
Bà Bàn Thị Lan (thôn 3) cho hay: "Lễ cấp sắc được thực hiện gồm một người chính, một người phụ. Trước đây, lễ cấp sắc được thực hiện 3 ngày 3 đêm, nhưng nay đã rút ngắn lại thành 1 ngày, 1 đêm để đảm bảo cho việc sản xuất. Trước khi tổ chức lễ, gia đình người thụ lễ phải chuẩn bị 3 con heo, 20 con gà, rượu, hoa, trái cây, gạo nếp, bánh chưng... Đặc biệt, trong mâm cúng của lễ cấp sắc không thể thiếu bánh dày. Bởi bánh dày tượng trưng cho trời đất và sẽ chứng giám cho người thụ lễ đã thực sự trưởng thành". Trong lễ cấp sắc, thầy cúng sẽ là người điều khiển các nghi lễ nhằm tái hiện lại các hoạt động văn hóa của dân tộc. Do vậy, việc lựa chọn thầy cúng cũng góp phần thành công cho nghi lễ cấp sắc của người Dao. Thầy cúng thực hiện lễ cấp sắc phải là người học rộng, tài cao, thông thạo chữ Nho... Đồng thời, thầy cúng được chọn lựa phải là người đã có vợ. Ông Triệu Văn Quý (thầy cúng) chia sẻ: "Người thụ lễ cấp sắc phải trải qua 2 lần làm lễ mới được công nhận trưởng thành, được làm người lớn. Thông thường, mỗi lễ cấp sắc phải có 7 thầy cúng hành lễ. Khi nghi lễ diễn ra, người thụ hưởng lễ cấp sắc chính có nhiệm vụ cầm 7 cây đèn và người phụ cầm 3 cây đèn. Người đàn ông có vợ thường được chọn để làm lễ cấp sắc trước".
Để bắt đầu nghi lễ, thầy cúng gọi tên bố đẻ, tên ông nội của các thầy về để chứng giám cho công việc của mình. Sau đó, thầy cúng sẽ làm lễ tẩy uế, lập đàn trong nhà rồi thả tranh các vị thần linh. Trước bàn thờ nơi treo các bộ tranh, thầy cúng bắt đầu gọi thần núi, thần đất, thần rừng... và làm lễ khai đàn mời tổ tiên về dự quá trình cấp sắc cho người thụ lễ. Theo ông Quý, điều quan trọng nhất trong buổi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ.
Người Dao cũng tuyệt đối kiêng kị phụ nữ ra vào nơi làm lễ. Sau khi tất cả nghi lễ kết thúc, người thụ lễ được tổ tiên, thần linh và mọi người công nhận đã là người trưởng thành, người lớn trong gia đình. Những người đã được cấp sắc có thể học để trở thành thầy cúng và cấp sắc cho những người còn lại trong dòng họ, gia đình.
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết: "Trên địa bàn xã hiện có gần 400 hộ người Dao. Theo thời gian, nhiều phong tục của người Dao dần bị mai một. Tuy nhiên, lễ cấp sắc là một nét văn hóa truyền thống được người Dao gìn giữ hàng ngàn đời nay. Ngoài ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành, lễ cấp sắc cũng là dịp để người đàn ông Dao cảm tạ trời đất vì đã mang đến những điều tốt lành trong cuộc đời của họ".
(Theo cadn.com.vn)