"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" 75 năm nhìn lại

23/11/2021 10:23

Theo dõi trên

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vào ngày 24/11/2021 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 75 năm qua, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.

so-486-chi-tich-ho-chi-minh-voi-cac-nghe-si-anh-11024x450-1637631381733726516892-1637633863231-1637633863382187290843-1637637713.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ - Ảnh tư liệu

Cách đây 75 năm, ngày 24/11/1946 Hội nghị Văn hóa toàn Quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ chí Minh khai mạc Hội nghị; Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại xã Đào Giã huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp soạn thảo và đọc bản báo cáo "Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam". Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vào ngày 24/11/2021 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 75 năm qua, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.

Ngay từ năm 1943, khi chính thể của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa ra đời thì Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo bản "Đề cương văn hóa Việt Nam". Đây là cương lĩnh đầu tiên về đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đề cương xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa), phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa. Bản đề cương xác định Việt Nam có một nền văn hóa độc lập, không bị đồng hóa bởi hơn một nghìn năm bắc thuộc đồng thời chống lại chính sách văn hóa ngu dân, phản dân tộc, phản đại chúng mà thực dân Pháp áp dụng tại Việt Nam. Với ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, Đảng ta đã trực diện đấu tranh chống lại những chủ trương, chính sách của chế độ thực dân, phong kiến. Đề cương văn hóa Việt Nam và một bản "tuyên ngôn văn hóa", bản "cương lĩnh văn hóa" đầu tiên của Đảng có tính chất hoạch định cho chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam.

Năm 1946, ngay sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 24/11/1946 tại Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc hội nghị, Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, tự chủ. Văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới với ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị là rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích cá nhân. Người khẳng định số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. (theo Báo Cứu quốc số 416 ngày 25/11/1946)

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, phong trào kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành một cuộc cách mạng mở rộng. Đảng ta đã xác định vai trò nhiệm vụ to lớn của văn hóa lúc này là phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sát đến lĩnh vực văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết nhiều bài đăng trên tờ Sự thật với các bút danh: C.B.X.Y.Z.A.G. Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp làm Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương kiêm tổng biên tập tờ Sự thật. Trước tình hình đó, tháng 7 năm 1948, Đảng ta mở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Hội nghị diễn ra 5 ngày từ 16 đến 20 tháng 7 năm 1948; Hội nghị đã tập trung hầu hết các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ lớn trong toàn quốc về dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến hội nghị này. Ngay trước ngày khai mạc hội nghị (ngày 15/7/1948) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho hội nghị, Người viết: "Trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng". Tiếp đó Người cũng nêu nhiệm vụ cụ thể của văn hóa là: "Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế".

Ngày 16 tháng 7 năm 1948 Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính thức khai mạc, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Bản báo cáo là cương lĩnh quan trọng về chủ trương, đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng một cách rõ ràng hơn lúc nào hết; đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta chính thức nêu lên một cách hệ thống, toàn diện các quan niệm về văn hóa và phát triển văn hóa theo lập trường Mác-xít của Đảng. Bản cương lĩnh đã cụ thể hóa nội dung của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng trên cơ sở nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử với ba nguyên tắc phát triển văn hóa việt nam là dân tộc, khoa học, đại chúng. Sau khi phân tích sâu sắc một số vấn đề lý luận Mác-Lênin về văn hoá, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng nhất trên thế giới và nước ta hiện nay là: "Về xã hội lấy giai cấp công nhân làm gốc, Về chính trị lấy độc lập, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".

88192bac-ho-voi-doan-ca-mua-nhan-dan-16376336843821711489528-1637633864727-16376338648591831700512-1637637759.jpg
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân (Ảnh tư liệu/baovanhoa.vn)

Về tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam, đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Mục đích của những người làm văn hóa Việt nam chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui; là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần vào kho tàng văn hóa thế giới. Đồng chí cho rằng văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải gồm đủ ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng; phải chống lại tính chất nô dịch, thuộc địa trong văn hóa Việt Nam cũ; chống lại mọi tư tưởng yếu đuối, ỷ lại, thiếu tự tin. Do tính chất văn hóa dân chủ mới đó các chiến sỹ trên mặt trận văn hóa phải đề ra ba phương châm của công tác vận động văn hóa mới là: dân tộc hoá, khoa học hóa và đại chúng hoá. Trách nhiệm của các chiến sỹ văn hóa là phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với kháng chiến, không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; ra sức nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chiến đấu và đời sống con người, lấy học thuyết của chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận phải biết kết hợp với thực tiễn; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, gần gũi quần chúng, cảm thông và học hỏi quần chúng. Đồng chí Trường Chinh cũng nêu bật nhiệm vụ của những người làm công tác văn hoá, văn nghệ lúc này là phải có lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân; phải thâm nhập quần chúng nhân dân, dấn mình trong phong trào cách mạng sôi động của dân tộc để sáng tác và phản ánh.

