Vài nét về nhạc tài tử và đờn ca tài tử Nam bộ

03/08/2018 16:08

Theo dõi trên

Trong giới đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) xưa nay có câu truyền tụng rằng: “Đờn ca tài tử, nhất Bạc Liêu - nhì Cần Đước”. Khi ĐCTTNB được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5-12-2013), Bạc Liêu được mệnh danh là cái nôi của nhạc tài tử Nam bộ (NTTNB) và ĐCTTNB, vậy còn Cần Đước (tỉnh Long An) thì sao?

 
Theo Nguyễn Đăng Duy trong Văn hóa tâm linh Nam bộ (1998) thì thế kỉ XIII đất Nam bộ vẫn còn hoang vu và hiểm trở, đến đầu thế kỉ XVI người Việt mới có mặt ở vùng đất này. Từ bối cảnh của thời vua Lê Uy Mục (1508-1509), Lê Tương Dực (1510-1516) có nhiều cuộc nông dân nổi dậy, vì bị sự đàn áp của triều đình và địa chủ phong kiến, nên nhiều cư dân Việt từ miền Bắc, miền Trung phải xa xứ, tìm vùng đất mới. Họ dùng thuyền vượt biển đến mũi Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên,...

Sau đó, các cuộc di dân lần lượt Nam tiến: Các chúa Nguyễn cho phép những người dân miền Trung có tài lực được mua người làm công (ở đợ dài hạn) ở quê mình vào Nam bộ khai hoang, một số lính thú, tội đồ cũng được chúa Nguyễn điều vào Nam khai hoang lập ấp, những người giang hồ, những dân nghèo đi biệt xứ tha hương cũng tìm đến đây,...

Cùng với thời gian này còn có người Khmer chống lại vương quyền Nam Giang, họ ở lại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng...; người Hoa đến đất Nam bộ qua 2 đợt: Đợt 1, năm 1660, một nhóm cư dân Nam Trung Hoa hơn 7.000 người, do 2 tướng Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên dẫn đầu (ủng hộ Minh, chống Thanh) sang cư trú đất Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó chúa Nguyễn buộc họ di chuyển đến Mỹ Tho, Sa Đéc.

Đợt 2, năm 1754, một nhóm cư dân vùng Quảng Đông, Phúc Kiến miền Nam Trung Hoa, để tránh sự đàn áp của triều đình Mãn Thanh, Mạc Cửu và Mạc Thiện Tích đã dẫn đầu nhóm người này chạy sang nước ta, vào khai phá vùng đất Hà Tiên. Ngoài ra, do biến động lịch sử, Nam bộ còn có một số người Chăm từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến sống tại An Giang vào thời kỳ này,...

Do vậy, vùng đất mới Nam bộ hình thành song hành với vùng hội tụ của nhiều nền văn hóa đến từ các tộc người nêu trên; mỗi dân tộc ít nhiều mang theo vốn liếng nghệ thuật âm nhạc của mình làm hành trang đến với vùng đất mới, trong đó có một số di dân sớm dừng chân lập nghiệp tại Bạc Liêu.

Họ lấn tới vùng biển Bạc Liêu để làm muối, đánh bắt tôm cá và khai hoang làm ruộng, nên đất Bạc Liêu lúc bấy giờ sớm thành nơi hội tụ của những người tha hương cầu thực. Cũng là nơi gặp gỡ của nhiều nhân tài nghệ thuật.
 
 
Khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn (1802) thì nhạc cung đình ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh. Vùng đất mới phương Nam được khai phá, làng xã được thành lập, hầu hết các địa phương ở Nam bộ có đình làng thờ Thành hoàng được triều đình sắc phong; đồng thời có một hương nhạc phụ trách đội nhạc lễ trông coi và phục vụ cho các lễ lạt trong làng, kết hợp với hát bội trong những lễ hội Kỳ yên,…

Thời đó, hương nhạc là những nghệ nhân giỏi nhạc trong vùng, có thể do triều đình bổ nhiệm quan nhạc làm hương nhạc ở địa phương. Nhiều nghệ nhân từ miền Trung vào Nam khẩn hoang lập ấp hoặc theo phong trào Cần vương chống Pháp, họ mang theo vốn liếng nhạc cung đình và ca Huế vào Nam. Các sĩ tử từ Nam ra kinh đô học hành, thi cử cũng học được ít nhiều về dòng nhạc ngoài đó mang trở về Nam. Các lính thú, tội đồ bị triều đình cưỡng bách vào Nam mở đất… có người mang theo chút ít âm nhạc của quê hương đến với vùng đất mới Nam bộ. Khi nhạc cung đình Huế vào vùng đất mới Nam bộ, nó biến tấu nên được gọi là nhạc Lễ Nam bộ.

Hương nhạc cũng như các nghệ nhân nhạc Lễ Nam bộ, với nhiệm vụ chính của họ là phục vụ đình đám, lễ hội hằng năm. Họ còn rất nhiều thời gian nhàn rỗi. Không có công việc gì khác, cũng như nhu cầu giải trí, họ lấy nhạc để làm vui, chơi đờn và truyền nghề cho những ai yêu thích ca cầm. Khi nhạc Lễ Nam bộ tương đối định hình, các nghệ nhân kết hợp với các giai điệu dân ca: Ca dao, hò, lý trong dân gian Nam bộ trên cơ sở thang âm của nhạc ngũ cung mà sáng chế thêm hoặc cải tiến từ các thể điệu của nhạc lễ, ca Huế rồi sáng tác lời ca mới thành một dòng nhạc mới, đó là dòng NTTNB, mà hình thức diễn tấu, diễn xướng của nó gọi là ĐCTTNB.

Nhạc lễ Nam bộ có tính chất hùng tráng, trang nghiêm chỉ diễn tấu không có lời ca trong các thể điệu, nên gọi là khí nhạc. Còn nhạc tài tử, bất cứ thể điệu (bài bản) nào cũng có lời ca, do các nghệ nhân xuất thân từ nhạc lễ viết lời và ban đầu hầu hết họ không lưu lại bút danh (khuyết danh). Như vậy, NTTNB là dòng nhạc có nguồn gốc từ nền tảng của nhạc Lễ Nam bộ, thêm một bước phát triển của loại hình âm nhạc Ngũ cung Việt Nam và có lời ca.
 
Đỗ Dũng
Theo Báo Long An

Bạn đang đọc bài viết "Vài nét về nhạc tài tử và đờn ca tài tử Nam bộ " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.