Chị Huế kể lại quãng thời gian tham gia “cỗ máy” đa cấp
Ông Vân, một người dân trú tại xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) kể: “Hồi đó là khoảng năm 2011, lúc ấy tôi hào hứng lắm. Ở gia đình, dòng họ có thể nói tôi là người “tiên phong” đi theo tiếng gọi của… đa cấp. Bán được mẻ cá, tôi dấu vợ ít tiền rồi đi nghe người ta “thuyết trình”. Người quê chân chất, nghe xong, tôi hứng lắm. Giàu mà, ai chẳng ham. Sẵn trong túi có tiền bán cá, tôi mua luôn một mặt hàng trị giá 4 triệu đồng để tham gia vào “mạng lưới”, trong tâm trí tôi phơi phới niềm vui…”.
“Trở về nhà, khoe với vợ, với con. Ai cũng vui vẻ dù khoản tiền 4 triệu đồng để mua một cái nồi cơm điện lúc ấy có giá gấp 3, gấp 4 giá trị của một chiếc nồi cơm điện bán ở ngoài cửa hàng. Nhưng có ai ngờ, sau một thời gian, theo như “quy định” của “mạng lưới”, tôi phải có thêm người, phải mời gọi được người ta mua hàng cho mình thì mới được ăn phần trăm. Nghĩ số tiền lớn như thế để mua một mặt hàng, rồi người mua hàng lại phải “kết nối” thêm “đồng bọn”, mà cái “mạng lưới” ấy phải phát triển đều thì người trên mới “ăn” được của kẻ dưới “nhánh”, một khi “nghẽn mạng” là… toi. Ngẫm nghĩ mãi, sau một đêm hai vợ chồng vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi đành chia tay với giấc mộng giàu sang kiểu đa cấp. Làm thế, chẳng khác nào đi lừa đảo người ta? Lần này, vợ con tôi còn vui vẻ hơn cả khi tôi tham gia vào “mạng lưới” đa cấp”, ông Vân hóm hỉnh nói.
Cũng theo câu chuyện của ông Vân, với ông như thế là đã quá đủ cho sự “trải nghiệm” đa cấp. Ông Vân đã từng chứng kiến cả đàn bò “chui” vào cái “mạng lưới” đa cấp, cả hàng trăm héc ta đất rừng cũng chui tọt vào cái mạng lưới ấy khiến ông không khỏi buồn lòng. Nhưng ông khuyên bảo người ta cũng chẳng nghe. “Ai lại nghe cái thằng làm nông quần sắn tới gối cả ngày, hút thuốc lào xoe xóe như tôi. Người ta tin những kẻ quần là, áo lượt “đóng thùng” cả ngày, hút thuốc lá thơm nhưng… ăn mì tôm cả tháng kia kìa. Rõ khổ… ”.
Theo như những gì mà chúng tôi tìm hiểu được thì “mạng lưới” đa cấp phát triển mạnh được, và vẫn có thể tồn tại là do họ đã đánh trúng tâm lý của người dân. Ai cũng muốn giàu nhanh, ai cũng muốn đổi đời. Tuy nhiên, đa phần những người “sập bẫy” đều ở độ tuổi nghỉ hưu hoặc mới bước vào đời.
Chị Huế cũng là một trong những người đi theo “mạng lưới” đa cấp từ rất sớm. Tuổi trẻ, ham muốn làm giàu càng mạnh mẽ. Chị đã từng mang hết số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, tiền bố mẹ cho làm vốn đi làm giàu theo kiểu đa cấp.
Chị Huế cho biết: “Thời điểm ấy tôi đã mua đến 5 cái mã để được cấp thẻ (mỗi mã là 4,5 triệu đồng). Lúc đó tôi được cấp 5 cái thẻ liền cảm thấy vinh dự lắm, tự hào lắm. Đi đâu cũng đeo kè kè ở cổ trông rất oách. Nhưng rồi khi chẳng phát triển được mạng lưới thì mấy cái thẻ ấy cứ nằm tròn vo ở đấy, lúc này tôi mới chợt nhận ra rằng cơm chả có mà ăn như thế này lấy đâu ra mà giàu cho được. Thế là đành ôm cả sản phẩm lẫn thẻ làm kỷ niệm. Hơn 20 triệu của tôi giờ đành mất trắng…”.
“Vì sao “cỗ máy” đa cấp lại có đất sống? các cơ quan chức năng khó dẹp bỏ đến vậy? Tất cả là do nhận thức của mỗi chúng ta. Bởi khi chúng ta tham gia hoạt động “mạng lưới” này đều theo tinh thần “tự nguyện”. Tôi chỉ mong mọi người hãy tỉnh ngộ, không có việc gì kiếm tiền mà dễ dàng cả. Mọi người đừng nhìn vào miếng thịt thơm trên cái bẫy chuột của họ…”, ông Vân chia sẻ.