Tìm hiểu tục thờ Thông Thiên của người dân Nam Bộ

21/03/2017 09:24

Theo dõi trên

Thờ Trời là tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Đây là một dạng tín ngưỡng sơ khai của con người khi chưa giải thích được các hiện tượng tự nhiên nên cho rằng: mỗi sự vật, hiện tượng xung quanh mình đều có các vị thần linh chi phối, dần dần hình thành nên tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ở Nam Bộ, Trời là một trong những vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nhất.



Ảnh minh họa (nguồn: Báo Cần Thơ)

Đến thăm một ngôi nhà của người Việt ở Tây Nam Bộ, dù là miệt vườn, hoặc nơi thị trấn, thị tứ..., chúng ta dễ dàng bắt gặp bàn thờ thiên. Thường đó là một mảnh gỗ mỗi bề rộng khoảng 50 - 60cm, được gắn liền một cây cột bằng gỗ. Ở đô thị bàn thờ thiên được xây bằng gạch, cũng là một bệ xi măng đặt trên trụ xây gạch cao hơn đầu người một chút. Bàn thờ được đặt ngay trong vườn nhà gần lối đi vào, tức phía trước nhà,đôi khi được làm thành một cái trang nhỏ gắn liền tường trước mặt nhà gần cửa, cổng. Bàn thờ thiên, chỉ trừ đặt trong trang thờ, thì không có mái che phía bên trên.

Bên trên phiến gỗ, hoặc bệ xi măng, có một bát hương và bình gốm để cắm hoa, và một chén (hoặc ly) để đựng nước cúng. Nhìn chung việc thiết lập và bài trí bàn thờ thiên khá đơn giản, tùy khả năng gia chủ mà dựng trụ gỗ (cây) hoặc xây gạch.

Người Nam Bộ vốn chất phác và phóng khoáng trong cuộc sống và sinh hoạt nên sự hỗn dung trong việc thờ tự cũng được biểu hiện rõ nét. Người ta dễ nhận thấy nhiều bàn thờ Thông Thiên đôi khi còn có kết hợp thờ ông Tà bên cạnh, có khi là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ Thông Thiên. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng "ông Trời".

Nếu trong nhà có một mâm cơm cúng thì trên bàn thờ Thông Thiên cũng có lễ vật, hoặc là hoa quả, hoặc dĩa xôi, có khi rượu thịt. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm.

Hiện nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ vẫn còn giữ tục lệ này, nhất là những vùng nông thôn. Quan sát bàn thờ Thông Thiên có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm - dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông - tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Lạc Việt.
 
Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: có vuông - có tròn, có âm - có dương.

Ngày nay, xã hội đã phát triển, một số tín ngưỡng cổ sơ đã không còn tồn tại, nhưng tín ngưỡng thờ Trời vẫn mãi còn trong tâm thức người dân Nam Bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Tìm hiểu tục thờ Thông Thiên của người dân Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.