏ là chín rục rồi. Nhưng tốt hơn nên dùng chín vừa, bởi khi vừa chín, máu của sò huyết ngọt, đặc sệt, không loãng ra chảo.
Sò huyết xào tỏi dùng kèm với rau răm và muối tiêu chanh. Sò huyết sống trong môi trường tự nhiên, lại to béo nên rất ngọt và tốt cho sức khỏe.