Tuyên Quang: Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chăn nuôi giúp giảm nghèo bền vững

29/12/2022 21:12

Theo dõi trên

Theo báo cáo UBND tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 50.033 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,85% (chiếu theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025). Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với tỷ lệ 37,32%; 163 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng số hộ nghèo.

z3996317501650-9de374539773a4abf61205e52adf7660-1672239869-1672323124.jpg
Nhiều nông dân thát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung tỷ lệ hộ nghèo chung giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% trở lên.

Thực tế thực hiện chương trình trong hai năm qua cho thấy, một trong những giải pháp đem lại hiệu quả, bên cạnh chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi, việc hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề, quản trị vốn vay.

Những năm qua, việc triển khai tổ chức thực hiện kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ, giúp đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông và mạng lưới quốc gia đến trung tâm xã; 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 7.839 người được tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh, 3.388 người làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước, 131 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài lồng ghép các chương trình của Nhà nước, tỉnh còn chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện nhiều dự án, mô hình phát triển sản xuất như: mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổ hợp tác sản xuất; quỹ tín dụng giảm nghèo; hỗ trợ hộ nghèo mua trâu và lợn nái sinh sản; thành lập các tổ hợp tác sản xuất cam sành, hỗ trợ các thành viên mua phân bón, máy bơm nước áp lực tưới cây, máy phun thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay đã có 649 mô hình trồng trọt, 219 mô hình chăn nuôi, 61 mô hình lâm nghiệp, 22 mô hình thủy sản tạo ra sản phẩm hàng hóa tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ hướng truyền thống sang hiện đại, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh, thân thiện môi trường, không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thông minh. Ví dụ như mô hình trồng bưởi ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, nơi được coi là “vựa bưởi” ở Tuyên Quang. Hiện tổng diện tích bưởi trên địa bàn xã là gần 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Soi Hà, Soi Đát, Đô Thương 6, Vân Giang, Đồng Cày... Để cây bưởi cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, nhiều hộ trồng bưởi đã ủ phân hữu cơ để chăm bón cho cây thay cách chăm bón truyền thống. Đặc biệt, với xu thế phát triển nông nghiệp sạch như hiện nay thì dùng phân hữu cơ càng có nhiều lợi ích thiết thực như tạo ra sản phẩm sạch, ít lạm dụng phân bón hóa học, từ đó giúp nuôi dưỡng, bảo vệ lâu dài môi trường đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Trong năm 2023, Tuyên Quang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, chủ động và nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ được xem là giải pháp then chốt, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

P.V
Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chăn nuôi giúp giảm nghèo bền vững" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.