Về An Giang khám phá Anh Vũ Sơn

26/02/2016 09:33

Theo dõi trên

Cùng nằm trong dãy Thất Sơn huyền bí, Anh Vũ Sơn có sức hút đặc biệt với lịch sử và những huyền thoại, truyền thuyết về núi Anh Vũ, cùng với những cảnh quan kỳ vĩ, tươi đẹp.

Anh Vũ Sơn còn có tên dân gian là núi Két hay núi Ông Két. Đây là ngọn núi nhỏ, cao 225m, nằm trong hệ thống dải Thất Sơn hùng vĩ thuộc địa phận xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Có thể đến Anh Vũ Sơn theo QL 91 từ Long Xuyên đi Châu Đốc, Tịnh Biên rồi tẻ qua đường 948 hướng về núi Cấm, Tri Tôn... hay từ Long Xuyên đi theo đường 941 đến thị trấn Tri Tôn, sau đó tẻ qua đường 948 đi núi Cấm, Tịnh Biên. Con đường núi này một bên là đồng bằng, một bên là vùng đất cao, chạy dài theo trục chính của Thất Sơn. Trên lộ trình, khách du lich sẽ lần lượt gặp núi Dài, núi Cấm, núi Bà Đội Om xanh mơ hùng vĩ với mây mù, khói sương là đà trên đỉnh...



Biểu tượng núi Két - Ảnh An Giang online

Tương truyền, núi mang danh “Két” vì bên vách núi ở trên cao, gần đỉnh núi có một mỏm đá nhô ra, nhìn từ xa trông giống như mỏ chim Két (tức Anh Vũ). Dân địa phương cũng như người hành hương gắn thêm từ ông vào, gọi núi Ông Két để thể hiện lòng tôn kính và sự sùng bái về những truyền thuyết có tính chất tâm linh, thần bí ở nơi vùng Thất Sơn này.

Núi Két có những điều mà ngày nay chưa ai có thể giải thích thấu đáo. Những di tích như “Dấu chân Tiên”, “Giếng Tiên” cùng với nhiều truyền thuyết có vẻ rất hợp lý với lịch sử phát triển về văn hóa, xã hội, tôn giáo của vùng Bảy Núi từ xưa đến nay…

Khi nói đến Anh Vũ Sơn, không thể không nhắc tới những người đã có công tôn, tạo giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ, huyền bí vốn có. Trong đó, người đầu tiên phải nhắc đến là ông Nguyễn Văn Sơn, biệt danh Sơn Đào.

Có thể nói, Khu du lịch núi Két hôm nay là cơ ngơi gầy dựng hơn ba mươi năm qua của ông Sơn. Tất nhiên, ông Sơn không tạo nên được ngọn núi này, nhưng ông đã nặng lòng với vùng đất núi nơi đây, đã bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền của đầu tư phát triển núi Két thành khu du lịch như hôm nay.



Điện thờ bộ đội trên núi Két - Ảnh An Giang online

Trên núi Két có khoảng chục địa điểm tham quan gắn với các truyền thuyết lịch sử tôn giáo ở vùng Thất Sơn. Từ dưới lên có thể kể một số điểm tiêu biểu, như: Mỏ Ông Két, điện Chư vị năm non bảy núi, điện Trúc Lâm, giếng Tiên, sân Tiên, điện Phật Thầy, điện U Minh, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Phật Mẫu…

Mỏ Ông Két nằm ở độ cao khoảng 100m, tính từ chân núi, đi bộ mất khoảng 15 phút theo lối mòn đã có sẵn từ xưa. Ngoài là một địa điểm dừng chân nghỉ ngơi trên đường lên núi, mỏ Ông Két còn là một nơi vãn cảnh lý tưởng. Ở dưới nhìn lên, mỏ Két hiển hiện trên nền trời xanh, có cảm giác như Anh Vũ đang lướt trên mây ngàn... Nhìn theo hướng mỏ Két, phía trước mặt là dãy Ngũ Hồ sơn (Núi Dài Năm Giếng) có thể ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp. Sau lưng mỏ Ông Két là điện thờ Chư vị “Năm non bảy núi”…

Trên đỉnh núi có giếng nước giữa lòng đá và đó chính là “Giếng Tiên”. “Giếng Tiên” là  một trong những địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình du lịch núi Két. Người ta gọi “Giếng Tiên” với ngụ ý đây là giếng của Tiên ban cho, chứ không phải do con người tạo ra. Giếng giống như một cái hang ăn sâu vào lòng đá. Nước ở giếng này có quanh năm và không hề lý giải được nguyên nhân….

Một điểm tham quan gây ấn tượng mạnh cho khách du lịch trong khu vực núi Két là “Điện U Minh”. Đây là nơi thờ Diêm Vương-vị chúa tể của cõi âm. Đường vào Điện U Minh hiểm trở, men theo các triền đá ven vực thẳm, luồn qua những ngõ ngách âm u sâu trong lòng núi. Bước vào cửa hang, khách du lịch giật mình khi thấy hai con mãng xà đá khổng lồ đang giương mắt, phùng mang trông rất dữ tợn. Qua một đoạn ngắn, có bậc đá dốc xuống trung tâm. Trong khoảng hang chừng 40m vuông, sáng mờ mờ, chính giữa điện có tượng Địa Tạng Vương (Diêm Chúa) ngồi chễm chệ. Phía dưới, bên trái ông là Phán Quan đang tra sổ sinh tử, thấp dưới bệ là Ngưu Đầu, Mã Diện cầm binh khí đứng hầu, chờ lệnh. Có vài bức tranh màu vẽ, mô tả cảnh âm phủ trên vách đá như tranh cầu Nại Hà (cầu qua cõi Âm). Tranh người bị quỷ sứ cưa đôi. Tranh ngài Mục Liên đi tìm mẹ... Ở Điện U Minh còn có một cái hang rất sâu khóa kín, tương truyền có thể thông qua núi Tà Lơn bên Campuchia!



Núi két. Ảnh Cần Thơ online

Lịch sử và những huyền thoại, truyền thuyết về núi Anh Vũ, cùng với những cảnh quan kỳ vĩ, tươi đẹp, cũng là sức hút đặc biệt đối với những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, con người của vùng bán sơn địa Tây Nam Tổ quốc.

Trang Trang (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Về An Giang khám phá Anh Vũ Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.