Bản báo cáo chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của đồng chí Trường Chinh là vũ khí sắc bén, một tác phẩm lý luận về đường lối, phương châm văn hóa của Đảng ta, đặt nền móng cho mặt trận thống nhất văn hóa Việt nam, đồng thời xác định nhiệm vụ chân chính của những người làm công tác văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Bản báo cáo đã gây được tiếng vang lớn cũng là lời hiệu triệu tập hợp đoàn kết rộng rãi các nhà văn hóa trong nước và nước ngoài tập trung vào nhiệm vụ kháng chiến. Sau 4 ngày thảo luận các đại biểu đã nhất trí tán thành việc đoàn kết những người hoạt động văn hóa thành mặt trận nhằm động viên các lực lượng văn hoá, văn nghệ phục vụ kháng chiến.

Sau hội nghị quan trọng này, hàng loạt các nhà văn hóa lớn, các văn nghệ sỹ nổi tiếng đã có những chuyển biến mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc; những tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng, phản ánh hiện thực cuộc sống nhân dân và công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc lần lượt ra đời. Tác phẩm "Đời sống mới" của chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn cụ thể việc ăn, việc ở, việc thiện, việc nghĩa, ma chay, giỗ chạp theo đời sống mới. Trong xã hội các hủ tục được cải tạo; ngoài mặt trận, các phong trào sáng tác văn nghệ quần chúng phản ánh cuộc kháng chiến diễn ra rộng khắp. Hàng loạt các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sỹ lớn như, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đã lăn lộn với cuộc sống nhân dân, bám sát chiến dịch để sáng tác và phản ánh. Các tác phẩm như: Truyện và ký sự của Trần Đăng. Nhật ký ở rừng của Nam Cao, Thư nhà của Hồ Phương, Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Người con gái quang vinh của Nguyễn Khải... lần lượt ra đời đã tạo nên một không khí hừng hực của cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc.

Cùng với không khí hào hùng của dân tộc, ở Phú Thọ lúc này Mặt trận Liên Việt đã được thành lập, hoạt động của các tổ chức như Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc... đã diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Thời kỳ này Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác cũng được thành lập gồm các văn nghệ sỹ và trí thức và một số nhà giáo để tuyên truyền chủ nghĩa Mác trong nhân dân. Phú Thọ cũng thành lập Chi hội Hội văn hóa kháng chiến trong sự trợ giúp của đông đảo lực lượng văn nghệ sỹ Trung ương. Cuối năm 1948 chi hội Hội văn hóa kháng chiến đã phát triển được hơn 2.000 hội viên. Một số ban, ngành của tỉnh cũng được xuất bản và phát hành như đặc san "Truyền tin" của Ty Thông tin, đặc san "Cầm cự" của tỉnh đội bộ dân quân, tờ "Tia sáng' của tỉnh bộ Việt Minh, tờ "Sông Lô' của liên khu X, tờ "Đây Việt Bắc" của chi hội Liên Việt, tờ "Phụ Nữ tiến" của Hội Phụ nữ... đã góp phần tyuên truyền các chủ trương của đảng và tinh thần của cuộc kháng chiến trong nhân dân Phú Thọ. Các nghệ sỹ lớn đã sinh sống và tham gia cuộc sống nhân dân tại các xã như Gia Điền, Xuân Áng, Vân Cù, Đàn Trầm, Hương Xạ, Yên Kỳ, Ao Châu... đã tham gia tuyên truyền sáng tác, phản ánh cuộc sống nhân dân và cuộc kháng chiến. Tác phẩm "Bầm ơi", " Bà Bủ" của Tố Hữu, "Trường ca Sông Lô" của Văn Cao đã ra đời. Ban kịch chuyên nghiệp của Thế Lữ đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn tuyên truyền trong nhân dân, Tạp chí Văn Nghệ số đầu tiên của Hội văn nghệ Việt Nam đã được xuất bản tại Phú Thọ, trong hoàn cảnh đó Phú Thọ trở thành "thủ đô" của văn nghệ kháng chiến. Các yếu tố trên đã ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng nền văn hóa dân tộc dân chủ nhân dân ở tỉnh Phú Thọ. Những kết quả trên mặt trận văn hóa đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất cao của Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng không ngừng đổi mới tư duy lý luận và bổ sung phát triển các quan điểm, đường lối lãnh đạo văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đưa ra năm quan điểm chỉ đạo cơ bản: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội; Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng. Có thể khẳng định Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng.

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế, ngày 9/6/2014 Ban chấp hàng Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó Nghị quyết đã kế thừa các quan điểm mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời xác định rõ mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết 33 đã xác định mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu mạnh, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngoài việc kế thừa các quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33 đã bổ sung hai quan điểm quan trọng đó là: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Đây là những quan điểm rất mới trong Nghị quyết, đó là đề cao xây dựng con người văn hóa và môi trường văn hóa; Nghị quyết cũng đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là nhiệm vụ hàng đầu bởi con người là chủ thể văn hóa. "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa" đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ngày 24/11/2021 Ban Bí thư trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là sự kiện văn hóa lớn (được coi như Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3) nhằm triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn nghệ; từ đó thống nhất phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa văn nghệ trong giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến 2045. Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng vào kết quả hội nghị để văn hóa tếp tục phát triển và có những đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển đất nước để "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

(*) Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ. Nguồn: bvhttdl.gov.vn

TS. Nguyễn Đắc Thủy (*)
Bạn đang đọc bài viết ""Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" 75 năm nhìn lại" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.